Hãng ôtô đua nhau o bế khách hàng

27/10/2019 10:10:20

Thị trường ôtô ngày càng cạnh tranh khốc liệt, buộc các hãng xe phải quan tâm hơn đến cảm nhận của khách hàng, tập trung cải tiến các dòng xe theo nhu cầu của khách

Thời gian qua, các hãng ôtô liên tục tung ra thị trường hàng loạt xe mới, kèm theo đó là chính sách khuyến mãi, hậu mãi rất tốt nhưng sức tiêu thụ không cao như kỳ vọng. Nguyên nhân, theo giới chuyên môn, do nhà sản xuất ôtô chưa thật sự quan tâm đến khách hàng cần gì, muốn gì.

Chỉ có thể dựa vào khách hàng!

Mới đây, tại hội thảo "Xây dựng thị trường lấy khách hàng làm trung tâm cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam" (trong khuôn khổ Triển lãm Ôtô Việt Nam 2019 - Vietnam Motor Show 2019) ở TP HCM, ông Ninh Hữu Chấn, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, cho hay trong bối cảnh xã hội ngày càng đa dạng cả cung lẫn cầu, khách hàng chính là yếu tố cốt lõi để đánh giá chính xác thị phần, uy tín, sức mạnh của thương hiệu cũng như tiềm năng phát triển của thị trường. Và chỉ khi doanh nghiệp (DN) có chiến lược rõ ràng trong việc lấy khách hàng làm trung tâm thì ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam mới có hướng phát triển bền vững. DN ôtô cần ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc thấu hiểu nhu cầu khách hàng, từ đó nhanh chóng thích ứng nhằm tạo ra sự khác biệt cả về sản phẩm lẫn dịch vụ để tạo ra lợi thế bán hàng, giữ vững vị thế trên đường đua khốc liệt như hiện nay.

Hãng ôtô đua nhau o bế khách hàng
Các hãng ôtô hướng đến thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu khách hàng nhiều hơn

Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Tổng Giám đốc Global Elite, dẫn chứng Toyota không phải là hãng công nghệ nhưng làm marketing, quản lý rủi ro rất giỏi, tạo ra xe theo nhu cầu khách hàng nên xe Toyota được ưa chuộng. Hay như hãng Mercedes, ngay trong thời điểm khủng hoảng kinh tế nhưng hãng này vẫn tăng trưởng đến 30% tại Việt Nam và nhanh chóng tiến hành sản xuất tại đây. Mercedes làm được vậy nhờ có khác biệt là định hình dòng xe sang, hướng đến giới trẻ thành công khu vực châu Á (trong đó có Việt Nam). "Sắp tới, thị trường ôtô sẽ còn cạnh tranh gay gắt hơn khi mọi rào cản về thuế suất không còn, lúc đó DN chỉ có thể dựa vào khách hàng" - ông Nhất khẳng định.

Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, chia sẻ khi bắt tay phát triển các dòng sản phẩm đầu tiên, VinFast chọn cách chưa có hãng xe nào tại Việt Nam và trên thế giới thực hiện: cho khách hàng bầu chọn các mẫu thiết kế xe được yêu thích nhất. Do đó, ngay từ ban đầu, những dòng xe VinFast đã được làm ra theo đúng mong muốn của khách hàng Việt nhằm phục vụ đúng nhu cầu người Việt. Sắp tới, VinFast sẽ ra mắt thêm 7 sản phẩm trong đó có cả ôtô điện, xe buýt điện.

Còn theo ông Nguyễn Nam Khang, Trưởng Phòng Phát triển sản phẩm Mercedes-Benz Việt Nam, hãng này sẽ cung cấp nhiều giải pháp về công nghệ, ứng dụng cho các dòng xe, trang bị nhiều tính năng đáp ứng nhu cầu khách hàng cũng như tối ưu hóa giá thành.

Cạnh tranh gay gắt hơn

Theo các chuyên gia về ôtô, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây. Các DN sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ôtô trong nước, có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Nhiều hãng lớn trên thế giới đã mở nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam; một số DN nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ôtô toàn cầu.

Tuy đã có bước phát triển như vậy nhưng ông Đỗ Nam Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển công nghiệp (Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương), đánh giá ngành công nghiệp ôtô hiện mới tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ôtô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ôtô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động. Bên cạnh đó, vẫn chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các DN trong sản xuất lắp ráp ôtô và sản xuất phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Cũng theo ông Đỗ Nam Bình, các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như săm, lốp, ghế ngồi, kính, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa. Về mặt thị trường, số lượng DN sản xuất lắp ráp ôtô quá nhiều so với quy mô thị trường trong khi chính sách thuế, phí, quy hoạch hạ tầng giao thông chưa thuận lợi cho việc thúc đẩy tiêu dùng xe cá nhân. Giá thành sản xuất ôtô trong nước cao hơn 10%-20% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia dẫn đến giá bán xe vẫn ở mức cao so với mặt bằng khu vực.

Bộ Công Thương cảnh báo sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia và trong 7-10 năm tới là các sản phẩm ôtô từ các quốc gia thành viên của các hiệp định CPTPP, EVFTA. Dự kiến nhập siêu ngành ôtô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục, hơn 3,4 tỉ USD. Một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Thái Lan đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ôtô lớn trên thế giới, gây khó khăn cho các hãng ôtô đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh sức ép từ các quốc gia đi trước, Việt Nam sẽ phải chịu thêm sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau là Myanmar, Lào, Campuchia. 

Cơ hội từ thị trường ngách

Theo Cục Công nghiệp, nền công nghiệp ôtô thế giới do các tập đoàn đa quốc gia chiếm lĩnh. Trong đó, 15 tập đoàn hàng đầu chiếm 82% thị phần ôtô toàn cầu. Để phát triển, công nghiệp ôtô Việt Nam cần phải tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu song song với việc hình thành ngành công nghiệp ôtô riêng. Trước mắt, cần cố gắng tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ôtô toàn cầu, tập trung hỗ trợ các DN có sản lượng sản xuất lớn tại Việt Nam, thu hút đầu tư và hỗ trợ sản xuất có định hướng vào thị trường ngách, các hãng xe, dòng xe chưa có cơ sở sản xuất lớn tại thị trường ASEAN.

Theo Nguyễn Hải (Nld.com.vn)