Ford vừa công bố triệu hồi 10.814 chiếc Ford Ranger nhập khẩu từ Thái Lan sản xuất trong thời gian từ 23/5/2011 đến 20/5/2015 và 6.318 chiếc Ford Fiesta sản xuất tại Việt Nam từ 2/11/2010 đến 15/11/2013 vì lỗi ở bộ phận khóa cửa.
Theo thông báo của Ford Việt Nam tới khách hàng, lỗi xảy ra khi lò xo khóa ngậm cửa xe có thể bị gãy, khiến cửa xe không chốt được. Trong một số tình huống nhất định, cửa có thể bị bung chốt khóa trong khi xe đang vận hành.
Về lỗi khóa cửa, đại diện Ford Việt Nam cho biết hãng cũng như Ford toàn cầu chưa ghi nhận trường hợp nào bung cửa khi xe đang chạy. Giải thích rõ hơn, đại diện Ford Việt Nam chia sẻ, dù đã xảy ra lỗi gãy lò xo, nhưng khi đóng, cửa xe vẫn được khóa ở nấc 1 thay vì khóa hoàn toàn 2 nấc, qua đó vẫn giữ chắc cửa khi xe di chuyển.
Ngoài ra, khi xảy ra hiện tượng hỏng khóa, đèn cảnh báo hở cửa và chuông cảnh báo hở cửa cũng được kích hoạt, đồng thời người sử dụng xe cũng dễ dàng phát hiện, nên chưa xảy ra trường hợp nghiêm trọng nào.
Về các mẫu xe Ford Ranger nhập khẩu và Ford Fiesta lắp ráp trong nước trong diện triệu hồi vì lỗi khóa cửa, Ford Việt Nam cho biết hai dòng xe này sử dụng chung bộ phận khóa cửa của cùng nhà sản xuất.
Các mẫu xe Focus, EcoSport hay Everest sử dụng bộ phận khóa cửa của nhà cung cấp khác, nên không gặp lỗi kể trên. Từ năm 2015, Ford Ranger và Ford Fiesta đã chuyển sang sử dụng bộ phận khóa cửa của nhà cung cấp khác, và đã khắc phục được lỗi.
Ford Thái Lan trong tháng 11/2018 cũng đã tiến hành triệu hồi các mẫu xe liên quan để khắc phục lỗi liên quan đến khóa cửa. Ford Việt Nam hiện nhập khẩu Ranger, Everest và Ranger Raptor từ Thái Lan.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Ford Việt Nam thực hiện 4 đợt triệu hồi vì lỗi sản phẩm. Tháng 6, Ford ra thông báo triệu hồi 549 chiếc Transit được sản xuất từ 15/10/2015 đến 9/12/2015 vì lỗi mối hàn giá đỡ nhíp sau vào thân xe.
Cụ thể, có thể có khoảng 3 đến 4 điểm hàn trong nhóm điểm hàn của giá đỡ nhíp phía sau vào thân xe không đủ độ ngấu nối hàn theo tiêu chuẩn do việc vệ sinh đầu bấm của súng hàn không tốt, dẫn đến trong quá trình sử dụng có thể xảy ra việc cọ xát giữa 2 lớp kim loại với nhau, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định xe trong quá trình vận hành.
Dòng bán tải bán chạy nhất thị trường Việt Nam là Ford Ranger cũng phải triệu hồi 2.566 chiếc vào tháng 8 vì lỗi cáp chuyển số trên phiên bản 2.2L dùng hộp số sàn MT sản xuất năm 2015.
Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, trên một số xe Ranger bị ảnh hưởng, kẹp giữ cáp chuyển số có thể không được lắp vào khớp hoàn toàn với phần kim loại của cáp phanh tay. Điều này sẽ dẫn tới việc các cáp chuyển số tiếp xúc với trục các đăng liên tục sẽ làm hư hỏng các cáp chuyển số và láp dọc, dẫn đến khó chuyển số hoặc mất dẫn động.
Giữa tháng 10, Ford Việt Nam tiến hành triệu hồi 6.938 xe Ford Transit sản xuất trong nước trong thời gian từ 3/8/2015 đến 30/7/2016. Chiến dịch triệu hồi bắt đầu từ ngày 4/9 và kéo dài đến ngày 31/8/2022.
Theo mô tả, lỗi trên Ford Transit là do hệ thống cảm biến vị trí trục khuỷu (CKP) có thể được lắp không chính xác và lực siết bu-lông giữ cảm biến không phù hợp. Điều này có thể gây ra sáng đèn cảnh báo lỗi động cơ, chết máy hoặc động cơ tắt máy trong khi vận hành, có thể không khởi động lại được động cơ.
Ngoài các lần triệu hồi chính thức, một số sản phẩm của Ford cũng ghi nhận lỗi nhưng không có những đợt triệu hồi.
Tháng 7, Tổ chức an toàn ôtô Mỹ tiếp tục kêu gọi Ford triệu hồi 1,35 triệu xe Explorer đời 2011-2017 do lo ngại vấn đề rò rỉ khí thải CO vào bên trong xe. Nhiều người dùng xe hơi tại Mỹ phàn nàn về việc có mùi khí thải lọt vào bên trong xe.
Tuy nhiên, Ford không đồng ý triệu hồi và cho rằng các dịch vụ miễn phí đã giải quyết được vấn đề mùi tron xe. Sự việc trên cũng khiến nhiều khách hàng tại Việt Nam cảm thấy lo lắng, tuy nhiên hiện vẫn chưa có bất cứ phàn nàn hay các hiện tượng liên quan đến lỗi kể trên tại Việt Nam.
Trước đó, Ford dính khủng hoảng lớn với hộp số PowerShift trên mẫu xe Fiesta, Focus và EcoSport, sản xuất từ năm 2011 đến năm 2015. Hộp số này dính lỗi kỹ thuật khiến xe có hiện tượng giật và trễ trong quá trình sử dụng.
Tại Australia, Ford đã đồng ý sửa chữa và thay hộp số mới cho 10.500 xe dính lỗi, đồng thời Ford Australia bị phạt số tiền 7,6 triệu USD vì có thái độ không thành thật đối với vụ lỗi hộp số này.
Giữa năm 2017 tại Mỹ, gần 7.000 khách hàng cũng kiện Ford vì lỗi hộp số PowerShift trên Ford Fiesta và Focus sản xuất từ năm 2011 đến 2016. Tại Thái Lan, cũng có tổng cộng 421 chủ xe đâm đơn kiện Ford Thái Lan vì lỗi liên quan đến hộp số PowerShift.
Ở Việt Nam, không ít khách hàng cũng gặp vấn đề với hộp số PowerShift, một số đã kiện Ford ra tòa vì lỗi trên. Ford Việt Nam không chính thức triệu hồi với lỗi hộp số PowerShift, mà thực hiện các biện pháp khắc phục như thay thế vật liệu mới nhất cho các xe trang bị hộp số PowerShift, gia hạn bảo hành với các hạng mục gồm ly hợp, gioăng trục sơ cấp và nâng cấp phần mềm điều khiển hộp số.
Trên các diễn đàn, hộp số PowerShift của những mẫu xe Ford từ năm 2011 đến 2015 được coi là “con bệnh” không thể khắc phục hoàn toàn các lỗi, nhiều khách hàng tỏ ra không hài lòng về việc Ford che giấu lỗi kỹ thuật trên hộp số này. Hiện tại, Ford đã trang bị hộp số khác cho các mẫu xe của mình để khắc phục.
Theo Tuấn Khanh - Phong Vân (Tri Thức Trực Tuyến)