Defender 80 nằm ở phân khúc SUV hạng sang cỡ nhỏ với mục tiêu thu hút thêm khách hàng phổ thông chuyển lên thử trải nghiệm xe sang nhờ mức giá khởi điểm hấp dẫn dự kiến ở ngưỡng 30.000 USD. 2 phiên bản Defender 2 và 4 cửa trước đó lần lượt dùng tên mã Defender 90 và 110 có tầm giá từ 50.000 tới 80.000 USD.
Để có thể hạ thấp giá xe xuống mức phổ thông như trên, Land Rover sẽ phải dùng đến khung gầm của tập đoàn mẹ Tata Motors cải tiến từ loại đang dùng trên Tata Harrier, đồng thời chọn địa điểm lắp ráp xe ở châu Á để giảm chi phí nhân công.
Các tùy chọn động cơ trên Defender 80 may mắn vẫn là dòng Ingenium của thương hiệu Anh Quốc với bản mặc định nhiều khả năng là loại 3 xy-lanh, cao cấp hơn là cấu hình hybrid.
Khi chào sân vào 2022, Defender 80 sẽ cạnh tranh với các mẫu xe phổ thông bao gồm Ford Bronco (Bronco Sport đồng cỡ Defender 80 nhưng giá dự kiến thấp hơn nhiều), Jeep Wrangler hoặc Jeep Compass.
Land Rover Defender thế hệ mới ra mắt vào năm ngoái và gây ra nhiều tranh cãi về thiết kế. Trong khi nhiều người ngợi khen sự lột xác theo hướng hiện đại thì một số khách hàng ruột quay lưng do thiết kế quá mềm mỏng, mất "chất" Defender cũ và còn từ bỏ luôn kết cấu khung thân tách rời mạnh mẽ trong vận hành off-road để chọn kết cấu khung thân liền khối của crossover.
Hồi tháng 3 vừa qua, giám đốc thiết kế Gerry McGovern thừa nhận rằng Defender mới "không đủ hoài cổ" để được các fan ruột của dòng xe này thừa nhận, tuy nhiên hãng đã quyết định làm mới xe vì "chúng tôi nghĩ hoài cổ là chết. Đó là một động thái cho thấy chúng tôi không có ý tưởng mới cho tương lai và nhìn lại quá khứ quá nhiều", ông nhận định.
Theo Quang Phong (Trí Thức Trẻ)