Mặc dù không có bất kỳ giới hạn cố định về số km đã đi (ODO) cho tất cả các loại ô tô, nhưng nhiều người thường sẽ lấy mốc trong khoảng từ 200.000-300.000km, gấp đôi số km mà nhà sản xuất bảo hành xe.
Tất nhiên, điều này còn tùy thuộc vào từng nhà sản xuất, kiểu dáng và chế độ bảo dưỡng. Bài viết này sẽ đề cập về điều gì sẽ xảy ra khi một chiếc xe đạt đến giới hạn số km và ảnh hưởng như thế nào đến các khía cạnh khác nhau của một chiếc xe.
Đầu tiên, động cơ là một trong những bộ phận quan trọng chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi số ODO của xe ở mức cao. Thời gian vận hành càng nhiều, các bộ phận bên trong của động cơ như pít tông, van, vòng bi... sẽ bị hao mòn do ma sát và nhiệt liên tục.
Khi đó độ tin cậy tổng thể và công suất đầu ra của động cơ ô tô có thể bị suy giảm, kéo theo mức tiêu thụ nhiên liệu tăng lên. Vì vậy, người dùng sẽ phải sửa chữa và bảo trì thường xuyên hơn cho bộ phận này.
Thứ hai, hộp số cũng có thể bị ảnh hưởng bởi quãng đường di chuyển nhiều. Hộp số có nhiệm vụ truyền lực từ động cơ tới các bánh xe. Khi sử dụng trong thời gian dài, dầu hộp số có thể bị thoái hóa, dẫn đến giảm khả năng bôi trơn và tăng ma sát.
Điều này có thể gây ra vấn đề khi chuyển số, trượt bánh răng hoặc thậm chí hỏng hộp số hoàn toàn. Bảo dưỡng xe thường xuyên, chẳng hạn như kiểm tra và thay dầu có thể giúp kéo dài tuổi thọ của hộp số.
Thứ ba, hệ thống treo đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại cảm giác lái êm ái và thoải mái. Theo thời gian, các bộ phận của hệ thống treo như giảm xóc, thanh cân bằng, bulông... có thể bị mòn do rung động và va đập liên tục.
Điều này có thể dẫn đến giảm cảm giác lái và khả năng xử lý, tăng độ mòn của lốp. Thay thế các bộ phận của hệ thống treo bị mòn là rất quan trọng để duy trì sự an toàn và thoải mái của xe.
Thứ tư, một bộ phận khác cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề này là hệ thống điện. Khi ô tô cũ đi và chạy nhiều, các bộ phận điện như máy phát điện, bộ khởi động và hệ thống dây điện có thể xuống cấp.
Điều đó có thể dẫn đến các sự cố như chập điện, kết nối bị lỗi hoặc thậm chí lỗi toàn bộ hệ thống điện trên xe. Việc kiểm tra và bảo trì thường xuyên có thể giúp người dùng xác định và giải quyết các sự cố về điện trước khi chúng trở thành vấn đề lớn.
Thứ năm, thân vỏ và khung gầm của xe đi nhiều chắc chắn cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Việc tiếp xúc với các yếu tố môi trường khắc nghiệt như muối, độ ẩm và tia UV có thể dẫn đến thân vỏ dễ bị gỉ sét và ăn mòn.
Điều này có thể làm giảm đi độ cứng chắc của xe, ảnh hưởng đến sự an toàn. Các biện pháp làm sạch, chăm sóc và chống gỉ sét thường xuyên có thể giúp giảm thiểu những vấn đề này.
Thứ sáu, khi đạt đến giới hạn quãng đường đi được, nội thất của xe có thể sẽ có dấu hiệu hao mòn. Ghế, thảm, nỉ hoặc da bọc có thể bị mòn, rách hoặc ố màu. Bảng điều khiển, nút bấm và các chi tiết trang trí khác cũng có thể xuống cấp theo thời gian. Việc vệ sinh thường xuyên, sửa chữa bọc ghế và thay thế các bộ phận bị mòn có thể giúp duy trì hình thức và chức năng của nội thất.
Cuối cùng, một chiếc xe đạt đến giới hạn số km có thể ảnh hưởng đến giá trị bán lại của nó. Quãng đường đi được nhiều thường liên quan đến độ hao mòn tăng lên và các vấn đề tiềm ẩn. Người mua có thể do dự khi mua xe cũ đã đi được nhiều km vì họ có thể lường trước chi phí bảo dưỡng cao hơn.
Tuy nhiên, nếu chủ xe thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa hay thay thế các bộ phận phù hợp và ghi chép lại mọi thứ, sẽ giúp giảm thiểu những lo ngại này và duy trì giá trị bán lại cao hơn.
Nói tóm lại, động cơ, hộp số, hệ thống treo, hệ thống điện, thân vỏ và nội thất đều có thể bị ảnh hưởng khi một chiếc ô tô đạt đến giới hạn quãng đường đi được. Nhưng việc đạt đến giới hạn số km không nhất thiết có nghĩa là hết tuổi thọ của ô tô.
Bởi thực tế vẫn có những chiếc xe có thể chạy bền bỉ hàng chục năm, thậm chí xe có thể chạy tới 1,6 triệu km mà chưa gặp vấn đề nghiêm trọng nào. Thế nên, việc bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên và sửa chữa kịp thời là cách có thể giúp kéo dài tuổi thọ và đảm bảo độ tin cậy liên tục của xe.
Theo Ngô Minh (VietNamNet)