Trước sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các nhà sản xuất xe điện trên toàn cầu, Tesla đã buộc phải thực hiện chiến dịch giảm giá để “câu khách” tại các thị trường trọng điểm, đặc biệt là Trung Quốc.
"Chiêu trò" giảm giá của Tesla ngay lập tức đã có hiệu quả ngay tức thì khi số lượng người mua xe tăng đáng kể. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, đòn bẩy của Tesla đang bắt đầu phản tác dụng.
Ở đợt giảm giá đầu tiên, Tesla đã bán được nhiều xe hơn hẳn so với các tháng trước đó. Nhưng ở những lần tiếp theo, người tiêu dùng tại Trung Quốc lại không có nhiều phản ứng tích cực như những lần điều chỉnh trước đó. Nhà phân tích ô tô Adam Jonas của Morgan Stanley cho hay: “Việc giảm giá của Tesla đã khơi mào cho làn sóng giảm giá lớn hơn trong ngành”.
Điều này khiến người tiêu dùng do dự hơn trong việc mua xe điện. Các chuyên gia tin rằng một cuộc chiến giảm giá giữa các hãng xe sẽ khiến người tiêu dùng thụ động hơn trong việc mua xe và khiến doanh số bán xe “chững lại” phần nào. Thay vì mua xe, nhiều khách hàng sẽ “đứng nhìn” và chờ các chương trình khuyến mãi/giảm giá sâu hơn nữa mới đưa ra quyết định.
Chưa dừng lại ở đó, mặc dù được mua xe điện Tesla với mức giá rẻ hơn nhưng không phải tất cả những khách hàng của hãng đều hài lòng và vui vẻ. Những khách hàng ở Trung Quốc đã mua xe chỉ vài tuần, vài tháng trước đó đã yêu cầu được hoàn tiền chênh lệch.
Không chỉ thế, động thái giảm giá của Tesla cũng đã gây ra một số tác động tiêu cực tại thị trường Mỹ.
Cũng giống như nhiều khách hàng ở Trung Quốc, người mua xe Tesla tại Mỹ cũng cảm thấy bị lừa dối khi họ không hề được hãng xe thông báo về kế hoạch giảm giá xe. Chính vì thế, họ yêu cầu được “bù đắp” bằng việc sử dụng miễn phí phần mềm tự lái Full Self-Driver hoặc sạc miễn phí tại trạm sạc Supercharge.
Bên cạnh Tesla, nhiều hãng xe khác cũng phải cân nhắc về chương trình giảm giá để tăng doanh số như hãng xe Ford giảm giá cho mẫu xe điện Mustang Mach-E. Trái lại, cũng vẫn có một số “ông lớn” đứng ngoài cuộc chơi như GM hay Volkswagen.
Theo Nhật Minh (VietNamNet)