Có lẽ không ít lần bạn đã rơi vào trường hợp vì vội vàng đi từ điểm A đến điểm B nên nối đuôi sát xe phía trước. Bạn bóp còi, nháy đèn buộc chiếc xe đi phía trước phải nhường đường để vượt lên. Chiếc xe phía trước phải né sang làn bên phải hoặc chạy nhanh hơn để không bị bạn thúc. Tuy nhiên đây là cách khiến nạn kẹt xe thêm trầm trọng.
Một nghiên cứu mới đây gọi tình huống trên là “ùn tắc giao thông ảo”. Trên thực tế có vẻ như bạn đang chạy rất nhanh, nhưng thực tế lại tốn thời gian hơn.
Mô phỏng cách chạy xe làm giảm kẹt xe |
Các nhà nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính và Trí tuệ nhân tạo của MIT cho biết việc duy trì khoảng cách bình đẳng giữa các xe phía trước và phía sau cho phép thời gian di chuyển từ điểm A đến điểm B nhanh chóng hơn. Họ gọi đây là phương pháp “kiểm soát song phương”, dựa trên các quan sát về những con chim bay cùng nhau như thế nào.
Giáo sư Berthold Horn, đồng tác giả bài báo nói: “Con người chúng ta có xu hướng nhìn thế giới theo những gì phía trước chúng ta, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thay vì nhìn lại quá khứ. Tuy nhiên, lái xe bằng cách giữ đều khoảng cách sẽ giúp tiết kiệm thời gian, nhiên liệu mà không cần xây mới những hệ thống giao thông tốn kém”.
Tất nhiên, bản chất con người là khó thay đổi, và điều kiện giao thông trên đường luôn khó đoán trước nên việc duy trì khoảng cách lý tưởng giữa những chiếc xe là điều khó xảy ra. Các nhà nghiên cứu gọi đây là “sự xáo trộn”.
Vì vậy các nhà khoa học gợi ý rằng các xe hơi nên bật hệ thống điều khiển hành trình thích ứng (cruise-control), thêm cảm biến cả phía trước và sau xe (hầu hết chỉ sử dụng bộ cảm biến trước). Nó tương tự hệ thống Honda đã phát triển cách đây nhiều năm.
Cách làm này tiết kiệm hơn nhiều so với yêu cầu một mạng lưới kết nối khổng lồ giữa các phương tiện. Chúng ta chỉ cần một phần mềm mới và cải thiện phần cứng.
Giáo sư Berthold Horn nói: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, nếu tất cả lái xe giữ khoảng cách bằng nhau giữa các ôtô ở hai bên, những “nhiễu loạn” như vậy sẽ biến mất khi các xe di chuyển chung một làn, giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông”.
Theo Thạch Lam (Tri Thức Trực Tuyến)