Trong tiếng Việt, “cảm giác lái” và “tay lái” có chung chữ “lái”, nên nhiều người cho rằng đây là cảm nhận từ tay lái. Ai kinh nghiệm hơn thì bảo cứ tay lái đầm chắc, nhiều phản hồi, xe bốc, đích thị là xe lái hay. Hơn tí nữa thì có thêm cảm nhận từ chân phanh, hộp số, khung gầm, hệ thống treo. Nhưng liệu bao nhiêu đó đã đủ phản ánh về cảm giác lái?
“Cảm giác lái” là cụm từ mà trong bài đánh giá xe nào cũng có, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng hiểu cặn kẽ cảm giác lái là gì. Để trả lời câu hỏi xe nào lái tốt nhất, phải biết cảm giác lái là gì.
Trong tiếng Anh, chữ “driving pleasure” có thể nói là từ gần nghĩa nhất với “cảm giác lái”. Nhiều người cho rằng đó phải là từ “handling” (tạm dịch là khả năng điều khiển), nhưng tôi cho rằng handling chỉ là một trong những thành tố của cảm giác lái. Theo quan điểm và trải nghiệm cá nhân, cảm giác lái đơn giản là tất cả những thứ gì xung quanh tiếp xúc, tương tác và gây ảnh hưởng đến người lái, bao gồm 4 thành tố chính như sau.
Driving Ergonomic - Thiết kế công thái học
Xe là vợ hai. Thiết kế ra cô vợ như nào để các ông dùng được lâu mà vẫn dễ chịu, nhàn hạ là cả một nghệ thuật. Những chỗ dùng tay có vừa tay không (như cần số), những chỗ cần đạp có vừa chân không (như chân phanh), chỗ cần nhìn có bắt mắt không, ngồi lên có êm không, chỗ tay vịn có mịn không... Thiết kế bảng điều khiển hướng về người lái, đưa các nút điều khiển lên vô-lăng, hiển thị kính lái HUD hay kiểm soát hành trình Cruise Control là những ví dụ về công thái học. Chứ giao diện xấu mà cơ cấu còn tệ thì chỉ ngồi lên đã không muốn lái.
Ngoài thiết kế hợp lý thì vật liệu, cơ cấu hoạt động cũng rất quan trọng. Các vật liệu tiếp xúc người lái như da ghế, bọc vô-lăng, ốp cửa, bệ tì tay, nút bấm đều đóng góp vào cảm giác lái. Cơ cấu hoạt động không hợp lý, quá nhiều bước nhiều nấc, quá nặng hay quá nhẹ, không chắc nịch hay trơn tru, hoặc khiến các “ông chồng” lao lực, thì lái gì được nữa. Có thể nói, cảm giác lái đã định hình phần nào từ trước khi lái. Thế mới có chuyện các anh PR hãng mới hay viết thông cáo “đường chỉ khâu màu đỏ tôn thêm tinh thần thể thao cho xe”.
Driving dynamic (handling): Khả năng điều khiển
Có thể nói khả năng điều khiển là giá trị cốt lõi của cảm giác lái. Nhìn chung, xe nhanh và nhạy, trung thực và nhiều phản hồi, đó đích thị là xe mang lại nhiều "cảm giác". Driving dynamic phụ thuộc nhiều vào thiết kế của xe: to hay nhỏ, nặng hay nhẹ, dài ngắn thế nào, trục cơ sở bao nhiêu, dẫn động trước sau hay 4 bánh, rồi bán kính vòng quay, độ rộng của bánh xe, rồi góc camber, tay đòn, Nhiều yếu tố vô kể để có handling tốt.
Tứ trụ của Khả năng điều khiển là phản hồi tay lái, độ nhạy chân ga, phản ứng chân phanh và hộp số. Câu nói kinh điển về phản hồi tay lái là “xe cán qua con kiến cũng biết”. Thậm chí nếu mặt đường nghiêng, lồi lõm thì tay lái cũng sẽ phản ánh bằng những dao động tương đương. Dù về sau các hãng làm trợ lực điện thay trợ lực dầu, nhưng hãng nào có trình độ cao thì vẫn giữ được phản hồi tay lái tốt. Độ nhạy chân ga cũng đã không còn như xưa khi các hãng đã chuyển qua dùng động cơ tăng áp (ngoại trừ các động cơ “Hot-inside V” của AMG, V8 trên 488/488 GTB của Ferrari và Boxer 6 của Porsche, 3 xe này độ trễ gần như bằng không).
Thế nên máy hút khí tự nhiên vẫn có sức hút của nó. Chân phanh cứng hay mềm, hành trình dài hay ngắn phụ thuộc vào mục đích sử dụng của xe và tư duy của hãng. Cảm giác lái cũng bớt phần thú vị khi các hãng dần chuyển sang sử dụng số tự động, dù kinh tế hơn, thuận tiện hơn và thậm chí là sang số nhanh hơn. Số sàn vẫn là "thuốc nghiện" với các ông "máu nhiễm xăng - petrolhead".
Nếu dùng từ “handling” thì có lẽ những yếu tố ở trên là đủ vì từ handling chỉ thuần về mặt cơ học. Nhưng cái “pleasure” nó phức tạp hơn nhiều, tiếng ống xả này, vòng tua máy, tiếng turbo, sự cân bằng của khung, giới hạn trượt... Cảm giác lái có thể cảm nhận bằng tất cả các giác quan, thế nên nó mới khó diễn tả hết bằng lời.
Driving comfort – NVH: Sự dễ chịu và chỉ số NVH
Một chiếc xe thật bốc, nhanh nhạy và ồn ào dễ dàng gây ấn tượng ban đầu với người lái. Nhưng để “chung sống lâu dài, trong ngoài êm ấm” thì "vợ hai" cũng phải làm cho chồng dễ chịu và nhẹ nhõm. Lúc nào cũng “hằn hộc, chồm chồm và nhao nhao” thì khó sống với nhau lâu lắm. Một khảo sát nhỏ 30 người dùng Mercedes cho thấy 90% khách hàng luôn sử dụng chế độ Comfort hàng ngày, 10% còn lại thì linh hoạt giữa các chế độ và gần như không có ai sử dụng Sport/Sport + hàng ngày cả.
Sự dễ chịu khác với công thái học. Công thái học thiên về công năng và tiếp xúc trực tiếp, bề mặt. Sự dễ chịu thiên về cảm nhận bằng giác quan và gián tiếp. Ví dụ hệ thống nước hoa thông minh/ion hóa hiện nay là một tính năng mang lại sự dễ chịu, dù nó vô hình. Sự dễ chịu cực kỳ quan trọng với những người lái xe đường dài, xuyên quốc gia, caravan.
Nói đến sự dễ chịu khi lái xe, không thể không nói đến NVH (Noise - độ ồn, Vibration - độ rung, Harshness - độ dằn). Ồn thì ai cũng biết, cách âm tốt hay cách âm không tốt rõ ngay. Xe có cảm giác lái tốt thì không để mất đi cảm nhận từ mặt đường, lốp hay ống xả, nhưng cũng đừng quá ồn mà gây khó chịu.
Nguồn rung chủ yếu xuất phát từ động cơ. Hãng phải có giải pháp để triệt tiêu nguồn rung, cũng như phải bảo đảm chất lượng lắp ráp/vật liệu để không dẫn đến các nguồn rung khác. Harshness là độ dằn khi đi qua ổ gà, mố cầu hay gờ giảm tốc. Xe phải xử lý gọn, êm, phầm phập chứ không peng peng, dao động dứt nhanh. Nhìn chung, NVH như là những lời “càm ràm” của các vợ hai, đều là những ảnh hưởng tiêu cực lên “ông chồng”, thế nên các hãng phải tìm cách triệt tiêu để mấy ổng hưởng lạc hết mấy cái “pleasure” tích cực mà chiếc xe mang lại.
Triệt tiêu NVH là cả một câu chuyện dài, vì nó liên quan đến thiết kế khung gầm, hệ thống treo, công nghệ vật liệu, chất lượng mối hàn. Nó là những bí quyết đằng sau mà hãng cũng không muốn nói nhiều, mà nó cũng quá phức tạp để giới truyền thông có thể truyền tải hết và cũng ko đủ tượng hình để khách hàng có thể dễ dàng bị thuyết phục. NVH cũng chính là thứ quyết định đi đường dài hành khách có mệt hay không. NVH cũng là thứ vô hình khó gọi tên tạo nên sự khác biệt giữa xe Đức với xe Nhật, Hàn, Mỹ.
Driving performance & Assistance - Hiệu suất vận hành và Các công nghệ hỗ trợ lái
Cuối cùng là hiệu suất vận hành. Bao nhiêu mã lực, mô men xoắn, tăng tốc, tốc độ tối đa, quãng đường phanh, hoàn thành một vòng đua, sang số trong một phần nghìn hay một phần mười nghìn của giây. Nói chung là những thứ đo đếm và hiển thị được bằng con số. Xe càng mạnh, càng bốc, phanh, hộp số càng xịn, hệ truyền động hiệu quả, thì xe sẽ có hiệu suất vận hành tốt. Tuy nhiên, hiệu suất vận hành xe hơi cũng như phần cứng của điện thoại, rất quan trọng nhưng muốn tối ưu cần phải có phần mềm là các công nghệ hỗ trợ lái.
Các công nghệ giúp cho việc lái xe trở nên thú vị và thể thao hơn như Lựa chọn chế độ lái (Driving Mode), Hỗ trợ xuất phát nhanh (Launch control), Kiểm soát độ bám (Traction control), ESP Sport, Drift mode, Torque vectoring, chứ ko phải nhóm công nghệ giúp cho việc lái xe an toàn hơn như cảnh báo buồn ngủ hay chệch làn đường. Phần mềm ngày càng có vai trò quan trọng đối với cảm giác lái, thậm chí là vượt trội phần cứng ở những phân khúc mà cấu hình phần cứng bị giới hạn do vấn đề chi phí. Phần mềm càng cho phép người lái tùy biến và khai thác tốt nhất hiệu suất vận hành – chính là chiếc xe có cảm giác lái tốt.
Nếu dựa vào 4 yếu tố trên để đánh giá, thì xe có cảm giác lái tốt phải thực sự là một chiếc xe rất toàn diện. “Vợ hai” phải làm cho ta phấn khích khi cần, tùy biến khi thích, nhưng cũng thân thiện để dùng hàng ngày và dễ chịu để vui sống dài lâu.
Theo Minh Tuấn (VnExpress.net)