Chuyên gia chỉ ra 4 dấu hiệu và thời điểm 'vàng' để bảo dưỡng điều hoà ô tô

04/05/2024 15:24:58

Điều hoà là một trong những bộ phận quan trọng trên xe ô tô, nhất là trong những ngày thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, không phải chủ xe nào cũng biết được lúc nào nên kiểm tra và cần bảo dưỡng những gì.

Khi nào cần bảo dưỡng điều hoà ô tô?

Trao đổi với VietNamNet, kỹ sư ô tô Lê Hồng Đại - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại Ô tô Đại Linh (Hà Nội) cho rằng, vào mùa nắng nóng, xe ô tô có những vấn đề rất đặc trưng.

Một số bộ phận của ô tô như điều hoà (máy lạnh) dễ gặp trục trặc, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn cũng như thoải mái của hành khách, do vậy, cần chú ý chăm sóc ngay từ đầu mùa hè để tránh rủi ro, phiền phức không đáng có.

Chuyên gia chỉ ra 4 dấu hiệu và thời điểm 'vàng' để bảo dưỡng điều hoà ô tô
Ô tô có những vấn đề rất đặc trưng khi hoạt động vào mùa nắng nóng, nhất là hệ thống điều hoà. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Theo kỹ sư Đại, việc kiểm tra và bảo dưỡng điều hòa là cực kỳ quan trọng, ngay khi hệ thống này vẫn hoạt động bình thường. Và thời điểm "vàng" để làm việc này chính là vào đầu hè như hiện nay.

"Thông thường, xe cần được kiểm tra lượng gas làm mát, dầu bôi trơn của máy nén khí (lốc điều hoà); kiểm tra quạt gió, bộ lọc gió điều hoà để làm sạch, sửa chữa hoặc thay thế nếu cần. Ngoài ra, cũng kiểm tra hiện trạng dàn nóng, dàn lạnh trên xe. Nếu có bị bụi bẩn sau một thời gian sử dụng thì nên làm sạch các bộ phận này để hệ thống điều hòa làm mát nhanh và sâu, đồng thời giúp tiết kiệm nhiên liệu cho xe", anh Đại nói.

Bên cạnh đó, kỹ sư Đại cũng nhấn mạnh điều hoà ô tô cần phải được kiểm tra ngay khi có một số dấu hiệu sau:

Thứ nhất, ô tô đi lâu năm nhưng chưa kiểm tra hệ thống điều hòa lần nào. Đối với xe mới mua, tuỳ vào điều kiện sử dụng nhưng khoảng 3-4 năm là cần kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điều hoà. Còn với xe càng cũ càng phải kiểm tra thường xuyên hơn, có thể là hàng năm.

Thứ hai, quạt gió kêu to nhưng không thấy gió vào, chỉ “phào phào”, hơi mát kém và có thể kèm theo mùi khó chịu. Đây là dấu hiệu cho thấy hệ thống làm mát đang không hoạt động, có thể bị rò rỉ hoặc bục đường ống,...

Thứ ba, hơi lạnh rất yếu, xe nổ máy và lăn bánh 5-10 phút trở lên mới bắt đầu mát, nhưng mát không sâu. Xe dừng hoặc chờ đèn đỏ là lại mát yếu dù đã bật hết công suất.

Thứ tư, điều hòa bật lên mát ngay nhưng chỉ một lúc sau là hơi nóng, nếu tắt điều hòa vài phút bật lên lại có hơi lạnh và hiện tượng này xảy ra thường xuyên.

Kiểm tra và bảo dưỡng điều hòa ô tô đúng cách

Thực tế, hệ thống điều hoà ô tô bao gồm rất nhiều bộ phận với độ phức tạp cao như: Giàn nóng, giàn lạnh, lọc gió, máy nén (lốc), bộ lọc khô, van tiết lưu, cảm biến, hệ thống điện, dây dẫn, quạt gió, cửa gió, hệ thống điều khiển,... Chỉ cần một hoặc một vài bộ phận bị trục trặc có thể làm ảnh hưởng đến cả hệ thống.

Tuỳ vào từng dấu hiệu và mức độ, thợ kỹ thuật sẽ "bắt bệnh" và có thể cho kiểm tra một hoặc nhiều bộ phận khác nhau của hệ thống điều hoà như sau:

Chuyên gia chỉ ra 4 dấu hiệu và thời điểm 'vàng' để bảo dưỡng điều hoà ô tô - 1
Lọc gió điều hoà trên nhiều dòng xe được bố trí phía bên trong của cốp phụ. (Ảnh minh hoạ: Caranddriver)

Kiểm tra lọc gió

Lọc gió là bộ phận dễ dàng kiểm tra, vệ sinh và thay thế nhất trong hệ thống điều hoà ô tô. Do đó, trước khi bảo dưỡng điều hòa, nên kiểm tra ngay lọc gió xem có bụi bẩn, rách hay dính chất lỏng không.

Lọc gió dính quá nhiều bụi bẩn, ít được vệ sinh là nguyên nhân gây cản trở hoạt động lưu thông không khí, làm giảm hiệu năng của hệ thống điều hòa và có thể gây mùi khó chịu vào bên trong xe.

Hầu hết các hãng xe đều khuyến khích khách hàng nên thay lọc gió sau khoảng 2-3 năm sử dụng để đảm bảo cho điều hoà hoạt động hiệu quả.

Vệ sinh giàn nóng, giàn lạnh

Tương tự như lọc gió, giàn nóng và giàn lạnh của hệ thống điều hoà ô tô cũng rất dễ bị bám bụi sau một thời gian sử dụng. Quá trình vệ sinh giàn nóng và nhất là giàn lạnh sẽ phức tạp hơn một chút do các bộ phận này nằm ở vị trí khó tiếp cận. Đối với giàn lạnh, có thể áp dụng phương pháp vệ sinh bằng nội soi không cần tháo rời và đạt hiệu quả khoảng 80%.

Chuyên gia chỉ ra 4 dấu hiệu và thời điểm 'vàng' để bảo dưỡng điều hoà ô tô - 2
Giàn nóng điều hoà của ô tô cũng cần vệ sinh, thay thế định kỳ để đạt hiệu quả tốt nhất. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Với giàn nóng, trường hợp xác định bộ phận này bị cong vênh, hư hỏng do va chạm hoặc các thanh ống tản nhiệt bị dập không thoát gió, nhôm bị phân huỷ,... thì cũng là lúc bạn nên thay một giàn nóng mới để hệ thống điều hoà đạt hiệu quả tốt nhất vào mùa hè.

Kiểm tra áp suất gas

Sau khi vệ sinh sạch sẽ lọc gió, giàn nóng, giàn lạnh mà vẫn không cải thiện được chất lượng không khí, chúng ta nên tiến hành kiểm tra đến áp suất gas (môi chất làm mát). Có hai cách là thông qua quan sát hoặc dùng máy đo áp suất.

Một số dòng xe được lắp đặt một thiết bị gọi là “mắt gas” giúp chúng ta có thể nhìn vào phía trong bộ lọc khô để quan sát, đánh giá tình trạng của môi chất bên trong hệ thống làm mát. Nếu kính trong hoặc có nhiều bọt khí có nghĩa là lượng môi chất có thể đã cạn gần hết, cần nhanh chóng đưa xe đi bổ sung thêm gas.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của thợ điều hoà ô tô, sau 15 phút bật máy và điều hoà hoạt động hết công suất, nếu dưới gầm xe và đoạn đường ống dẫn gas về máy nén khô ráo, không có nước đọng thì khả năng cao là lượng gas trong hệ thống làm mát đã giảm mạnh, lúc đó cũng cần phải bơm thêm gas.

Khi dùng máy đo áp suất chuyên dụng tại các gara sẽ dễ dàng phát hiện lượng gas đang thiếu để bổ sung phù hợp. Lưu ý, ngay cả khi bơm thừa gas cũng khiến hệ thống điều hoà ô tô hoạt động kém.

Chuyên gia chỉ ra 4 dấu hiệu và thời điểm 'vàng' để bảo dưỡng điều hoà ô tô - 3
Kỹ sư Lê Hồng Đại (bên trái) cùng thợ kỹ thuật kiểm tra kỹ lưỡng các dây dẫn, mối nối trên xe. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Kiểm tra lốc, ống dẫn

Một nguyên nhân nữa khiến áp suất gas không đủ là do máy nén (lốc) bị kém hoặc hư hỏng, thường xảy ra với các xe đã sử dụng trên 10 năm. Lúc này, lốc điều hoà thường có tiếng kêu lạ, không êm và không đáp ứng đủ áp suất cần thiết. Khi đó, cần mang ngay đến các gara ô tô uy tín để được tư vấn phương án sửa chữa, thay thế phù hợp.

Cuối cùng, khi đã loại trừ tất cả các nguyên nhân trên mà hệ thống điều hoà vẫn chưa hoạt động hiệu quả thì rất có thể hệ thống ống dẫn, các mối nối nào đó bị rò rỉ. Có thể phát hiện thông qua quan sát hoặc thông qua các loại máy móc chuyên dụng. Các vị trí bị rò rỉ sẽ được siết, hàn nối lại hoặc thay thế các đoạn ống dẫn,...

Các chuyên gia luôn khuyên rằng, hệ thống điều hoà nói riêng và các bộ phận của xe nói chung cần được kiểm tra, bảo dưỡng và thay thế định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất để đạt hiệu quả tốt nhất.

Theo Hoàng Hiệp (VietNamNet)