Ngày 28/6, Thủ tướng Chính phủ ký ban Nghị định 70/20/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP. Cùng ngày, Tổng cục Thuế có công điện yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục thuế triển khai áp dụng mức thu lệ phí trước bạ mới.
Bắt đầu từ hôm nay, ngày 29/6 đến hết năm 2020, các mẫu xe sản xuất trong nước khi đi đăng ký sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ.
Đồng loạt điều chỉnh giá
Với dòng xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, hàng chục mẫu xe từ bình dân đến hạng sang sẽ được giảm lệ phí trước bạ.
Ở phân khúc hạng A, xe sản xuất lắp ráp trong nước hiện có các sản phẩm tiêu biểu là Kia Morning, Hyundai i10 và VinFast Fadil.. là ba mẫu xe nhỏ được nhiều khách hàng lựa chọn nhất hiện nay.
Ở phân khúc hạng B, những mẫu xe trong nước vẫn chiếm được niềm tin lớn của khách hàng gồm có Toyota Vios, Hyundai Accent, Honda City, Kia Soluto, Nissan Suny.
Ở phân khúc SUV cỡ nhỏ xe trong nước có Ford EcoSport, Hyundai Kona; phân khúc Crossover là Mazda CX-5, Hyundai Tucson, Nissan X-Trail; phân khúc SUV cỡ trung là Hyundai Santa Fe, Mitsubshi Outlander, Toyota Fortuner...
Còn xe hạng sang Mercedes Benz Việt Nam lắp ráp một số dòng như C-Class, E-Class, S-Class và GLC. Ngoài ra là 2 mẫu của VinFast gồm Lux A2.0 và Lux SA 2.0.
Với việc giảm 50% lệ phí trước bạ, các mẫu “xe nội” sẽ được giảm từ khoảng 15 đến 250 triệu đồng. Số tiền này ảnh hưởng đến sự lựa chọn của khách hàng khi mua xe, qua đó giúp kích cầu xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, khi khách hàng nhận được hỗ trợ từ Chính phủ cũng là lúc các DN và đại lý bán lẻ giảm khoản hỗ trợ của họ. Trên thị trường, một loạt mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước ăn khách đã điều chỉnh, không giảm giá bán sâu như trước nữa.
Chiều ngày 28/6, tại một đại lý Honda ở Hà Nội, chiếc Honda City bản 1.5 TOP có giá bán 570 triệu đồng, tăng 10 triệu so với trước. Tại đại lý Toyota, mẫu Vios 1.5G cũng tăng thêm 10 triệu đồng, lên mức 550 triệu đồng, các chính sách quà tặng bị cắt giảm. Giá đề xuất của Toyota cho phiên bản này là 570 triệu đồng.
Một số mẫu xe khác như Toyota Innova, Hyundai Kona... nhích lên khoảng 10 triệu đồng. Các mẫu xe trong nước được DN áp dụng chương trình giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng trong tháng 6 cũng chấm dứt luôn không tiếp tục thực hiện nữa.
Trên thực tế, ngay sau khi Thủ tướng chấp thuận việc điều chỉnh lệ phí trước bạ ngày 19/5, giá ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đã rục rịch tăng dù thị trường vẫn có động thái chờ tin chính thức. So với hồi đầu tháng 5, nhiều mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước hiện đã tăng thêm khoảng 20 triệu đồng và gói quà tặng cũng bị cắt giảm.
“Chúng tôi vừa qua đã phải giảm giá mạnh để thu hút khách hàng. Với việc Chính phủ hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ thì phải cắt giảm bớt khuyến mại nhằm giảm lỗ”, quản lý tại một đại lý ô tô trên đường Giải Phóng (Hà Nội) thừa nhận.
Giá tiếp tục tăng?
Trong khi đó, nguồn cung ô tô nhập khẩu lại giảm mạnh. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/6, cả nước nhập khẩu 38.123 xe ô tô nguyên chiếc với tổng kim ngạch 846 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này giảm gần 32.000 xe.
Một DN nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cho hay, do dịch Covid-19, nhiều nhà máy ô tô tại khu vực Đông Nam Á vẫn dừng hoạt động. Vì vậy, nhập khẩu xe bị gián đoạn. Theo kế hoạch, phải tới tháng 9 xe mới về Việt Nam.
Nguồn cung xe nhập khẩu giảm cũng khiến khách hàng tìm đến xe sản xuất lắp ráp trong nước tăng, như vậy giá xe dự báo sẽ tiếp tục nhích lên. Được giảm 50% lệ phí trước bạ nhưng giá lại xe tăng nên người mua không được hưởng "lợi kép" như kỳ vọng.
Một ví dụ, xe trong nước có giá bán 400 triệu đồng, được giảm lệ phí trước bạ từ 20-24 triệu đồng tùy từng địa phương, nhưng giá xe tăng thêm 10 triệu đồng, tính ra khoản hỗ trợ của Chính phủ về lệ phí trước bạ không còn như mong đợi.
Hiện tại, giá nhiều mẫu xe tuy có tăng nhưng vẫn thấp hơn giá công bố của nhà sản xuất, cùng với đó các gói quà tặng vẫn còn. Một số ý kiến lo ngại, nếu nhu cầu tăng, nguồn cung thiếu thì giá sẽ tiếp tục bị đẩy lên.
Tuy nhiên, theo các DN, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước tồn kho còn khá cao, tương đương với khoảng 2 tháng bán hàng. Vì vậy, DN cũng mong muốn giải quyết hàng tồn kho, sẽ duy trì giá bán hợp lý. Cùng với đó, dịch Covid-19 làm nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu, nhu cầu về ô tô không cao nên khó có chuyện cung vượt cầu dẫn đến giá bị đẩy lên quá cao.
Theo Trần Thủy (VietNamNet)