Chết ắc-quy giữa trời mưa, ác mộng không ai muốn trải qua

21/08/2020 09:19:00

Giữa khuya trong cơn mưa nặng hạt, chị Hoa hoang mang khi một mình bên chiếc ô tô chết ắc-quy, sụt toàn bộ nguồn điện khiến không thể khởi động lại. Nếu không có lòng tốt của một tài xế taxi, chị không biết phải xử lý thế nào.

Sự cố bất ngờ trong tình huống éo le

Mặc dù sự việc đã xảy ra nhiều ngày nhưng với chị Vũ Hồng Hoa, một luật sư ở Hà Nội chưa quên được tình huống trớ trêu với chiếc xế hộp của mình.

Chị kể: “Sau một ngày làm việc vất vả, tôi cố gắng lái xe từ Hà Tĩnh về Hà Nội để nghỉ ngơi. Lúc này là 1 giờ sáng, xe tới chân cầu Nhật Tân thì bị hỏng ắc-quy ô tô, toàn bộ hệ thống điện sập hoàn toàn. Gọi cho một người bạn làm garage mà thấy không nghe máy. Chị Hoa lo lắng, trong đầu suy tính hai lựa chọn, một là vứt xe tại chỗ rồi đi về, hai là ngủ lại trong xe. Thế nhưng ngoài trời đang mưa rất to, lại thân gái một mình nên chị khá đắn đo. May mắn thay, một chiếc taxi dừng lại và người tài xế hỏi chuyện chị Hoa. Biết nguyên nhân xe yếu điện, anh tài xế không ngần lại quay đầu xe đỗ sát lại và dùng dây câu bình điện để kích nổ giúp chị Hoa giữa cơn mưa. Kết quả chiếc Honda Civic 2008 của chị đã nổ máy trở lại. Tuy nhiên, chị Hoa chỉ lái thêm được một quãng đường ngắn thì xe lại chết máy một lần nữa. Chị đứng dưới mưa vẫy gọi sự giúp đỡ của xe qua đường nhưng tất cả đều lướt đi rất nhanh.

Chợt nhớ đến người tài xế taxi tốt bụng vừa giúp mình, chị Hoa đánh liều gọi lại và bất ngờ được anh cho biết sẽ lái xe đến vì vẫn ở gần đó. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của người tài xế tên Tuyến, chị Hoa đã đưa được xe về nhà trong niềm vui mừng không xiết, dù cả hai đều thấm mệt và quần áo ướt đẫm vì mưa. 

Chết ắc-quy giữa trời mưa, ác mộng không ai muốn trải qua
Ô tô của chị Hoa bị chết máy giữa trời mưa được người lái xe taxi tốt bụng câu giúp điện

Tình huống ô tô bất ngờ chết máy trên đường vì sự cố ắc-quy như chị Hoa không hề hiếm gặp, nhưng lại rơi vào giữa lúc đêm khuya, mưa lớn thì ít ai nghĩ đến. Nhiều người gặp sự cố này chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của những tài xế không quen biết trên đường. Nhưng không phải ai cũng may mắn. Anh Trần Minh Tuấn (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) nhớ lại chuyến đi “bão táp” hồi cuối năm ngoái cùng gia đình trên chiếc Toyota Fortuner. Chuyến đi này anh cùng vợ con tự lái xe khám phá cung đường Sapa - Y Tý - Mù Cang Chải.

Nhưng tối cùng ngày khi di chuyển đến gần Y Tý dừng chân ăn tối thì xe không thể đề nổ lại được nữa. Đây là vùng cao khá vắng người của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nên việc kiếm một chiếc ô tô để nhờ kích nổ là không dễ. Sau khi dùng đủ mọi cách, từ gọi điện nhờ giúp đỡ cho đến đứng chờ xem có ánh đèn xe nào đi qua, anh Tuấn đành quyết định cùng cả nhà ngủ lại trên xe chờ đến sáng mới có người bạn đi xe từ Lào Cai sang giúp. Đó là một đêm ngủ chập chờn không trọn vẹn của cả nhà anh Tuấn, phần vì nội thất xe và đồ đạc lỉnh kỉnh gây chật, phần còn lại là cảm giác bồn chồn lo lắng giữa núi rừng âm u. 

Ắc quy cũng cần được chăm sóc đầy đủ

Những tình huống như của anh Tuấn, chị Hoa kể trên hoàn toàn có thể tránh được nếu như, người sử dụng ô tô quan tâm bảo dưỡng ắc quy xe của mình thường xuyên. 

Nếu như động cơ được ví như “trái tim” của ô tô thì ắc-quy có vai trò như “mạch máu”, có nhiệm vụ trữ điện năng, cung cấp năng lượng cho các thiết bị tiêu thụ điện (phụ tải) như bộ đề khởi động, bật đèn sáng, chạy máy phát… Một ắc-quy hoạt động ổn định, khỏe giúp chiếc xe vận hành trơn tru, tiết kiệm nhiên liệu. Theo các nhà sản xuất ắc-quy, nếu thường xuyên bảo dưỡng đúng chu kỳ, thời hạn và hệ thống sạc cho ắc quy hoạt động bình thường thì tuổi thọ có thể kéo dài tới 100.000 km (khoảng 4 năm). Nhưng trên thực tế, tuổi đời của ắc quy ô tô chỉ rơi vào khoảng 2 – 3 năm, vì phụ thuộc vào các yếu tố khách quan bên ngoài và quá trình sử dụng của người lái. Khi kết thúc vòng đời, ắc-quy cần được thay thế. 

Chết ắc-quy giữa trời mưa, ác mộng không ai muốn trải qua - 1
Trước khi đi xa nên kiểm tra xem ắc quy đã đến lúc phải thay chưa, như nhìn tem bảo hành (cho biết tuổi ắc quy), nhìn mắt thăm bên cạnh cực (+) phân biệt theo các màu xanh (còn tốt), đen (cần sạc thêm) và trắng (cần thay thế) 

Anh Huỳnh Trọng Nhân, chủ garage ô tô ở phố Lạc Nghiệp, Hà Nội, cho biết việc bảo dưỡng ắc-quy để bộ phận này hoạt động tốt khá đơn giản, có thể thực hiện tại nhà.

Đầu tiên, ắc-quy cần tránh nhiệt độ cao, nên cần có một lớp chắn hoặc phủ cách nhiệt. Một số loại xe có sẵn bộ phận này khi sản xuất nhưng nhiều xe cũ đã không còn, chủ xe có thể mua ở các cửa hàng đồ ô tô. Tiếp theo, các đầu cọc cực điện (+) và (-) thường bị ăn mòn oxy hóa trong quá trình sử dung (môi trường ẩm ướt, dính bẩn…), dẫn đến hao hụt điện năng, cần kiểm tra và vệ sinh bằng cách dùng bản chải, khăn sạch đánh bong lớp cặn bám. Các chủ xe có thể kết hợp baking soda hoặc nước soda để đánh sạch các cặn bám này.

Để tránh quá trình ăn mòn trở lại, có thể bôi thêm mỡ bò bên ngoài đầu điện cực, đồng thời dùng thêm nắp che đầu cọc (+) để tránh nước mưa hoặc nước rửa xe có cơ hội tiếp xúc.

Chết ắc-quy giữa trời mưa, ác mộng không ai muốn trải qua - 2
Ắc-quy bán trên thị trường hiện có 2 lựa chọn, gồm ắc-quy ướt (hoặc nước) và ắc-quy khô.

Ắc-quy ướt là loại chứa kim loại, lá chì xen kẽ dung dịch loãng có axit, chủ yếu là H2SO4 với đặc tính ăn mòn cao, có mùi rất khó chịu vậy nên khi sử dụng người dùng cần hết sức cẩn thận để không bị dây ra tay. Với loại này có ưu điểm giá rẻ, nhưng cần thường xuyên kiểm tra để bổ sung nước cất hoặc dung dịch axit. Ắc-quy khô là dòng sản phẩm được cải tiến từ ắc quy nước, chúng có thiết kế kín và không cần thêm nước định kỳ. Loại này có ưu điểm không phải bảo dưỡng nhiều như loại ướt, nhưng khi hết điện thường đột ngột mà không hết từ từ như loại ướt. Theo lời khuyên của anh Trọng Nhân, cách tốt nhất khi đi xa, các chủ xe nên mua thêm một số đồ dự phòng có sẵn trên xe để đề phòng trường hợp ắc-quy hết điện. Bộ dụng cụ này bo gồm: bộ dây câu hai cực ắc-quy (giá từ 150.000 đồng đến 350.000 đồng tùy theo độ dài và độ dày dây điện), pin dự phòng kích nổ ắc-quy cầm tay (giá từ 700.000 đồng đến 2 triệu đồng tùy thương hiệu và dung lượng pin), đồng hồ đo ắc quy (già từ 150.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy loại), thậm chí mua thêm một ắc-quy dự phòng để cốp sau ô tô.

Đây cũng là cách phòng ngừa rủi ro của các lái xe có kinh nghiệm chạy đường dài. 

Theo Đình Quý (VietNamNet)

Nổi bật