Hãng xe Mỹ giới thiệu chiếc SUV cỡ D phiên bản mới chiều 29/8 tại TP HCM. Sau 8 tháng vắng bóng vì ảnh hưởng của Nghị định 116, Everest trở lại thị trường Việt với cuộc lột xác về công nghệ, hướng mà Ford luôn theo đuổi chứ không phải là mức giá để cạnh tranh doanh số với “gã sừng sỏ” Fortuner.
Thiết kế xe vẫn giữ hình dáng tổng thể nhưng tinh chỉnh ở chi tiết. Lưới tản nhiệt lớn kiểu tổ ong, đèn pha HID đều có viền crôm. Cản trước góc cạnh, thêm tấm ốp tăng vẻ bề thế. Đuôi xe không thay đổi. Phiên bản cao nhất dùng la-zăng nhôm đúc 20 inch trong khi các bản thấp hơn dùng loại 18 hoặc 17 inch. Nội thất cũng tăng thêm crôm ở một số vị trí và khâu chỉ trắng để tạo điểm nhấn trên nền đen. Everest đang hướng tới hình ảnh thành thị và trẻ hơn.
Những thay đổi quan trọng nhất nằm bên dưới nắp ca-pô. Động cơ diesel 2.2 trước đó thay bằng loại diesel 2.0 mới, hộp số 10 cấp thay cho loại 6 cấp. Bản Titanium cao nhất dùng loại 2.0 Bi-turbo (tăng áp kép), cho công suất 213 mã lực, mô-men xoắn cực đại 500 Nm tại 1.750 vòng/phút. Các con số này khiến Everest bỏ xa Fortuner trong cuộc chơi sức mạnh. Bản cao nhất máy 2.8 của xe nhà Toyota chỉ có công suất 174 mã lực và mô-men xoắn 450 Nm.
Phiên bản này sử dụng hộp số 10 cấp, hệ dẫn động 4 bánh (4x4). “Combo” động cơ 2.0 tăng áp kép và hộp số 10 cấp giống loại sử dụng cho bán tải Ranger Raptor sắp về nước. Ford tiết lộ mức giá của Everest bản cao cấp nhất sẽ “mềm” hơn so với Raptor. Hiện chưa có mẫu SUV cỡ D nào sử dụng hộp số 10 cấp tại Việt Nam.
Ở các phiên bản thấp hơn, xe trang bị động cơ 2.0 diesel turbo đơn, công suất 180 mã lực và mô-men xoắn cực đại 420 Nm. Tuỳ chọn hộp số tự động 10 cấp hoặc số sàn 6 cấp. Hệ dẫn động đều là một cầu (4x2).
Everest quyết vượt mặt các mẫu SUV khác trong phân khúc ở mảng công nghệ khi bổ sung hàng loạt hệ thống an toàn và tiện nghi. Tất cả các phiên bản đều sử dụng chìa khoá thông minh, hệ thống giải trí Sync 3 và khởi động bằng nút bấm.
Trên bản cao cấp nhất, xe tích hợp cảnh báo va chạm trước và tự động phanh, kích hoạt ở tốc độ trên 3,6 km/h, giúp xe nhận biết chướng ngại vật phía trước và tự động phanh dừng hẳn. Phiên bản này cũng có mở cốp rảnh tay (đá cốp) và hỗ trợ đỗ xe tự động giống đàn anh Explorer. Kiểm soát hành trình nâng lên thành loại thông minh, có khả năng thích ứng, tự động điều chỉnh tốc độ để giữ khoảng cách với xe trước.
Xe còn cỗ cảm biến áp suất lốp bên cạnh các công nghệ đã tồn tại trước đó như chống ồn chủ động, kiểm soát địa hình, cảnh báo chệch làn, camera và cảm biến lùi, đèn pha tự động, cảnh báo điểm mù. Lượng công nghệ này vượt trội hẳn so với Fortuner.
Ford bán Everest ở 5 phiên bản với các mức giá tương ứng là:
Hai phiên bản Ambient chưa có hàng nên hãng chưa công bố giá. Mức giá hiện nay của Fortuner là 1,026-1,354 tỷ. Bản cao nhất của Everest cao hơn 45 triệu so với bản cao của Fortuner. Hiện mẫu xe của Toyota chưa có hàng, các đại lý vào thời điểm khan hàng thường bán đội giá khoảng 100 triệu với hình thức mua phụ kiện.
Với phổ sản phẩm tới 5 phiên bản lựa chọn và có số sàn, hãng xe Mỹ thể hiện tham vọng đạt doanh số ở cả mảng xe kinh doanh. Ông Phạm Văn Dũng, tổng giám đốc Ford Việt Nam hy vọng phổ khách hàng của Everest sẽ rộng từ gia đình tới công ty, cao cấp tới kinh doanh xe chạy dịch vụ, tự lái. Hãng hướng tới việc “đáp ứng hết lượng đặt hàng của khách”, có thể bán khoảng 300 xe mỗi tháng. Everest nhập khẩu từ Thái Lan, các thủ tục đã ổn định theo Nghị định 116.
Các đại lý nhận đặt hàng từ tháng 9, hai phiên bản Ambient hướng tới khách hàng doanh nghiệp, dịch vụ về chậm hơn một vài tháng.
Theo Đức Huy (VnExpress.net)