Theo công ty nghiên cứu thị trường Gartner, chỉ trong vòng 3 năm tới, chi phí sản xuất ô tô điện sẽ rẻ hơn so với các xe chạy bằng động cơ đốt trong có cùng kích thước. Từ đó, giá bán lẻ xe ô tô điện sẽ được kéo xuống ngang bằng, thậm chí có thể rẻ hơn xe động cơ đốt trong vào năm 2027.
Điều này có được là nhờ kỹ thuật và phương pháp sản xuất ngày càng được cải tiến. Trong đó, Gartner lấy công nghệ Gigacasting của Tesla làm ví dụ điển hình. Về cơ bản, đây là công nghệ tiên tiến cho phép đúc gần như toàn bộ gầm xe điện thành một tấm nguyên khối.
Nhờ đó, nhà sản xuất xe điện sẽ tiết kiệm được thời gian, nhân công, chi phí và không gian nhà máy, thay thế nhiều robot hàn các bộ phận ô tô lại với nhau bằng một máy duy nhất. Công nghệ này cũng cho phép các hãng rút ngắn vòng đời của dòng sản phẩm, từ đó đưa ra các mẫu mã mới nhanh hơn.
Tuy nhiên theo công ty Gartner, dù công nghệ Gigacasting của Tesla có thể giúp hạ thấp chi phí và thời gian sản xuất nhưng lại khiến chi phí sửa chữa bị đội lên cao. Bởi lẽ khi nhiều bộ phận được sản xuất thành một khối, khi xảy ra hỏng hóc ở một chi tiết, khả năng phải sửa cả phần khác hoặc tháo dỡ cả xe để tiếp cận được bộ phận bị hỏng là rất cao.
Theo Automotive News, chi phí sửa xe điện trung bình hiện tại là 4.474 USD. Tuy nhiên, các báo cáo của họ lại chỉ ra rằng chủ xe thực tế phải bỏ ra trung bình tới 5.552 USD để sửa phương tiện. Con số này cao hơn 27% so với mặt bằng chung của thị trường.
Công ty Gartner dự đoán rằng đến năm 2027, chi phí sửa chữa trung bình của một "tai nạn nghiêm trọng" liên quan đến thân và pin xe điện sẽ tăng lên 30%. Thậm chí một số xe bị hỏng nặng có thể sẽ phải bỏ đi bởi chi phí sửa chữa có thể vượt quá giá trị còn lại của xe. Bên cạnh đó, việc chi phí sửa chữa xe điện đắt hơn có thể dẫn đến giá bảo hiểm cũng tăng theo.
Theo Lê Tuấn (Tiền Phong)