Mazda đăng ký logo nhận diện mới

25/07/2024 13:41:42

Hãng xe Mazda được phát hiện đã đăng ký bản quyền cho logo và font chữ mới làm dấy lên khả năng hãng xe này sắp thay đổi bộ nhận diện thương hiệu.

Mới đây, tạp chí xe hơi Drive của Úc đưa tin Mazda đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho một logo mới. Phiên bản mới là biến thể đen trắng với thiết kế 2D đơn giản và sắc nét hơn hẳn so với logo hình đôi cánh chữ V vốn đã trở nên quen thuộc trong nhiều năm qua.

Mazda đăng ký logo nhận diện mới
Logo mới (bên dưới) được Mazda đăng ký bản quyền có thiết kế đơn giản hơn đáng kể so với bản hiện hành. Ảnh: Drive.

Logo hiện thời được Mazda giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1997 và đã trải qua ba lần thay đổi trong những năm sau đó. Tại đây, hình ảnh cánh chim sải dài tượng trưng cho tốc độ, sự linh hoạt, sức mạnh và ổn định đồng thời thể hiện cam kết không ngừng cải tiến, vươn cao hơn, xa hơn trên con đường chinh phục những đỉnh cao mà nhà sáng lập công ty là Jujiro Matsuda hằng ao ước.

Mazda đăng ký logo nhận diện mới - 1

Ngoài logo, Mazda cũng đã đăng ký bản quyền cho một font chữ mới. Theo đó, tên thương hiệu sẽ được viết hoa toàn bộ bằng font chữ này, tương tự như font được sử dụng cho thương hiệu Mazda Foundation và Mazda Driving Academy, cũng như xuất hiện trên một số dòng xe như Mazda 3.

Từ năm 1975, Mazda đã sử dụng biểu tượng với chữ "m" và "a" viết thường, chữ "d" và "z" viết hoa. Trong đó chữ "z" được thiết kế theo kiểu chữ cắt kim loại đã trở thành biểu tượng quen thuộc của thương hiệu trong nhiều thập kỷ.

Mazda đăng ký logo nhận diện mới - 2
Font chữ mới được Mazda đăng ký trông khá giống với font được sử dụng trên dòng Mazda 3.

Động thái đăng ký cả logo và font chữ mới làm dấy lên nghi vấn về một sự thay đổi lớn về mặt nhận diện thương hiệu của hãng ô tô Nhật Bản. Tuy nhiên khi được Drive liên hệ, người phát ngôn của Mazda tại Úc đã từ chối bình luận về bộ nhận diện mới.

Do đó, hiện vẫn chưa thể kết luận rằng liệu Mazda có kế hoạch thay đổi toàn bộ logo nhận diện thương hiệu hay không. Cũng không loại trừ khả năng hãng chỉ áp dụng logo và font chữ mới cho một số bộ phận nhất định của công ty, hay một dòng xe cho thị trường cụ thể hoặc phụ tùng thay thế.

Theo Lê Tuấn (Tiền Phong)

Nổi bật