Hyundai sẽ triệu hồi 82.000 xe điện trên toàn cầu để thay thế pin vì nguy cơ cháy. Cuộc triệu hồi được thực hiện sau khi có ít nhất 15 báo cáo liên quan đến các vụ cháy trên các loại xe này.
Hyundai sẽ bắt đầu thay thế hệ thống quản lý pin (BMS) trên 75.680 chiếc Kona chạy điện (Kona EV), 5.716 chiếc IONIQ EV và 305 Elec City từ ngày 29/3 tại thị trường nội địa. Trong khi đó các thị trường nước ngoài sẽ bắt đầu từ tháng 4 tới.
Hệ thống pin cần thay thế được sản xuất bởi LG Energy Solutions (một nhánh của LG Chem) trong khoảng thời gian từ 11/2017 – 3/2020.
Theo CNN, mặc dù số lượng xe nằm trong diện phải thay thế pin không nhiều, nhưng đợt triệu hồi của Hyundai là một trong những đợt triệu hồi tốn kém nhất trong lịch sử. Điều này cho thấy, lỗi trên xe điện có thể tạo ra chi phí đắt đỏ cho các nhà sản xuất ô tô, ít nhất là trong tương lai gần.
Vụ triệu hồi được cho là sẽ tiêu tốn của Hyundai khoảng 1.000 tỷ Won, tương đương 900 triệu USD. Theo tính toán, chi phí trung bình để sửa chữa cho mỗi chiếc xe vào khoảng 11.000 USD (hơn 250 triệu đồng). Đây là một con số rất cao cho một đợt triệu hồi.
Thay thế pin đòi hỏi chi phí và yêu cầu công việc tương tự như việc thay thế toàn bộ động cơ của một chiếc ô tô sử dụng động cơ đốt trong truyền thống.
Trong lịch sử, rất ít vụ triệu hồi thu hồi xe ô tô chạy bằng nhiên liệu xăng yêu cầu thay thế toàn bộ động cơ. Một trong số ít trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như vụ triệu hồi 785 xe thể thao Porsche 911 GT3 vào năm 2014. Porsche không công bố chi phí của đợt triệu hồi nói trên, nhưng chắc chắn sẽ đắt hơn so với đợt triệu hồi này của Hyundai.
Mặc dù số liệu không hoàn toàn chính xác bởi các nhà sản xuất ô tô không tiết lộ chi phí của các đợt triệu hồi. Tuy nhiên, chi phí lên tới hơn 11.000 USD cho mỗi chiếc xe trong một đợt triệu hồi là cực kỳ hiếm.
Do lượng xe xăng lưu thông vẫn lớn hơn xe điện nên tổng chi phí của các đợt triệu hồi xe có thể vượt qua con số 900 triệu USD mà Hyundai dự tính phải chi trả cho đợt triệu hồi nói trên. Chẳng hạn, GM (General Motors) gần đây đã phải chi 1,2 tỷ USD để thay thế túi khí Takata, nhưng con số này bao gồm 7 triệu xe, có nghĩa là chi phí để triệu hồi mỗi xe chưa đến 200 USD.
Mike Held, Giám đốc phụ trách mảng ô tô và công nghiệp của AlixPartners, một công ty tư vấn toàn cầu cho biết, chi phí trung bình cho một đợt triệu hồi ô tô trong 10 năm qua vào khoảng 500 USD/xe.
“Độ an toàn và độ bền của pin sẽ ngày càng trở nên quan trọng nếu các hãng xe muốn tránh những chi phí triệu hồi pin lớn gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng”, vị này nói.
Chi phí triệu hồi của Hyundai cũng là dấu hiệu cho thấy pin xe điện (EV) đắt đỏ như thế nào so trong tổng chi phí của toàn bộ chiếc xe. Cho đến khi giá thành pin giảm xuống, chi phí sản xuất xe điện sẽ vẫn cao hơn so với xe chạy xăng tương đương.
Khi pin xe điện trở nên rẻ hơn (như dự kiến trong vài năm tới) thì giá xe điện cũng sẽ rẻ hơn. Bởi chúng có ít bộ phận hơn và cũng yêu cầu ít hơn 30% giờ lao động để lắp ráp so với các phương tiện truyền thống.
Xe điện ít bộ phận hơn cũng có nghĩa rủi ro phải triệu hồi xe sẽ ít hơn so với xe ô tô chạy bằng động cơ đốt trong. Nhưng trong thời gian tới, có thể chi phí phát sinh sẽ cao đáng kể nếu nảy sinh các vấn đề về pin.
Cháy, nổ pin xe điện
Hyundai cho biết, cuộc điều tra về vụ cháy cho thấy, các tế bào pin bị lỗi do LG sản xuất trên ô tô có thể bị đoản mạch. Cuộc triệu hồi với 27.000 xe tại Hàn Quốc và 55.000 xe khác trên thế giới.
Các vụ cháy liên quan đến pin xe điện không chỉ liên quan đến các xe Hyundai. Trước đó, GM cũng phải triệu hồi mẫu Chevrolet Bolt chạy điện sự cố cháy nổ liên quan đến pin LG. GM sẽ không thay thế pin ở các xe bị triệu hồi, nhiều khả năng lỗi này sẽ được xử lý bằng một bản cập nhập phần mềm.
Tesla cũng từng gặp sự cố cháy pin từ rất sớm, nhưng nguyên nhân là do các mảnh vỡ văng lên và làm hỏng pin. Hầu hết các loại pin EV được lắp đặt ở phía dưới của xe. Tesla đã giải quyết vấn đề này bằng cách bổ sung thêm nhiều tấm chắn gầm để bảo vệ pin.
Hyundai cho biết, vẫn đang đàm phán với nhà cung cấp pin LG Energy Solutions (một nhánh của LG CHEM) để xác định công ty nào sẽ chịu trách nhiệm về chi phí này.
Cơ quan quản lý Hàn Quốc cho rằng, LG có thể phải nhận lỗi về các vấn đề cháy nổ, khi cho rằng nguyên nhân của cuộc triệu hồi do pin bị lệch. Tuy nhiên, LG phủ nhận đây là nguyên nhân gây hỏa hoạn và cho biết sẽ hợp tác với cuộc điều tra đang diễn ra.
Theo Hoàng Nam (IctNews.vn)