1. Chỉ ra đường khi thật sự cần thiết
Đây là nguyên tắc đầu tiên cần ghi nhớ. Tốt nhất, hãy chờ tới khi thời tiết cải thiện trước khi bạn định đi đâu đó.
2. Bảo trì, bảo dưỡng
Nhiều người dùng ô tô thường quên đi giá trị của lốp xe, hệ thống gạt mưa, rửa kính, rửa đèn… cho tới khi mưa bão đổ xuống. Trước khi bão về, hãy kiểm tra hệ thống gạt mưa hoạt động hiệu quả, đảm bảo nước rửa kính còn đủ, lưỡi gạt còn tốt. Nếu lốp đã mòn, cần thay thế ngay. Luôn giữ áp suất lốp ở mức tiêu chuẩn.
Vệ sinh sạch kính lái và gương cũng hạn chế đáng kể lượng nước bám đọng mà không cần các công nghệ hóa chất phức tạp.
3. Hạn chế đi nhanh trong mưa bão
Rãnh lốp xe có thể không thoát nước đủ nhanh, dẫn đến bị cô lập khỏi mặt đường. Khi điều này xảy ra, lốp sẽ bị lướt trên mặt nước, giảm độ bám và bánh xe sẽ bị trượt. Hiện tượng này có tên gọi là hydro planning, dễ xảy ra khi phanh gấp hoặc tăng tốc bất chợt trên các vũng nước ngập. Trong tình huống xấu nhất, xe sẽ bị mất kiểm soát hoàn toàn, quay tròn…
4. Tích cực sử dụng đèn khi trời mưa to để tăng tầm nhận diện
Nếu mưa đổ xuống quá lớn khi đang di chuyển, hãy chủ động bật đèn pha hoặc đèn cảnh báo (hazard) để các xe xung quanh có thể nhìn thấy bạn rõ hơn. Điều này rất quan trọng khi di chuyển trên các tuyến đường có tốc độ cao, quốc lộ. Trong trường hợp mưa quá to khiến việc quan sát xe phía trước trở nên khó khăn, đừng ngần ngại táp vào lề và chờ đợi nếu quy định trên đoạn đường đang di chuyển cho phép.
5. Duy trì khoảng cách
Hãy gia tăng khoảng cách giữa xe bạn và xe phía trước để có thể phản ứng kịp thời trong trường hợp khẩn cấp. Hãy nhớ, đường trơn ướt sẽ làm hành trình phanh bị kéo dài, đồng nghĩa gia tăng rủi ro va chạm khi có tình huống phanh gấp. Cần tuyệt đối tránh sử dụng hệ thống kiểm soát hành trình (cruise control), thay vào đó hãy chủ động điều khiển xe khi mưa xuống.
6. Không nên đi vào vùng nước sâu hoặc vùng nước đang có nhiều xe di chuyển tạo sóng
Nếu lộ trình bắt buộc đi qua những cung đường bị ngập, hãy cân nhắc để tránh bị thuỷ kích. Đây là hiện tượng của xe sử dụng động cơ đốt trong, khi tay biên gãy do nước lọt vào bên trong xy lanh động cơ thông qua đường hút gió.
Rủi ro này rất dễ xảy ra do sóng phát sinh khi có xe di chuyển ngược chiều xe lớn đi cùng chiều. Xe điện tuy không gặp tình trạng này, nhưng những rủi ro với hệ thống điện khi nước ngập cũng rất cao. Vì thế, nhìn chung nên chủ động né tránh các phương tiện chạy nhanh xung quanh, đặc biệt là xe buýt, xe tải.
7. Tuyệt đối không khởi động lại máy khi xe bị chết máy
Trong trường hợp xe bị chết máy khi di chuyển qua vùng ngập, hãy để xe nguyên trạng và chỉ di chuyển xe bằng phương tiện cứu hộ. Nhiều tài xế thường đề lại máy theo thói quen, hoặc cố gắng di chuyển khi bị các xe xung quanh giục giã dẫn tới tình huống thuỷ kích nặng, phải rã động cơ để sửa chữa, đầy tốn kém và rủi ro.
8. Giữ cho xe thông thoáng
Mưa xuống khiến độ ẩm tăng lên, có thể khiến kính lái bị đọng hơi nước, nhất là khi điều hoà nhiệt độ để quá lạnh. Hầu hết các hệ thống quạt của xe đều có chức năng sưởi kính, sấy kính… để tránh cản trở tầm nhìn. Hãy tận dụng chúng khi cần. Bên cạnh đó, cũng tránh cửa gió thổi vào kính trước hai bên xe, tránh bị đọng nước gây khó quan sát kính chiếu hậu.
9. Tránh đỗ xe dưới gốc cây và những nơi có nguy cơ ngập
Đây là một bài học khá quen thuộc với người cầm lái đô thị, khi hiện tượng sét và cây đổ trở nên phổ biến trong mùa mưa bão. Vì thế, trừ trường hợp bất khả kháng, hãy đỗ xe tránh xa cây cối và những vùng trũng có nguy cơ ngập, đảm bảo an toàn cho “xế cưng”.
Theo Nguyễn Thúc Hoàng Linh (Hà Nội Mới)