Cẩn trọng quan sát độ sâu vùng ngập nước
Đây là bước đầu tiên trong quy trình lái xe ô tô qua đường ngập nước vì rất nhiều người chủ quan bỏ qua công đoạn này mà thản nhiên cho xe lao qua vũng nước sâu. Điều này dẫn đến thuỷ kích khiến xe bị chết máy giữa đường. Vì vậy, nếu thấy phía trước là vùng ngập nước nặng hãy cẩn trọng đánh giá tình hình trước khi cho xe chạy vào.
Khả năng lội nước của xe phụ thuộc vào vị trí của ống hút gió. Khi mực nước quá cao, chúng có thể tràn vào ống hút gió, đi thẳng vào động cơ, khiến động cơ ngưng hoạt động. Do đó ống hút gió càng cao thì nước càng khó lọt vào.
Chạy đều ga, ổn định tốc độ
Để lái xe qua đường ngập nước mà không bị chết máy, hãy giữ đều chân ga, chạy vận tốc vừa phải, di chuyển không quá chậm cũng không nhanh. Tuyệt đối không tăng tốc hoặc giảm tốc đột ngột. Đạp thốc ga sẽ dễ tạo ra lực quán tính khiến nước tràn vào khoang máy thông qua lưới tản nhiệt. Mặt khác, nếu phanh gấp, dòng khí xả phía sau không ổn định cũng có thể làm nước tràn vào ống xả. Khi di chuyển qua vũng nước sâu tuyệt đối không dừng lại giữa đường. Trong tình huống bất đắc dĩ phải dừng như bị tắc đường thì không nên giảm ga mà hãy đạp phanh. Việc đồng thời đạp phanh và đạp ga sẽ giúp giữ ga, tránh xe bị chết máy.
Tránh phanh gấp
Tránh phanh gấp, đặc biệt là nếu xe của không có hệ thống chống bó cứng phanh. Thay vào đó là giảm ga hoặc rà nhẹ chân phanh để giảm tốc độ và luôn nhớ phanh sớm hơn và nhẹ hơn so với bình thường vì độ nhạy của phanh khi đường ướt sẽ kém hơn từ 2 đến 3 lần so với đường khô.
Người lái có thể từ từ nhả chân ga và điều khiển xe đi thẳng cho tới khi xe lấy lại được ổn định, dùng phanh chân đạp nhẹ cho đến khi xe trở lại trạng thái cân bằng, tuyệt đối không dùng phanh tay.
Chạy số thấp
Một trong những điều quan trọng nhất cần ghi nhớ đó là về số thấp để dễ dàng vượt qua các vũng nước sâu bởi khi đó lực kéo sẽ cao. Với xe hộp số sàn nên chuyển về số 1 hoặc 2 để có thể chạy đều ga, không bị ì máy.
Tắt điều hòa
Nên tắt điều hòa xe hơi trước khi cho xe chạy vào đường ngập. Vì quạt gió hoạt động sẽ dễ hút nước đi sâu vào bên trong khoang máy. Mặt khác, tắt điều hoà còn giúp giảm tải cho động cơ, xe có thể dồn lực vào việc "lội" nước. Nếu tắt điều hòa khiến khoang hành khách bị bí khí, hãy mở cửa sổ. Ngoài ra, người lái cũng nên tắt các thiết bị điện không cần thiết trên xe như màn hình DVD, loa.
Bật đèn chiếu sáng và đèn cảnh báo
Trước khi đi vào đường ngập nước hãy sử dụng cả đèn cảnh báo và đèn chiếu sáng phía trước. Nếu trời sáng thì bật đèn gầm, trời âm u bật luôn đèn cốt. Bật đèn sẽ khiến tài xế quan sát tốt hơn, đồng thời có thể đánh giá độ sâu của vùng ngập.
Không chủ quan đi qua các ngầm tràn
Các tuyến đường vùng cao thường có ngầm tràn cắt ngang qua đường. Nếu tài xế vội vàng lái xe qua khi mực nước dâng cao và chảy siết, xe có thể nhanh chóng bị cuốn trôi, rất nguy hiểm. Do vậy lái xe cần cẩn trọng đánh giá kỹ tình hình, không nên chủ quan vì hậu quả có thể diễn tiến khôn lường. Trong những tình huống này, dừng xe chờ nước rút xuống mức an toàn là quyết định khôn ngoan và an toàn nhất dù có mất nhiều thời gian đến đâu.
Theo Thu Hà (Cartimes.vn)