VOV điện tử đưa tin, trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất giảm 50% phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết 2020 để kích cầu tiêu dùng.
Theo Bộ Công Thương, sản xuất lắp ráp ô tô trong nước nằm trong số những ngành sản xuất công nghiệp chủ lực bị tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.
Hiện mức thu phí trước bạ được xác định theo tỷ lệ phần trăm từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký. Mức phí trước bạ với ô tô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... là 12% giá trị xe; TP. HCM 10%, Hà Tĩnh 11%... Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con.
Đề xuất giảm 50% phí trước bạ với khách mua ô tô được Bộ Công Thương đưa ra khi tiêu thụ mặt hàng này giảm nghiêm trọng so với năm ngoái, trong khi tồn kho tăng tới 122,5%. Còn theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ô tô năm 2020 có thể giảm hơn 15%.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp và VAT với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đến hết quý I/2021.
Theo tờ điện tử VTC News, Bộ Công Thương cũng kiến nghị sớm xem xét thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, khuyến khích gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa đối với sản phẩm ô tô sản xuất trong nước nhằm duy trì và từng bước phát triển công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô tại Việt Nam, trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp gần nhất.
VAMA trước đó cũng đề xuất Chính phủ giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô để kích cầu tiêu dùng.
VAMA cho rằng, hoạt động cung ứng linh kiện, vật tư và sản xuất nói chung đến nay về cơ bản việc vẫn tạm thời được duy trì. Tuy nhiên, thời gian tới, dự báo sẽ có nhiều nhà sản xuất linh kiện và nhà sản xuất xe bị ảnh hưởng trực tiếp do nhiều nước đã phong tỏa một hay nhiều khu vực, thậm chí cả quốc gia để đối phó với dịch Covid-19.
Do đó, nhiều doanh nghiệp có thể buộc phải điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất, thậm chí tính tới việc đóng cửa nhà máy trong một giai đoạn nhất định cho tới khi tìm được nguồn cung thay thế.
Đối với người lao động và cán bộ quản lý, hiện nhiều chuyên gia, kỹ sư, thậm chí cả tổng giám đốc của một số doanh nghiệp thành viên không thể nhập cảnh vào Việt Nam theo quy định mới nhất.
Theo VAMA, một số cán bộ nhân viên của các nhà sản xuất ô tô hoặc nhà cung ứng đã và đang phải cách ly theo đúng quy định, hoặc được bố trí làm việc ở nhà để giảm bớt sự lây lan của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ, giải trí, giao thông vận tải... phải giảm thiểu hoặc tạm dừng hoạt động dẫn tới sụt giảm đáng kể nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. Do đó, số lượng khách hàng tới tìm hiểu xe tại các đại lý cũng đã giảm sút đáng kể, kéo theo số lượng hợp đồng ký mới giảm tương ứng.
Theo CT (Báo Dân Sinh)