Nhà không có nhưng phải mua siêu xe
Số liệu của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Vận tải Hàn Quốc năm 2022 cho thấy tỷ lệ giữa giá nhà và thu nhập bình quân ở thủ đô Seoul-Hàn Quốc đã lên đến 15,2 lần. Nghĩa là người dân phải nhịn ăn mặc suốt 15 năm mới mua nổi một căn BĐS.
Thế nhưng điều kỳ lạ là có cả một tầng lớp giành đến 70% thu nhập để "nuôi" chiếc xe sang của mình hàng tháng dù chưa có nhà ở. Những người này thường bị gọi là "Car Poor", chủ yếu là đối tượng trẻ bị ám ảnh với lối sống vật chất và muốn nâng cao vị thế xã hội thông qua những chiếc xe sang.
"Tôi cho rằng bản thân là một người thuộc tầng lớp người nghèo chơi xe sang. Tôi dùng đến 70% lương hàng tháng chỉ để bảo trì chiếc ô tô của mình", anh Choi, một người đàn ông 29 tuổi đang dùng Porsche Cayman Turbo S đã qua sử dụng (second hand) với phương thức trả góp 60 tháng thú nhận.
Tư tưởng gắn liền giá trị của một người qua tài sản mà họ sở hữu hay những thứ vật chất được thể hiện như siêu xe đang khiến ngày càng nhiều người như anh Choi xuất hiện trong xã hội Hàn Quốc.
"Thành thật mà nói tôi thích thú khi mọi người xung quanh kinh ngạc lúc nghe thấy tiếng động cơ ô tô của tôi gầm rú dữ dội. Bạn gái tôi cũng thích điều đó", anh Kim Yoon Koo, một nhân viên văn phòng tại Seoul thừa nhận.
Thậm chí, văn hóa đánh giá con người qua chiếc xe họ đi ở Hàn Quốc còn tạo nên "tháp giá trị" khi phân cấp từng người qua loại thương hiệu xe sang hoặc phương tiện vận chuyển mà họ sử dụng.
Theo đó, những người ở đáy tháp giá trị thường là giới bình dân, kiếm được ít hơn 20 triệu Won mỗi năm và chỉ đi xe buýt, tàu điện ngầm hoặc đi bộ.
Tiếp đó là những thương hiệu bình dân như Kia, Renault và Chevrolet, rồi đến Toyota và Ford cho giới trung lưu, sau đó là Genesis, Tesla và Volvo cho giới cận thượng lưu. Những cái tên BMW, Mercedes và Lexus là dành cho giới nhà giàu và top 3 là Rolls-Royce, Bentley và Maybach. Riêng Bugatti và Pagani thì lại được đánh giá ở một "đẳng cấp khác".
"Người Hàn Quốc đang phụ thuộc vào các sản phẩm tiêu dùng phô trương để nâng cao địa vị xã hội trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nhanh. Mong muốn hưởng thụ sự xa hoa từ các sản phẩm phô trương đem lại xuất phát từ khát khao bắt chước giới thượng lưu của tầng lớp dưới, vốn cảm thấy thua kém trong xã hội", Giáo sư Hong Eun Sil của trường Đại học Quốc gia Cheonnam nhận định.
Cháy hàng
Nhắc đến tiêu thụ xe hơi, nhiều người sẽ nghĩ đến Mỹ hay Trung Quốc. Thế nhưng Hàn Quốc mới là nước duy nhất trên thế giới mua nhiều Lamborghini hơn cả quê hương Italy của họ, đồng thời tiêu thụ nhiều Mercedes E Class nhất toàn cầu.
Nhiều thương hiệu xe sang ở đây bán hết sản phẩm cực kỳ nhanh chóng và thậm chí danh sách người mua phải chờ kéo dài đến 2-3 năm.
Số liệu của Hiệp hội nhập khẩu và phân phối ô tô Hàn Quốc (Kaida) năm 2023 cho thấy nước này tiêu thụ kỷ lục 3.138 chiếc xe sang nhập khẩu có giá trị trên 300 triệu Won, tương đương 220.100 USD trở lên. Phần lớn chúng là các thương hiệu Bentleys, Lamborghinis, Rolls-Royces hay Maybachs.
Con số này cao gấp 10 lần so với năm 2018 bất chấp nền kinh tế Hàn Quốc lẫn toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Nếu tính cả những chiếc xe có giá hơn 100 triệu Won thì con số này lên đến 78.208 chiếc ô tô nhập khẩu đã được bán tại Hàn Quốc năm ngoái, tăng 8,8% so với cùng kỳ trước đó.
Điều này đồng nghĩa cứ 3 chiếc xe nhập khẩu được bán tại Hàn Quốc thì có 1 chiếc là xe sang.
Năm 2023 cũng là năm đầu tiên mà Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường số 1 Châu Á Thái Bình Dương của Rolls-Royce Motor Cars khi hãng bán được kỷ lục 276 sản phẩm tại đây, mức cao chưa từng có.
Xin được nhắc rằng vào năm 2018, doanh số bán xe của Rolls-Royce tại Hàn Quốc còn chưa bằng một nửa so với Nhật Bản. Thế nhưng tổng giá trị thị trường ô tô Hàn Quốc đã tăng gấp 3 lần trong thời gian qua đã làm thay đổi mọi thứ.
"Tăng trưởng doanh số Rolls-Royce tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục trong ít nhất 10 năm nữa. Tiềm năng của thị trường này là vô hạn", giám đốc Irene Nikkein của Rolls-Royce chi nhánh Châu Á Thái Bình Dương tự tin nói.
Tương tự, Bentley cũng bán được 810 chiếc ở Hàn Quốc năm ngoái, tăng 4,3% so với năm trước đó và đang là thị trường số 1 Châu Á của hãng. Công ty đã mở showroom Bentley Cube đầu tiên trên thế giới của mình tại Hàn Quốc năm 2023 với các chương trình VIP như cho thuê xe dự tiệc hay tinh chỉnh thiết kế theo ý khách hàng.
Ngay cả với Lamborghini, hãng đã tiêu thụ được 431 chiếc tại Hàn Quốc, tăng 8% so với năm trước đó và nhiều hơn cả mức tiêu thụ 409 chiếc ở quê nhà Italy. Hàn Quốc hiện đang là thị trường số 1 thế giới của thương hiệu này, vượt qua Canada, Australia và Pháp.
Mercedes-Maybach cũng bán được 2.596 chiếc ở Hàn Quốc, tăng 32% so với năm trước đó và là mức cao chưa từng thấy, trở thành thị trường lớn thứ 2 toàn cầu của hãng sau Trung Quốc. Ngoài ra thị trường này cũng là nơi bán ra Mercedes E Class nhiều nhất thế giới.
"Những chiếc siêu xe trị giá hàng triệu Won đang được bán chạy bất chấp nền kinh tế giảm tốc, tất cả cũng chỉ vì người dân Hàn Quốc coi ô tô như một biểu tượng cho sự giàu có và vị thế xã hội", giáo sư Kim Pil Soo của trường đại học Daelim ngán ngẩm.
Theo Băng Băng (An Ninh Tiền Tệ)