Các chuyên gia về kỹ thuật ô tô cho rằng, phanh là bộ phận quan trọng bậc nhất trong việc đảm bảo an toàn trên một chiếc xe. Nhiều trường hợp chiếc xe mất an toàn, thậm chí tai nạn xảy ra liên quan đến những trục trặc về phanh như: Mất phanh, phanh không ăn, bó phanh,…
Hệ thống phanh xe rất nên được bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo hệ thống này hoạt động tốt, tăng tuổi thọ. Đồng thời, việc sớm phát hiện những hư hỏng như: Mòn má phanh, mòn đĩa phanh, chảy dầu phanh,… sẽ giúp chủ xe sửa chữa và thay thế kịp thời, tránh được những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình lái xe.
Khi nào nên bảo dưỡng phanh?
Rất khó để có một “công thức” chung xác định chính xác khi nào cần kiểm tra, bảo dưỡng phanh vì nó phụ thuộc vào điều kiện đường sá mà xe thường di chuyển, thói quen của lái xe cũng như loại phụ tùng mà chủ xe sử dụng trước đó.
Các chuyên gia về ô tô khuyên chúng ta hãy kiểm tra và thay má phanh sau khoảng 30.000 km di chuyển, hoặc sau 2 năm hoạt động của xe. Thời gian này này có thể ngắn hơn nếu ô tô thường xuyên đi tại khu vực đông dân cư hay phải sử dụng phanh.
Ngoài việc kiểm tra định kỳ thì bất cứ lúc nào trong quá trình lái xe xuất hiện một số hiện tượng sau, bạn cũng nên đưa xe đi kiểm tra phanh.
- Nếu đạp lên chân phanh không thấy chắc, hoặc bàn đạp gần như chạm sàn mới “ăn” thì đó là những dấu hiệu phải kiểm tra. Nguyên nhân có thể là thiếu dầu phanh hoặc má phanh quá mòn, cần thay thế.
- Nếu đạp phanh thấy rung xe hoặc rung tay lái là dấu hiệu cần phải thay đĩa phanh hoặc đĩa phanh đã quá mòn cần phải tráng lại mặt.
- Khi phanh xe xuất hiện tiếng rít ken két, hoặc âm thanh kim loại chà vào nhau cho biết lớp bố phanh xe đã mòn. Nếu không để ý sửa chữa kịp thời sẽ dẫn tới nhiều nguy hại trầm trọng khác.
- Khi không nhấn phanh nhưng tại bộ phận phanh vẫn phát ra tiếng kêu; xe bị ghì phanh và nặng hơn là bị bó phanh.
Khi xuất hiện các hiện tượng trên có nghĩa là chiếc xe của bạn đang gặp vấn đề về phanh, hãy đưa xe đến các gara hoặc trung tâm bảo dưỡng càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn.
Sửa chữa, bảo dưỡng phanh như thế nào?
Trong trường hợp nhận thấy phanh xe có sự bất thường, hãy nhanh chóng đưa xe đến các trung tâm bảo dưỡng hoặc gara để các chuyên gia “khám” và sửa chữa triệt để.
Sau một thời gian sử dụng, dưới sự tác động của việc phanh cùng môi trường bên ngoài như đất, đá, nhiệt độ,... có thể gây cong vênh đĩa phanh, làm đĩa phanh bị gồ ghề hay độ dày không đồng nhất. Trong những trường hợp đó, láng đĩa phanh được coi là biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề về phanh.
Láng đĩa phanh ô tô là công việc phục hồi bề mặt đĩa phanh, tối ưu hiệu quả hệ thống phanh nhờ tái tạo lại bề mặt tiếp xúc để giúp giải quyết các hiện tượng tạo ra tiếng ồn hay rung lắc khi đạp phanh xe.
Bên cạnh đó, việc láng mặt đĩa phanh còn hỗ trợ kéo dài thời gian sử dụng của toàn bộ hệ thống phanh, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng cho người lái. Giúp tiết kiệm tiền mà không cần thiết phải thay đĩa phanh mới. Hiện, các gara thường láng đĩa bằng máy, có độ chính xác cao với chi phí khoảng 400-600 nghìn đồng/cặp phanh đĩa.
Các chuyên gia cũng lưu ý, đối với các xe có hệ thống phanh ABS cần hết sức thận trọng, khi láng đĩa phanh phải xem xét đến độ dày tối thiểu cho phép. Một số xe không thể khắc phục bằng cách láng đĩa phanh mà phải thay thế đĩa phanh khi bị xước, mòn.
Ngoài việc láng đĩa, tùy vào mức độ mà bạn còn phải thay thế má phanh, piston,… định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất để hệ thống phanh hoạt động an toàn nhất.
Tự kiểm tra dầu phanh, bề mặt đĩa thường xuyên
Thực tế, ngay cả khi hệ thống phanh chưa hỏng hóc gì, các chuyên gia vẫn khuyên lái xe nên thường xuyên quan sát các bộ phận của xe xem có gì bất thường không, đặc biệt là dầu phanh và đĩa phanh.
Chỉ cần “tinh ý” và chịu khó quan sát, bạn cũng có thể “bắt bệnh” về phanh cho chiếc xe của mình một cách tương đối chính xác.
Dễ nhất, chúng ta có thể mở nắp capo để xem lượng dầu phanh trong bình chứa. Giống như nước làm mát, lượng dầu phanh phải đảm bảo luôn ở mức an toàn. Nếu thiếu, hãy châm thêm loại dầu thích hợp để hệ thống phanh hoạt động tốt nhất. Việc kiểm soát này nên thực hiện ít nhất mỗi tháng một lần.
Nếu nhận thấy mực dầu sút giảm thường xuyên, đó là dấu hiệu cho biết hệ thống bị rò đâu đó, có thể trong các đường ống dẫn dầu của hệ thống thắng. Lúc này cần đưa xe đến gara ngay.
Các chuyên gia về bảo trì khuyên nên thường xuyên mở nắp bình chứa dầu phanh để kiểm tra màu dầu ra sao. Dầu mới thì trong hoặc trong mờ còn dầu cũ và sắp sửa quá “đát” có màu sậm bẩn kém tác dụng. Nếu dầu phanh đã đổi sang màu sậm hoặc quá bẩn, đó là lúc phải thay luôn dầu phanh.
Bằng mắt thường, chúng ta cũng có thể quan sát mặt đĩa phanh để nắm được tình trạng của bộ phận này. Ðể ý đĩa phanh có bị trầy xước gì không, đã hao mòn đến đâu. Những vết trầy xước trên mặt đĩa phanh, nếu có, là dấu hiệu có nhiều cặn bẩn (như sỏi đá, hoặc cát) bám giữa lớp bố và bề mặt đĩa phanh gây ra các tổn hại đó.
Nếu có thời gian và có một chút hiểu biết về xe, chúng ta nên tháo hẳn bánh ra để kiểm tra tình trạng của bộ phận đĩa phanh. Nếu mặt đĩa phanh bị trầy xước nặng, cần phải đưa đến gara hoặc nhờ các chuyên gia kiểm tra kỹ, nếu cần thì phải tráng lại mặt đĩa hoặc thậm chí thay luôn.
Các chuyên gia khuyên rằng, để đảm bảo an toàn thì trước mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày hay những chuyến đi xa, nếu có điều kiện thì nên bảo dưỡng tổng thể hệ thống phanh xe để những chuyến đi được trọn vẹn.
Theo Hoàng Hiệp (VietNamNet)