Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội là điều đang dần quen thuộc với nhân loại trong thời đại 4.0 hiện nay. Tuy nhiên, sự tác động của AI trong ngành công nghiệp sản xuất – chế tạo, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô đang có những sự tác động nhanh và mạnh hơn bao giờ hết.
Theo tổ chức Simplilearn đã công bố các dự đoán cho rằng, ứng dụng AI trong công nghiệp ô tô sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 40% và sẽ đạt giá trị 15,9 tỷ đô la vào năm 2027. Điều này chứng minh một nhu cầu thiết thực và cấp bách của thế giới đối với trí tuệ nhân tạo trên ô tô.
Các ứng dụng tuyệt vời của AI đối với người lái xe hiện nay
Trí tuệ nhân tạo đang là trợ thủ đắc lực chưa từng thấy cho người lái xe trên mọi cung đường.
Khi nhắc tới AI trong lĩnh vực ô tô, người ta sẽ nghĩ ngay tới những chiếc xe tự lái, tự hành trên đường cao tốc mang tên Hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến (ADAS). Đây là một chuỗi các tổ hợp ứng dụng phức tạp các thuật toán vi tính chính xác cao cho phép máy tính có thể xử lý và xác định những mối nguy hiểm trên thời gian thực, giúp giảm thiểu nguy cơ tai nạn bằng hệ thống phanh khẩn cấp, hỗ trợ giữ làn...
Những hỗ trợ này giúp cho người lái có một trải nghiệm lái xe an toàn hơn, giảm thiểu tối đa các nguy cơ tai nạn giao thông. Hiện những thành tựu công nghệ cao này đã được ứng dụng trên một số dòng xe như Tesla Model 3, Volvo XC40, BMW iX và Lexus LS.
Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ người lái hay còn gọi là trợ lý ảo trên ô tô (VPA) cũng đang phổ biến nhanh chóng và ngày càng không thể thiếu, trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho người lái xe.
Thông qua trợ lý ảo, các cảm biến về hình ảnh, giọng nói, người lái xe hoàn toàn có thể thực hiện các thao tác phức tạp như điều chỉnh, nắm bắt các thông số xe thông qua điều khiển giọng nói, thay vì phải thao tác trực tiếp thủ công như trước đây, tránh sự phân tâm trong lúc tham gia giao thông.
Trợ lý có thể thông qua các thuật toán phức tạp, nhận biết những sự thay đổi về thông số trên xe, thời tiết bên ngoài, dẫn đường vệ tinh GPS, tìm kiếm các vị trí mà người lái yêu cầu, hay thậm chí là điều khiển nhà thông minh từ xa.
Tại Việt Nam và trên thế giới đã và đang phát triển nhiều hệ thống Trợ lý ảo tiên tiến trên ô tô, có thể kể đến như Vivi của Vinfast, Kiki của Zalo, Alexa của Amazon, Siri của Apple,... cũng như ngày một trở thành một phần quan trọng đối với tài xế trong tương lai.
Với AI, ô tô đã vượt lên trên cả một cỗ máy cơ khí kỹ thuật đơn thuần.
Không chỉ hỗ trợ người lái, AI còn trực tiếp tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng xe hơi
AI không chỉ được ứng dụng trên các công nghệ hỗ trợ người lái xe, mà các thành tựu của nó còn trực tiếp được tích hợp vào dây chuyền sản xuất của ngành công nghiệp ô tô, tạo nên những thuận lợi lớn trong chuỗi sản xuất và cung ứng. Trí tuệ nhân tạo ngày một tỏ ra hữu ích khi giúp nhà sản xuất tạo ra dây chuyền chế tạo hiệu quả, chi phí tối ưu, tự động hóa và hợp lý hóa tối đa thông qua các quy trình khác nhau.
Đối với dây chuyền tự động hóa, AI đã giúp ngành chế tạo ô tô đạt được hiệu quả cao, độ chính xác tuyệt đối và tính tối ưu chi phí. Nó trở thành một công cụ hữu hiệu để giảm tối đa các sai sót của con người, xác định nhanh chóng những điểm lỗi trong khâu sản xuất.
Ứng dụng AI vào chuỗi sản xuất và cung ứng đang là xu thế hiện nay của thế giới, không riêng ngành công nghiệp ô tô.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để kiểm soát chất lượng và phát hiện những sản phẩm lỗi trước khi hoàn thành lắp ráp và đưa ra thị trường cũng giúp cho doanh nghiệp chế tạo ô tô có thể tiết kiệm rất lớn về tiền bạc, thời gian và công sức, khi hạn chế tối đa các sản phẩm lỗi có thể tới tay người tiêu dùng.
Đồng thời, sự gia nhập của AI vào chuỗi cung ứng giúp cho hệ thống có thể tối ưu hóa triệt để, giám sát và theo dõi chặt chẽ từng bước của quy trình, tạo nên một hệ thống cung ứng moldun hóa, dễ dàng quản lý.
Trí tuệ nhân tạo tham gia quản lý giao thông thông minh
Không chỉ ứng dụng vào ngành sản xuất, cung ứng, hỗ trợ người lái, trí tuệ nhân tạo còn trực tiếp tham gia vào khâu quản lý, vận hành hệ thống giao thông một cách thuận tiện nhất, giảm thiểu tối đa những sự tắc nghẽn thông qua các siêu máy tính.
Các hệ thống quản lý giao thông thông minh AI có thể phân tích các dữ liệu về tình trạng giao thông thực tế để từ đó tối ưu hóa các luồng giao thông, phân bổ phù hợp và hạn chế tắt đường theo thời gian thực. Từ việc đề xuất các tuyến đường hợp lý và an toàn nhất cho người điều khiển ô tô, điều phối tín hiệu đèn giao thông và các tính toán dự đoán chính xác, AI sẽ giúp chủ xe tiết kiệm thời gian di chuyển, nâng cao năng lực đường bộ chung và từ đó, cải thiện khả năng quản lý giao thông tổng thể.
Hiện nay, nhiều thành phố tại châu Âu hay hệ thống đường cao tốc Thành Đô – Nghi Tân tại Trung Quốc đã đưa vào ứng dụng hiệu quả các hệ thống quản lý giao thông thông minh thông qua AI này.
Trí tuệ nhân tạo giúp cho ô tô có thể trực tiếp kết nối với nhau và kết nối chung với hệ thống giao thông hoàn toàn thông minh.
Thế nhưng, không phải AI không có những thách thức riêng
Dù cho ứng dụng AI rộng rãi trong ngành ô tô không còn là điều xa lạ nhưng nó vẫn còn tiềm ẩn nhiều các rủi ro và thách thức. Các doanh nghiệp về ô tô thực sự cần phải hiểu rõ các rào cản và rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra khi họ ứng dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo vào những ứng dụng của mình.
Việc AI ứng dụng sâu vào các hỗ trợ người lái dẫn tới việc nó cũng có độ can thiệp cá nhân hóa rất cao, điều này đòi hỏi tính năng bảo mật thông tin riêng tư của người dùng và không loại trừ trường hợp nó có thể bị đánh cắp.
Bên cạnh đó, ứng dụng AI đang ngày càng thay thế nhiều công việc của con người, dẫn tới tình trạng mất việc trực tiếp của không ít lao động đã phục vụ trong ngành công nghiệp ô tô nhiều năm liền. Nếu không dung hòa được cả 2 công việc là ứng dụng công nghệ mới và sử dụng hiệu quả nhân lực của công ty, nó chắc chắn sẽ gây ra không ít rắc rối đối với doanh nghiệp cũng như xã hội.
Cuối cùng, việc AI phát triển mạnh đồng nghĩa với việc các tính năng giám sát, kiểm soát và thẩm định công nghệ để đánh giá khả năng của Trí tuệ nhân tạo cũng phải phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, nó cũng cần một lượng thông tin dung nạp khổng lồ để tối ưu hóa các thuật toán tinh vi, điều không hề dễ dàng đáp ứng.
Có thể nói, xu thế ứng dụng AI trong ngành công nghiệp ô tô đang ngày một rộng rãi và phổ biến hơn bao giờ hết, trợ giúp đắc lực cho ngành trong mọi khâu từ chế tạo đến cung ứng tận tay người tiêu dùng. Song, nó vẫn tồn tại các thách thức riêng và tồn tại những rủi ro mà buộc người dùng phải hiểu rõ để không gặp phải các rắc rối nghiêm trọng.
Theo Hùng Dũng (VietNamNet)