Khóc cười cùng giá xe

18/01/2018 08:20:00

Năm 2017 đầy biến động đã kết thúc nhưng giá ôtô chưa cho thấy dấu hiệu ổn định. Nhiều hãng đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cũng như giá bán để phù hợp với tình hình mới.

Sau khi tham khảo ý kiến một người bạn, hồi đầu năm 2017, anh Nguyễn Hùng (Hà Nội) quyết định vay ngân hàng, tậu chiếc xe Toyota Vios trị giá 550 triệu đồng để chạy taxi. Sau gần một năm, giá niêm yết chiếc xe của anh giảm 7% so với khi mua.

“Nếu chờ thêm vài tháng thì cũng tiết kiệm được mấy chục triệu”, anh Hùng tiếc rẻ.

Mất cả trăm triệu vì mua xe năm 2017

Giá ôtô lao dốc không phanh là câu chuyện phổ biến trong năm 2017. Ngay từ đầu năm, thị trường chứng kiến hàng loạt đợt giảm giá chưa từng có, chủ yếu xuất phát từ việc thuế nhập khẩu nội khối ASEAN về 0% từ 2018, khi Hiệp định thương mại nội khối ASEAN (ATIGA) có hiệu lực.

Những mẫu xe Mazda như Mazda3, CX-5 trong tháng 2 đều chứng kiến mức giảm giá khoảng 3,6% so với tháng trước đó. Đến cuối năm, dòng Mazda3 sedan 2.0 đời 2016 mất giá khoảng 14% so với tháng 1. Tương tự là các mẫu xe Kia.

Khóc cười cùng giá xe

Cú sốc giá bán ở xe hạng sang thậm chí lớn hơn. Volkswagen Touareg giảm đến 390 triệu đồng xét theo giá niêm yết, chưa kể mức giảm thêm 50 triệu và quà tặng tại đại lý bán hàng. Những mẫu xe như Infiniti QX60 (giảm 300 triệu đồng) và Lexus LX570 (giảm 210 triệu đồng) cũng ở tình trạng tương tự.

“Vẫn biết thị trường xe 2017 sẽ biến động nhưng tôi không nghĩ xe Toyota cũng giảm giá”, anh Hùng chia sẻ. “Từ trước đến nay, xe Toyota luôn nổi tiếng về khả năng giữ giá. Hơn nữa mẫu xe tôi chọn lại là xe lắp ráp, có bị ảnh hưởng gì bởi thuế nhập khẩu đâu”, anh ngán ngẩm nói thêm.

Không chỉ riêng anh Hùng, hàng trăm nghìn người Việt cũng quyết định chọn mua ôtô trong năm 2017. Đến cuối năm, bản thân chiếc xe đã mất giá so với chính nó hồi đầu năm cả trăm triệu đồng.

Khóc cười cùng giá xe - 1

Theo thống kê của PV, chỉ có 4 mẫu xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi tăng giá trong năm 2017 (so sánh giữa mức giá của tháng 12 và tháng 1), bao gồm Chevrolet Cruze, Chevrolet Colorado, Mazda BT-50 và Ford Ranger. Trong số này, hai mẫu xe Chevrolet thường xuyên được ưu đãi hàng chục triệu đồng ở các thời điểm khác nhau trong năm.

Giá bán của Mazda BT-50 và Ford Ranger tăng nhẹ bởi 2 mẫu bán tải này có doanh số tốt, đồng thời được cộng hưởng bởi 2 đề xuất tăng thuế đối với xe bán tải của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính trong năm 2017. Điều này tạo ra niềm tin rằng giá xe bán tải sẽ chỉ tăng giá chứ không giảm.

Khóc cười cùng giá xe - 2

Người tiếc nuối, kẻ vui mừng

Tình cảnh của anh Nguyễn Hùng giống với hầu hết người mua xe trong năm 2017, chỉ khác là người mất nhiều, người mất ít. Giảm giá là chuyện buồn với người đã mua xe, nhưng lại làm tăng thêm hy vọng cho những người cố chờ đợi.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giá xe giảm trong năm 2017 có thể do quan hệ cung cầu và thuế phí. Bên cạnh tâm lý chờ đợi khiến nhu cầu mua xe giảm, sự thay đổi thuế phí cuối năm cũng tác động đến giá bán.

Theo khảo sát của Zing.vn, nhiều hãng xe tại Việt Nam khẳng định động thái giảm giá trong năm 2017 là để đẩy doanh số và đạt mục tiêu năm. Họ chấp nhận lời ít, thậm chí bán cắt lãi bằng cách đưa ra những chương trình giảm giá để kích cầu.

Ôtô vẫn luôn được coi là “xa xỉ phẩm” ở Việt Nam, với tỷ lệ sở hữu 16 xe/1.000 dân, trong khi ở Malaysia là 341 xe/1.000 dân, còn ở Thái Lan là 196 xe/1.000 dân. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn chiến lược Solidiance, việc giá xe lên hay xuống luôn là mối bận tâm của rất nhiều người, nhất là những người coi chiếc xe là cần câu cơm như anh Hùng.

"Tôi đã nghĩ đến chuyện bán xe chuyển nghề khác, nhưng giá hãng giảm khiến giá bán lại cũng giảm theo, giờ bán chắc chỉ được hơn 470 triệu đồng, nên đâm lao rồi đành phải theo lao”, anh Hùng ngậm ngùi nói.

"Chưa mua xe đã lo chuyện bán lại" là câu phê phán quen thuộc đối với những người chọn mua xe Toyota, nhưng với người chạy dịch vụ như anh Hùng, họ không thể không suy nghĩ. Theo chia sẻ, thu nhập mỗi tháng của anh Hùng là hơn 12 triệu đồng, một nửa trong số đó được anh dùng để đóng tiền gốc và lãi cho ngân hàng.

Khóc cười cùng giá xe - 3

Trái ngược với sự thất vọng xen lẫn tức giận của anh Hùng là sự hồ hởi, vui mừng của những người chưa vội sắm chiếc xe mơ ước mà vẫn chờ đợi, âm thầm theo dõi giá xe giảm từng ngày.

"Cả năm qua chờ đợi giá xe giảm là quyết định quá đúng đắn”, anh Trần Minh Tiến - nhân viên văn phòng tại TP.HCM - hồ hởi chia sẻ. “Lâu lâu tôi lại gọi điện cho nhân viên các hãng để khảo giá. Mỗi lần như vậy là một mức giá thấp hơn, không hãng này thì hãng kia", anh Tiến cho biết đang “nhắm” đến một chiếc crossover tầm giá trên dưới 1 tỷ đồng, và hạ quyết tâm sẽ mua xe trước Tết Nguyên đán.

Khó lường giá xe 2018
Sau khi kết thúc năm 2017, ngay trong nửa đầu tháng 1/2018, giá xe tiếp tục biến động với mức giảm 80 triệu đồng của Chevrolet Cruze. Ford cũng công bố giảm giá một loạt xe, với mức giảm lớn nhất 57 triệu đồng, trong khi Kia áp dụng mức giảm tới 20 triệu đồng cho một số mẫu. 

Ngược lại, Mazda CX-5 tăng giá 10-30 triệu đồng do tăng phí vận chuyển linh kiện. Honda CR-V 2018 cũng tăng giá so với dự kiến, vì những mẫu xe được họ nhập về đợt đầu tiên đã thông quan trước 1/1/2018 nên không được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% nội khối ASEAN.

Khóc cười cùng giá xe - 4

Nói về giá xe 2018, Chủ tịch HĐQT Thaco - ông Trần Bá Dương - nhận định "giá xe sẽ còn đi lên". Mặc dù vậy, những người tiêu dùng lạc quan như anh Tiến lại nghĩ khác.

Anh phân tích trong năm 2017, từng có nhiều lãnh đạo của các hãng xe đăng đàn phát biểu rằng giá xe khó giảm thêm, nhưng thực tế diễn ra hoàn toàn trái ngược. Do vậy, anh vẫn tin tưởng quyết định chờ đợi của mình là chuẩn xác, và ngày được sở hữu chiếc xe mơ ước với anh sẽ không còn xa.

Theo Lê Phát - Mạnh Hà - Thế Anh (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật