Nếu các đại gia sở hữu Bugatti Chiron gặp bất cứ sự cố nào, hãng này sẽ cử một “bác sĩ bay” (flying doctor) đến để gặp mặt và giải quyết ngay lập tức. Tuy nhiên, các “bác sĩ” này không cần đợi đến khi xuất hiện bên cạnh chiếc xe để biết nó gặp vấn đề gì.
Hãng siêu xe nước Pháp trang bị cho từng siêu xe một hệ thống giám sát từ xa, có thể đo được hàng nghìn thông số khác nhau và truyền dữ liệu trở lại nhà máy theo thời gian thực. Đây là loại hệ thống thường được dùng cho những chiếc xe Công thức 1.
Bugatti nói họ là nhà sản xuất duy nhất đưa công nghệ này vào xe thương mại. Gần nhất với công nghệ này, Koenigsegg cho phép người sáng lập của hãng biết được vị trí bất cứ chiếc xe nào, trong mọi thời điểm thông qua một ứng dụng riêng.
“Hệ thống giám sát của Bugatti thể hiện tầm nhìn của chúng tôi về những chiếc xe kết nối – duy nhất và cá nhân hóa cho khách hàng, tiết kiệm thời gian và tiền bạc”, kỹ sư Nortbert Uffmann, người chịu trách nhiệm về hệ thống này nói.
Hệ thống này được thiết lập bên trong một thiết bị bằng nhôm, có kích thước bằng một hộp giày. Bên trong, nó có các bộ truyền điện và tín hiệu, có thể kết nối trở lại nhà máy thông qua kết nối mạng di động.
Đây là cách giúp các “bác sĩ bay” phát hiện ra, chẳng hạn, một chiếc Chiron ở vùng vịnh Persian có vấn đề về lốp trước khi lên máy bay để di chuyển một quãng đường 6.000 km đến vị trí của chiếc xe.
Nó cũng đóng vai trò là một thiết bị định vị, phát hiện vị trí của xe trong trường hợp nó bị đánh cắp để cảnh báo cho chủ nhân (và nhà sản xuất) nếu có gì đó bất thường xảy ra, chẳng hạn bị đưa lên một chiếc xe tải.
Bugatti lần đầu cài đặt hệ thống giám sát trên chiếc Veyron vào năm 2004. Tuy nhiên, bản nâng cấp trên Chiron cho phép truyền dữ liệu theo thời gian thực. “Bugatti là nhà sản xuất đầu tiên áp dụng công nghệ này lên một chiếc xe thương mại. Hiện tại, chúng tôi vẫn độc quyền trong lĩnh vực này”.
Nhà sản xuất này thuê 3 “kỹ sư bay”, mỗi người chịu trách nhiệm một khu vực. Một người trong số đó chịu trách nhiệm tại châu Âu (và Nga), một cho Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương, và một cho Bắc Mỹ. Nếu một chiếc Chiron nào đó gặp vấn đề trong khu vực của họ, kỹ thuật viên này sẽ nhận thông báo trên điện thoại và kết nối trực tiếp với chủ xe.
Chiron là siêu xe kế nhiệm chiếc Veyron của Bugatti. Siêu xe này ra mắt lần đầu vào năm 2016, số lượng giới hạn là 500 chiếc. Trong đó, 200 chiếc đầu tiên đã được đặt mua khi xe chưa chính thức ra mắt. Giá bán của siêu xe này vào khoảng 2,8 triệu USD.
Chiron sở hữu động cơ W16, hiệu suất động cơ 1.479 mã lực. Xe có khả năng tăng tốc 0-97 km/h trong 2,4 giây, 0-200 km/h trong 6,5 giây và 0-300 km/h trong 13,6 giây. Trong một bài thử đã được ghi nhận vào kỷ lục thế giới, chiếc xe này đạt tốc độ 400 km/h trong 32,6 giây, sau đó cần đúng 9,4 giây để phanh đứng trở lại.
Chiron được giới hạn điện tử ở tốc độ 420 km/h vì lý do an toàn, chủ yếu là do các loại lốp thương mại không thể đáp ứng tốc độ tối đa của nó. Về lý thuyết, Chiron có thể đạt tốc độ 463 km/h.
Theo Đức Nam (Tri Thức Trực Tuyến)