Nằm trong chiến lược chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu mà Honda thai nghén vài năm trước, CR-V 7 chỗ nhập Thái được kỳ vọng là chìa khóa giúp hãng tăng mạnh doanh số. Nhưng khi 2018 đến, mẫu crossover lại thành nạn nhân tiêu biểu cho cuộc rượt đuổi chính sách với Nghị định 116.
Hãng xả kho, giá giảm. Xả gần hết hàng, giá lại tăng. Lô xe mới đầu tiên phải thông quan trong 2017, giá tăng. Lô xe về 2018, giá giảm. CR-V hết giảm rồi tăng giá. Nửa năm trở lại đây, thứ khách hàng Việt nhắc tới nhiều không phải là cảm giác lái hay thiết kế của CR-V, mà là việc đại lý đã làm giá thế nào, mua xe có bị thiệt hay không. Nhưng CR-V 2018 có những điểm mới đáng kể, ngoài mức giá phập phồng.
Thiết kế mới là thứ được đánh giá cao khi cái lưng gù tranh cãi không còn. Đuôi xe hiện đại với đèn pha cá tính, đuôi dốc thể thao. Nắp ca-pô dập gân nổi, đèn pha, lưới tản nhiệt và cản trước, đèn sương mù đều gọn gàng, sắc sảo hơn. Bản cũ tròn trịa hơi cục mịch thì thế hệ mới góc cạnh, dứt khoát và hài hòa. Ngoại hình này trái ngược hẳn so với đối thủ CX-5, vốn ngày càng mượt mà.
Kích thước xe mới thấp hơn đôi chút, rộng hơn 30 mm, chiều dài cơ sở thêm 40 mm, bởi vậy nhìn xe thể thao hơn, đứng bên cạnh cho cảm giác thấp hơn. Hàng ghế thứ hai có thêm khoảng để chân 50 mm trong khi hàng thứ ba với hai ghế dạng 5+2 phù hợp nhất cho trẻ em, không phải là lựa chọn cho người lớn nếu phải di chuyển lâu.
Những nâng cấp ở nội thất cũng theo phong cách nam tính nhưng tinh tế hơn. Bảng điều khiển trung tâm mở rộng, khe điều hoà đưa lên cao, màn hình nhỏ trên cùng thay bằng khe gió điều hoà. Bảng táp-lô cũng thêm vạch ngang, bổ sung gỗ tạo cảm giác sang trọng. Độ hoàn thiện ở chi tiết và chất liệu hơn hẳn bản cũ.
Phiên bản cao cấp nhất L có hệ thống đèn full LED, màn hình thông tin giải trí 7 inch, kết nối Apple Car và Android Auto. Điều hoà tự động có cửa gió cho cả hàng thứ hai và thứ ba gắn trên trần xe. Hệ thống âm thanh 8 loa. Những điểm mới là cửa sổ trời toàn cảnh, cảm biến gạt mưa tự động và cốp đóng/mở điện.
Honda phát triển CR-V cho thị trường Mỹ tới châu Âu, châu Á nên những nâng cấp cũng triệt để hơn. Khách Việt hưởng lợi khi có động cơ, hộp số mới toanh. Loại 2.0 và 2.4 trước đó loại bỏ, sử dụng cỗ máy mới 1.5 lít tăng áp đã lắp cho Civic. Xu hướng thu nhỏ dung tích xi-lanh là bắt buộc nếu muốn vượt qua các chuẩn khí thái, tiêu thụ nhiên liệu của các thị trường phát triển nhất thế giới.
Để xe nhỏ nhưng không yếu, buộc phải có những biện pháp hỗ trợ mà turbo là cách đơn giản và hiệu quả. Động cơ của CR-V kết hợp hộp số biến thiên vô cấp CVT cho công suất 188 mã lực tại vòng tua máy 5.600 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 240 Nm. Trên Civic, động cơ này chỉ có 177 mã lực. Tất cả đều dẫn động cầu trước.
Chuyển từ động cơ 2.4 sang 1.5 turbo, hộp số có cấp sang hộp số vô cấp, CR-V cho phong cách vận hành khác trước, nhưng chất thể thao thì hiện hữu. Không thể đòi hỏi khả năng đề-pa ở vị trí xuất phát tốt như động cơ lớn, nhưng CR-V lại ăn nước hậu. Khi vòng tua đủ cao để mở turbo, ở dải tốc độ 40 km/h trở lên chiếc crossover tăng tốc khác hẳn.
Xe bắt tốc căng, vững thân trên đường cao tốc, đặc biệt khi chuyển cần số sang Sport. Hộp số vô cấp khiến tài xế mỗi lần dí ga, áp lưng vào ghế là nằm im, không có cơ hội giật "khực" lên khi chuyển số. Ai đã quen cảm giác hẫng sang số, sẽ thấy chút lạ lùng với CR-V mới.
Nhưng cảm giác đó sẽ nhanh bị xóa nhòa bởi "combo" hộp số vô cấp và động cơ tăng áp tối ưu hóa khả năng tăng tốc trên đường thẳng cho xe phổ thông thiên hướng thể thao. Cùng một quãng đường, nếu CR-V cũ lên tới 80 km/h thì CR-V mới đã khoảng con số 95. Sử dụng thêm lẫy chuyển số trên vô-lăng, đẩy vòng tua lên 4.000-5.000 vòng/phút, tài xế sẽ tìm thấy sự khác biệt giữa CR-V so với CX-5. Mẫu xe của Mazda dưới một bậc so với CR-V về vận hành thể thao.
Tuy vậy, đẩy vòng tua lên cao đồng nghĩa với việc CR-V để lọt tiếng ồn, gào của động cơ vào cabin. Ở thế hệ mới Honda đã cố gắng giảm thiểu nhưng vẫn chưa thật triệt để. Bù lại ồn gió và gầm đã tiết chế hơn. Đi trong phố, CR-V nhàn tênh với vô-lăng nhẹ và chính xác, chân ga và phanh đàn hồi, nhạy.
Bản cao cấp nhất L tích hợp loạt công nghệ an toàn và hỗ trợ lái giống Civic. Đó là phanh ABS, EBD, BA; cân bằng điện tử VSA, camera lùi 3 góc quay. Công nghệ hỗ trợ đánh lái AHA sẽ phát huy khi tài xế vào cua nhanh và thiếu lái. Bên cạnh đó còn có kiểm soát hành trình, phanh tay điện tử với chức năng Brake Hold, hỗ trợ giữ phanh khi dừng đèn đỏ.
CR-V có hệ thống cảnh báo tài xế buồn ngủ như trên xe sang. Căn cứ vào thông tin từ hệ thống trợ lực tay lái, xe sẽ đưa ra các mức cảnh báo khác nhau từ 1-4, trong đó 1 là kém tập trung nhất, 4 là hoàn toàn tỉnh táo. Tuy vậy, hệ thống sẽ không hoạt động nếu tài xế lái liên tục chưa đủ 30 phút trở lên, đường gập ghềnh hay trời có gió mạnh. Hãng xe Nhật không tích hợp các công nghệ cảm biến vốn được ưa chuộng tại Việt Nam như cảnh báo va chạm, cảnh báo điểm mù bởi chính sách của hãng mẹ chưa áp dụng sâu rộng cho một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Trong phân khúc crossover cỡ C, Honda CR-V là xe nhập khẩu duy nhất. Mức giá hiện tại của CR-V cho ba phiên bản E-G-L là 958-988-1.068 triệu, bản L cao hơn 50 triệu so với CX-5 2.5 AWD. Với khách hàng không quan trọng cảm giác lái, 50 triệu sẽ là con số hấp dẫn để nghiêng về CX-5. Ngược lại, người yêu thích khả năng vận hành của CR-V sẽ bớt đắn đo nhiều với khoảng cách giá.
Theo Đức Huy (VnExpress.net)