Tồn kho ngày càng lớn
Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số bán ô tô trong tháng 7 vừa qua của các doanh nghiệp thành viên đạt 24.065 xe các loại, chỉ tăng 0,3% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng xe lắp ráp trong nước chỉ tăng 2% so với tháng trước.
Tính chung 7 tháng qua, các doanh nghiệp thành viên VAMA chỉ bán được 131.248 xe, giảm 28% so với cùng kỳ 2019. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 22%.
Để kích thích tiêu dùng, Chính phủ đã đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước từ ngày 28/6 tới hết năm 2020. Ngoài ra, các doanh nghiệp và đại lý bán lẻ cũng có chính sách hỗ trợ thêm cho khách hàng mua xe.
Dù được hưởng ưu đãi lớn nhưng trên thực tế, doanh số bán xe trong nước không tăng mạnh như kỳ vọng. Thậm chí, có những mẫu xe trong nước doanh số giảm mạnh. Chẳng hạn, mẫu City của Honda Việt Nam doanh số bán trong tháng 7 vừa qua giảm tới 74%.
Các doanh nghiệp ô tô chia sẻ, vấn đề đau đầu nhất hiện nay chính là đầu ra. Dịch bệnh phát sinh khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, nhu cầu về ô tô giảm mạnh. Dù đã liên tục đẩy mạnh kích cầu nhưng doanh số vẫn thê thảm. Tất cả các doanh nghiệp ô tô trong nước đều bị giảm doanh số bán.
Có doanh nghiệp đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng giảm từ cuối quý 1/2020, giảm sản xuất và cắt giảm bớt lao động. Tuy nhiên, tồn kho vẫn cao. Theo số liệu của VAMA, hiện tồn kho ô tô tăng tới 129% so với cùng kỳ 2019. Tồn kho lớn, nên nhiều doanh nghiệp đã phải đại hạ giá, chấp nhận thua lỗ.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban chính sách VAMA, cho biết dịch Covid-19 quay trở lại với diễn biến khó lường. Các doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa nghe ngóng tình hình để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các nhà máy ô tô cùng đại lý bán lẻ ở khu vực miền Trung gặp khó khăn nhất do dịch bệnh.
Sản xuất thêm khó
Với doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, ngoài ưu đãi 50% lệ phí trước bạ, Chính phủ còn cho phép giãn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt để có thêm dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay nghị định hướng dẫn vẫn đang chờ Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Nếu được ban hành, các doanh nghiệp ô tô sẽ được gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp, phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3, 4, 5, 6/2020. Thời gian gia hạn là 5 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, thông thường các doanh nghiệp bán xe tháng 3 sẽ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt vào tháng 4 và bán xe tháng 4 sẽ nộp vào tháng 5, tức là nộp ngay sau 1 tháng. Các doanh nghiệp ô tô đang nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với xe bán trong tháng 7. Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên doanh nghiệp chưa được hưởng chính sách này.
Theo các doanh nghiệp, chi phí cơ bản hàng tháng rất lớn, trong khi nguồn thu từ kinh doanh giảm mạnh, sẽ dẫn đến mất cân đối tài chính, nếu kéo dài sẽ phá sản.
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô có hiệu lực từ ngày 10/7.
Nhưng nhiều đơn vị sản xuất linh kiện không đủ điều kiện để hưởng ưu đãi này. Theo quy định, doanh nghiệp sản xuất linh kiện phải có hợp đồng mua bán sản phẩm CNHT ô tô với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô, có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công Thương cấp.
Song, nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện lại cung cấp cho các nhà sản xuất linh kiện cấp cao hơn để họ lắp thành linh kiện hoàn chỉnh, từ đó mới cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô nên không có hợp đồng. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp không trực tiếp nhập khẩu nguyên vật liệu về sản xuất linh kiện mà mua lại từ một công ty nhập khẩu khẩu khác; vì vậy, không được hưởng thuế ưu đãi 0%.
Toyota Việt Nam cho biết, chỉ có 2 trong số khoảng 30 nhà cung cấp linh kiện cho doanh nghiệp này đáp ứng tiêu chuẩn và được hưởng ưu đãi thuế 0%. Doanh nghiệp ô tô không mua được linh kiện giá rẻ từ trong nước, khiến giá xe khó có thể giảm như mong đợi.
Theo dự báo của VAMA, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, sản lượng cũng như doanh số ô tô tại Việt Nam có thể giảm về mức thấp nhất trong vòng 10 năm lại đây. Nhu cầu giảm dẫn đến sản xuất giảm và các doanh nghiệp tiếp tục phải cắt giảm lao động.
Ngành công nghiệp ô tô là mô hình kinh doanh đa tầng, gồm các nhà cung cấp, nhà sản xuất và các đại lý phân phối. Chuỗi kinh doanh này đóng góp đáng kể vào GDP của một quốc gia. Các ước tính cho thấy, đóng góp của ngành ô tô tại Việt Nam nằm trong khoảng 3% GDP mỗi năm, với hơn 7 tỷ USD năm 2019. Năm nay, doanh số bán giảm mạnh, đóng góp cho GDP chắc chắn sẽ giảm theo. Các doanh nghiệp ô tô có khoản vay ngân hàng lớn càng khó có khả năng trả nợ.
Theo Trần Thủy (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/ton-kho-cao-o-to-e-am-kho-khan-chong-chat-667756.html