Ngày nay, thế giới ô tô tràn ngập những chiếc xe điện hiện đại, và những chiếc siêu xe nhanh đến mức phi lý. So với 1 thế kỷ trước, ô tô ngày nay rõ ràng tiện lợi hơn rất nhiều.
Ngày trước, ô tô chỉ có thể khởi động bằng quay tay, hoặc đạt tốc độ 16 km/h. Dưới đây là tổng quan ngắn gọn về những chiếc ô tô cổ đầu tiên được chế tạo.
Hancock Enterprise 1832
Hancock Omnibus là sản phẩm của nhà phát minh người Anh Walter Hancock và có thể xem như chiếc xe hơi nước đầu tiên được thương mại hóa thành công.
Nếu như mẫu xe do Cugnot Fardier phát minh dùng cho mục đích quân sự thì Omnibus đảm nhiệm công việc chở khách trên tuyến đường London - Paddington. Trong giai đoạn 1832-1834, 9 chiếc xe Omnibus đã phục vụ gần 4.000 lượt khách.
Các số liệu chính xác về công suất liên quan đến xe của Hancock Enterprise hiện vẫn không được lưu trữ cụ thể, ngoại trừ thực tế là động cơ của nó chạy khoảng 100 vòng/ phút. Dù đó là gì đi nữa, nó cũng có đủ sức mạnh để chở tối đa 14 hành khách.
Grenville Steam Carriage 1875
Đây là cỗ xe chạy bằng hơi nước được cho là phương tiện đường bộ đầu tiên có chỗ cho một hành khách. Năm 1875, Robert Neville Grenville, một chính trị gia đảng bảo thủ của Anh, bắt tay vào thiết kế một chiếc ô tô chạy bằng hơi nước.
Đây là giai đoạn mà hầu hết xe hơi đều được chế tạo thủ công và chi phí vận hành cũng khá đắt đỏ. Với một hình dáng kỳ lạ, chiếc xe của Grenvile có thể chở 7 hành khách và một trong số đó có nhiệm vụ "chăm sóc" động cơ, tiếp nhiên liệu đun sôi nước để phương tiện duy trì tốc độ.
Panhard et Levassor 1895
Chiếc xe cổ nhất hiện nay, ra đời năm 1892 mang tên Panhard et Levassor. Đây là chiếc xe ôtô già nua nhất thế giới vẫn còn hoạt động, và chạy với tốc độ bình quân 18 km/h.
Panhard et Levassor cũng như phần lớn các xe đua khác đều chưa có tay lái là vô lăng mà chỉ là một thanh điều khiển.
Panhard et Levassor 1895 sử dụng động cơ V2 883,5 cc sản sinh 3,5 mã lực và hoạt động ở 700 vòng / phút. Hệ thống truyền động của xe là thiết kế đầu tiên trên thế giới có kiểu đặt dọc mang tên Systeme Panhard mà sau này đã trở thành một tiêu chuẩn trên xe hơi. Thiết kế này giúp hệ thống truyền công suất ra cầu sau thông qua ly hợp và hộp số trượt 3 cấp.
Tới năm 1904, đại đa số các nhà sản xuất ôtô đã sử dụng hộp số sàn của Panhard et Levassor. Chính sự khởi thủy này đã giúp giúp tốc độ và công suất động cơ tăng lên và hiệu quả hơn. Cũng kể từ đó, tất cả các phát minh sau này đều nhằm mục đích sang số dễ dàng hơn và dẫn tới sự ra đời của hộp số tự động.
Balzer 1894
Đây là một mẫu xe do người Mỹ chế tạo. Balzer được sản xuất năm 1894 bởi nhà phát minh Stephen Balzer (New York). Chiếc xe có động cơ chạy bằng xăng với cơ cấu pistong, trục khuỷu.
Stephen Balzer đã lái chiếc xe bốn bánh này đi vào sử sách với tư cách là chiếc ô tô chạy bằng xăng đầu tiên do Mỹ sản xuất ở thành phố New York.
Duryea Car 1893
Hai anh em Charles Duryea và Frank Duryea được biết đến với vai trò những người tiên phong trong lĩnh vực xe sử dụng động cơ xăng tại Mỹ.
Họ đã lái chiếc xe đầu tiên qua những con phố ở Springfield, Massachusetts vào tháng 9/1893. Phương tiện do họ sáng chế được trang bị động cơ xy-lanh đơn, 4 thì, làm mát bằng nước.
Có 13 chiếc được sản xuất và ngày nay chỉ còn một chiếc Duryea 1893 đang được trưng bày tại Viện nghiên cứu Smithsonian, Washington. Mẫu xe tiền thân này đã được tặng cho Smithsonian vào năm 1920 và được phục hồi vào năm 1958.
Theo Y Nhụy (VietNamNet)