Trước những thông tin về Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Hà Nội, TP HCM thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định việc thu hồi này không làm ngay mà cần có lộ trình phù hợp tránh làm người dân hoang mang.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000 và hơn 730.000 ô tô, chưa kể nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn.
Trong khi đó, TP HCM có gần 9 triệu phương tiện cá nhân, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2019. Đây được coi là 1 trong những thủ phạm gây ô nhiễm không khí đang ngày gia tăng, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, theo thiết kế, động cơ xe máy khi sử dụng di chuyển quãng đường theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất thì sẽ có hiện tượng xuống cấp nên chắc chắn các tiêu chuẩn thiết kế về độ bền, khí thải tạo ra cũng sẽ không đạt đủ tiêu chuẩn.
Ngoài ra, hiện nay, có 1 số lượng không nhỏ các xe cũ nát được cải tiến, lắp đặt thêm các bộ phận để tiếp tục tham gia giao thông.
TS Trương Mạnh Tiến cho rằng, nếu tiếp tục sử dụng sẽ góp phần không nhỏ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM: "Bản thân xe cũ mà mang rất nhiều độ lắp giá khác nhau đã không an toàn rồi.
Hai nữa, xả ô nhiễm lại càng gây ô nhiễm thì hoàn toàn không ủng hộ các xe này được. Chính vì thế cho nên là cần thiết làm ngay, làm rốt ráo. Việc này đặc biệt là các thành phố lớn như bộ mặt của Thủ đô chúng ta và TP HCM cũng như các đô thị lớn khác.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc thu hồi các phương tiện cũ, lạc hậu là cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm không khí, tuy nhiên, cơ quan quản lý cần đưa ra hệ thống quy chuẩn để xác định mức phát thải cụ thể, tránh gây hoang mang cho người dân.
"Việc loại bỏ xe cũ nát cần phải có phương án thế nào, bởi vì thông thường những xe như thế lại liên quan đến đối tượng là người yếu thế là người không có khả năng tài chính để chuyển đổi. Phải nghiên cứu kỹ chứ còn quan điểm loại bỏ những xe đấy là đương nhiên.
Một đô thị văn minh thì không thể có những xe quá cũ nát, quá tồi tệ mà đi lưu hành được"- PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nói.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ Tài nguyên và môi trường đưa ra đề nghị trên để các địa phương nghiên cứu, xây dựng lộ trình thích hợp khi ban hành quy chuẩn chứ không phải bắt buộc phải thực hiện ngay. Trước mắt là vận động người dân tự giác bỏ các loại xe cũ, lạc hậu.
Đơn cử như Hà Nội đã có chương trình Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thành phố hay chương trình hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe mới. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, đây là những lộ trình cần thiết để dần loại bỏ các phương tiện cũ nát, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Thứ trưởng Nhân nói: "Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa rồi có công văn cho Hà Nội, TP HCM nghiên cứu đề xuất một lộ trình tiến đến thu hồi những xe không còn đủ điều kiện lưu thông mà gây ô nhiễm không khí.
Cần phải có một lộ trình thích hợp, ít nhất phải đến năm 2025 về sau. Chứ không đưa ra để người dân hoang mang. Việt Nam phải có lộ trình để cho họ có bước chuẩn bị".
Riêng đối với Hà Nội và TP HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư, lắp đặt, vận hành các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục; thường xuyên tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí định kỳ và cung cấp thông tin kịp thời về chất lượng không khí trên địa bàn cho nhân dân.
Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân; đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Theo Quang Huy (Vov.vn)