Ngày nay, những chiếc ô tô không đơn thuần chỉ là một cỗ máy khí động học thông thường mà dần dần tiến tới cá nhân hóa cao độ, kết nối mật thiết với người điều khiển, không khác gì những chiếc điện thoại thông minh.
Một báo cáo gần đây của tờ The New York Times đã hé lộ tình trạng đáng báo động về tính bảo mật của thông tin dữ liệu lái xe cá nhân bị xâm phạm nghiêm trọng. Kẻ "xâm phạm" này không ai khác lại chính là các nhà sản xuất ô tô.
Điều tra của The New York Times cho hay, các hãng xe đã âm thầm thu thập các dữ liệu ghi nhận trong quá trình lái xe thông qua các ứng dụng riêng của hãng cài đặt sẵn trên xe và chia sẻ chúng cho các công ty bảo hiểm, bất kể chủ xe có đồng ý hay không. Thông thường, đây là các ứng dụng (APP) được quảng cáo rằng, nó sẽ giúp nâng cao sự an toàn cho người lái, với cơ chế chấm điểm cho các thao tác lái xe. Từ đó, lịch sử tài xế điều khiển xe như thế nào, tăng tốc hay đạp phanh... ra sao đều được ghi nhận cụ thể.
Tờ The New York Times khẳng định, Tập đoàn General Motor (GM) là một trong số các hãng xe ô tô tại Mỹ đã có hành vi này khi bán các dữ liệu lái xe cá nhân thu thập từ ứng dụng On Star Smart Driver cho các công ty môi giới dữ liệu, sau đó, dữ liệu tiếp tục được bán cho các công ty bảo hiểm. Nguồn tin giấu tên chia sẻ riêng với The New York Times cho biết, hoạt động này mang lại cho GM khoản doanh thu ít nhất là hàng triệu đô-la mỗi năm.
Một dẫn chứng cụ thể được nêu ra, chủ nhân giấu tên của một chiếc Cadillac (thương hiệu xe thuộc sở hữu của GM) tại Florida, Mỹ cho biết, ông đã bị tới 7 công ty bảo hiểm ô tô từ chối cung cấp dịch vụ một cách khó hiểu. Sau khi tìm hiểu, người này được biết, chiếc xe của ông được ghi nhận nhiều lần phanh gấp, tăng tốc đột ngột và chạy quá tốc độ. Các thông tin lái xe cá nhân của ông đã được lén bán cho các công ty bảo hiểm khiến họ e ngại cung cấp dịch vụ.
Không những vậy, chủ chiếc xe Cadillac còn cho biết, ông ta không hề biết ứng dụng On Star Smart Driver là gì, chưa từng nhìn thấy tính năng này trong phần mềm MyCadillac, chưa từng cài đặt nó cũng như chưa bao giờ yêu cầu đại lý bảo dưỡng làm việc đó.
Trước thông tin nêu trên, GM thừa nhận rằng họ có chia sẻ “những thông tin có chọn lọc” về phanh, tăng tốc, thời gian lái xe và số lần tốc độ vượt trên 128km/h của các chủ xe cho các công ty môi giới dữ liệu nhưng việc này chỉ được thực hiện khi đã có sự đồng ý của khách hàng với việc ký kết thỏa thuận giữa hãng xe và người dùng.
Bên cạnh GM, The New York Times còn liệt kê hàng loạt cái tên như KIA, Mitsubishi, Hyundai, Honda và Acura cũng có các ứng dụng thu thập thông tin lái xe của tài xế và chia sẻ cho các công ty môi giới dữ liệu. Các hãng xe nêu trên đều giải thích rằng họ làm vậy sau khi đã nhận được sự đồng ý của chủ xe. Tuy nhiên, các điều khoản đồng ý thường bị "ẩn" trong các hợp đồng với các điều khoản và điều kiện đồ sộ, khiến không ít người bỏ qua chúng.
Đây là một tình trạng đáng báo động và gây thiệt hại đến quyền lợi của người dùng xe. Tháng 2/2024, Thượng nghị sĩ Quốc hội Mỹ Edward Markey đã kêu gọi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) điều tra ngay lập tức các hoạt động thu thập dữ liệu tài xế này. Ông khẳng định, chủ xe cần phải biết liệu mình có đang bị theo dõi hay không và lợi ích cộng đồng thực sự của các hành động này là gì.
Theo The New York Times
Hùng Dũng (VietNamNet)