Nếu đang lái xe cùng gia đình đi nghỉ lễ dài ngày như dịp Quốc khánh 2/9 mà thấy xuất hiện đèn cảnh báo bình điện (ắc quy) nổi trên màn hình bảng tap-lô, bạn không nên bỏ qua bởi nguy cơ cao ảnh hưởng xấu tới chuyến đi của mình.
Dấu hiệu không nên bỏ qua
Với người dùng ô tô cũ, việc bảo dưỡng xe định kỳ có thể bị xem nhẹ bởi nhiều người cho rằng chỉ khi hỏng mới đưa đi sửa. Vì vậy, khi đèn cảnh báo nổi lên trên bảng tap-lô như túi khí, phanh ABS, động cơ, áp suất dầu...mà xe vẫn chạy được, một số tài xế vẫn tiếp tục chạy mà chưa vội đem xe đến gara kiểm tra. Đây là suy nghĩ hết sức nguy hiểm và cần thay đổi.
Mới đây, gara Xuân Hà ở ngõ 193 Phú Diễn vừa tiếp nhận một trường hợp chiếc Mazda Premacy đời 2004 bị nổi đèn báo bình điện khi khởi động. Chủ xe cho biết xe thường xuyên để ngoài trời và thi thoảng mới đi. Khi khởi động xe, màn hình tap-lô nổi đèn cảnh báo bình điện, cùng lúc đồng hồ đo điện áp qua thiết bị cốc sạc cắm cổng 12V nhấp nháy cảnh báo điện áp ở mức thấp 11.5V.
Mặc dù nổi đèn báo lỗi nhưng xe vẫn hoạt động bình thường với đầy đủ chức năng như điều hòa, quạt gió, đèn, âm thanh giải trí. Tuy nhiên, anh Nguyễn Xuân Hà (chủ gara Xuân Hà) nói không nên bỏ qua đèn cảnh báo này vì nó liên quan đến an toàn của chiếc xe.
"Các ô tô ngày nay đều sử dụng bộ điều khiển điện tử ECU cho các hệ thống hoạt động trên xe, khác với những chiếc xe đời xưa vận hành được hoàn toàn là cơ khí. Vì vậy, một khi đã hiển thị cảnh báo màu đỏ, vàng trên màn hình tap-lô thì không nên bỏ qua bất cứ cảnh báo nào, cần đưa xe đi kiểm tra. Như trường hợp chiếc Mazda Premacy này thì đèn cảnh báo bình điện màu đỏ cho thấy điện áp trên xe không ổn định, có nguy cơ hết điện trong quá trình sử dụng. Nếu không khắc phục sẽ dễ gặp tình trạng xe chết máy giữa đường và không nổ máy lại được," anh Hà nói.
Thực tế sau khi kiểm tra xe bằng biện pháp đo điện áp ắc-quy khi tắt máy và lúc nổ máy, anh Hà nhận thấy điện áp trên bình ắc-quy khi nổ máy thấp hơn lúc xe tắt máy và không ổn định (máy phát điện hoạt động tốt sẽ cho con số điện áp tầm 13.4 – 14.2V). Qua đó có thể phán đoán nguyên nhân đến từ máy phát và cần tháo bộ phận này để kiểm tra.
Khắc phục và cách phòng tránh hỏng máy phát điện
Cụm máy phát điện trên chiếc xe Mazda Premacy sau khi tháo và mở tách riêng rotor (nam châm điện) với stator (cuộn dây tạo ra dòng điện xoay chiều) thì thấy bề mặt phía sau rotor bị gỉ sét khá nhiều. Tiếp tục mở nắp và khung phía sau stator để kiểm tra bộ chỉnh lưu thì thấy chi tiết này cũng bị gỉ và gần đứt một miếng kim loại. Đây chính là nguyên nhân khiến máy phát điện hoạt động chập chờn hoặc không hoạt động.
Theo anh Hà, theo thời gian, nhất là những ô tô thường xuyên để ngoài trời phải chịu cảnh mưa nắng, thậm chí bị chuột xâm nhập làm tổ rất dễ bị hư hại máy phát do nước ẩm, nước tiểu của chuột làm ôxi hóa chi tiết kim loại.
Để khắc phục cho trường hợp chiếc Mazda Premacy trên có hai phương án: thay máy phát mới hoặc chỉ cần thay bộ chỉnh lưu mới.
"Trong trường hợp này nhiều gara sẽ chọn thay máy phát mới có giá từ 3 triệu nếu là hàng Đài Loan hoặc chính hãng Mazda giá gấp đôi vì đỡ tốn công tháo lắp. Còn nếu tiết kiệm cho chủ xe sẽ chỉ cần thay bộ chỉnh lưu giá khoảng 1 triệu đồng, nhưng sẽ phải tháo mở máy phát khá mất công," anh Hà cho biết.
Bên cạnh đó, người dùng có thể chọn mua máy phát cũ cùng loại được lựa chọn ở các cửa hàng phụ tùng "bóc xe", với giá rẻ. Tuy nhiên phương án này tiềm ẩn rủi ro máy phát dùng thời gian ngắn lại hỏng do chất lượng "hên xui" tùy thuộc người bán thẩm định.
Anh Hà tư vấn khi gặp tình huống đèn bình điện sáng nên tắt các thiết bị điện không cần thiết như màn hình giải trí, loa, điều hoà xe…, sau đó nhanh chóng đưa xe đến garage để kiểm tra. Máy phát điện trên ô tô có tuổi thọ trung bình từ 5 đến 10 năm, nhưng để đảm bảo máy phát hiện hoạt động hiệu quả và ổn định cũng cần lưu ý bảo dưỡng máy phát điện định kỳ theo quy trình: kiểm tra độ căng, chặt của đai truyền động; vệ sinh máy phát loại bỏ két bẩn hay nước tiểu động vật; kiểm tra tình trạng của cổ góp, chổi than, các vòng bi…
Theo Đình Quý (VietNamNet)