Năm 2015, Trung Quốc chỉ xuất khẩu được 375.000 ô tô mỗi năm ra các nước trên thế giới, không thể so sánh với Ấn Độ và thậm chí là chưa bằng lượng xuất khẩu của các cường quốc ô tô như Đức, Nhật Bản trong vòng 1 tháng. Thế nhưng, vào năm 2021, Trung Quốc đã xuất khẩu gần 1,6 triệu ô tô và tới hết năm 2022 là 2,7 triệu ô tô. Điều gì đã khiến cho chỉ trong vòng một thời gian ngắn, ngành ô tô Trung Quốc lại có thể bứt phá thần tốc và mạnh mẽ ngoạn mục như vậy. Có thể nói, đây là một tấm gương sáng cho những nền công nghiệp ô tô non trẻ đáng học tập.
Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2023, đã có gần 2 triệu ô tô Trung Quốc xuất khẩu, trung bình 10.000 xe được chuyển ra khỏi các nhà máy và lên đường ra nước ngoài mỗi ngày. Từ một đối thủ không đáng để mắt tới, giờ đây xe hơi từ Nhật Bản và Đức đang ngày một ngột ngạt hơn trước đối thủ mới đầy năng lượng, chiếm lĩnh thị trường nhanh chóng và bắt kịp xu thế.
Chính sách “đi tắt, đón đầu” của ngành ô tô Trung Quốc
Có thể nói, ngành ô tô Trung Quốc trong những năm đầu của thế kỷ XXI thực sự là sự hoài nghi và ngờ vực với thế giới, khi xe “Tàu” luôn bị gắn mác kém chất lượng, nhanh hỏng vặt và không đáng tin cậy. Chất lượng ô tô Trung Quốc không đủ khả năng để so sánh với những ông lớn sừng sỏ trong ngành ô tô truyền thống vốn có lịch sử hàng trăm năm.
Do đó, họ chọn một cách làm táo bạo, đó là tập trung đầu tư mạnh vào lĩnh vực mới sẽ là xu thế của thị trường ô tô tương lai, chìa khóa của thành công mà ô tô Trung Quốc ngày nay có được, đó chính là xe điện.
Từ năm 2009 cho đến năm 2019, tờ The Economist ước tính rằng chính phủ Trung Quốc đã đầu tư tới 676 tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 100 tỷ đô la vào lĩnh vực phát triển công nghệ sản xuất xe điện. Ở thời điểm mà Tesla, tập đoàn xe điện hàng đầu thế giới còn gần như là một chấm nhỏ giữa bản đồ ô tô toàn cầu, thì chính quyền Trung Quốc đã thực sự nhận ra con đường mà họ cần phải nắm bắt để đi tắt tiến tới thống lĩnh thị trường ô tô.
Có thể nói, đó là một bài toán chiến lược gần như đánh cược toàn bộ tương lai của ngành ô tô quốc gia này, trong khi đó, người hàng xóm Nhật Bản đã chọn mục tiêu phát triển phân khúc xe xăng lai điện Hybrid mới là loại phương tiện của tương lai. Cuối cùng, thời gian đã chứng tỏ, những tính toán sai lầm về chiến lược đã khiến cho Trung Quốc vượt mặt nhanh chóng ngành xe Nhật Bản vốn đã có nhiều năm thống lĩnh toàn cầu.
Sự đầu tư đúng hướng đã giúp cho Trung Quốc có thể nhanh chóng gặt hái những thành tựu vang dội khi mà thị trường cũng dần chuyển đổi sau nhiều tác nhân khách quan như chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng năng lượng, bệnh dịch và biến đổi khí hậu.
Trung Quốc cũng cố gắng để nỗ lực tự cải thiện chính mình
Không chỉ có phương án chiến lược phù hợp, dám đầu tư mạnh tay vào phát triển công nghệ mới, ngành ô tô Trung Quốc trong những năm gần đây cũng liên tục tự cải thiện sản phẩm của mình để dần mất đi những ấn tượng xe “kém chất lượng”.
Từ chỗ chủ yếu xuất khẩu sang các nước kém phát triển và các nước đang phát triển, giờ đây, xe Trung Quốc đang ngày một chiếm lĩnh thị trường châu Âu nổi tiếng là khó tính. Điều này khiến cho không ít các nhà sản xuất nội địa tại châu Âu cảm thấy bị thách thức và cạnh tranh một cách nặng nề.
Nhờ chi phí nguyên vật liệu sản xuất rẻ, nhân công ít chi phí hơn đáng kể, những chiếc ô tô sản xuất tại Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu có thể rẻ hơn tới 25% so với loại ô tô tương đương do châu Âu sản xuất. Khiến cho các phương tiện đến từ quốc gia này có một lợi thế cực kỳ lớn về giá cả.
Doanh số xuất khẩu của xe Trung Quốc sang thị trường Australia tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu của năm 2023, lên hơn 100.000 xe. Doanh số xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha tăng gấp 17 lần lên gần 70.000 xe.
Đây là những sự ghi nhận xứng đáng nhất cho những nỗ lực vượt trội của ngành ô tô Trung Quốc, khi họ đi đúng hướng và có cố gắng không ngừng để hoàn thiện bản thân. Trong năm 2023, lần đầu tiên số lượng xe xuất khẩu của Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để đưa quốc gia này trở thành nhà xuất khẩu ô tô số 1 thế giới hiện nay.
Năm 2035, 3 thị trường ô tô lớn nhất thế giới là Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc sẽ cùng áp dụng lệnh ngừng cung cấp, phân phối và sử dụng xe động cơ đốt trong nhằm bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển xe điện. Từ đây tới năm 2035, xe điện Trung Quốc sẽ còn nhiều đà tăng trưởng ngoạn mục và theo tờ Telegraph của Anh nhận định rằng, sẽ không gì có thể ngăn cản được sự thống trị của Trung Quốc đối với thị trường ô tô toàn cầu trong tương lai không xa.
Theo Hùng Dũng (VietNamNet)