Chết máy đột ngột
Dòng xe tay ga Honda Lead sau quãng thời gian sử dụng từ 30.000-35.000 km thường xuyên gặp phải hiện tượng bị chết máy giữa đường, đặc biệt là khi di chuyển trên các cung đường dài.
Nguyên nhân ở đây là do xu-pap sau thời gian dài sử dụng bị muội than bám lại một lớp dày, điều này khiến bộ máy trong quá trình hoạt động thường bị nóng lên nhanh hơn thông thường. Sự bám muội này nằm trên vành bộ xu-pap nạp và thải. Tùy thuộc vào độ nghiêm trọng của việc bám muội mà xe sẽ bị hiện tượng chết máy nhiều hay ít, nặng nhẹ khác nhau.
Để khắc phục vấn đề này bạn có thể mang xe ra các cửa hàng sửa xe uy tín để yêu cầu làm sạch muội trong xu-pap hoặc sử dụng một số loại phụ gia làm sạch muội và động cơ trong dầu và xăng có bán tại các cửa hàng phụ tùng xe trong thành phố.
Có hiện tượng giật cục
Nguyên nhân của hiện tượng này là do thói quen vừa bóp phanh vừa ga khi đèn đỏ thường xuyên khiến hệ thống côn bị mòn, cháy guốc côn và chuông côn. Ngoài ra, do thiết kế bánh nhỏ, trong điều kiện thời tiết mưa gió nhiều, khiến bộ phận truyền động của Lead tiếp xúc với nước nhiều khiến han gỉ và nếu để lâu ngày không bảo dưỡng khiến những bộ phận này bị hỏng.
Để xử lý vấn đề này, trước tiên phải thay đổi cách sử dụng xe sao cho đúng và ít gây hại cho xe nhất. Một việc quan trọng nữa là cần bảo dưỡng vệ sinh thường xuyên bộ phận truyền động của xe.
Xe chạy không bốc
Đây cũng là hiện tượng thường gặp trên Honda Lead sau khi sử dụng thời gian dài.
Nguyên nhân là do thói quen vừa bóp phanh vừa ga khi đèn đỏ thường xuyên khiến hệ thống côn bị mòn, cháy guốc côn và chuông côn. Bên cạnh đó, do thiết kế bánh nhỏ, trong điều kiện thời tiết mưa gió nhiều, khiến bộ phận truyền động của Lead tiếp xúc với nước nhiều khiến han gỉ và nếu để lâu ngày không bảo dưỡng khiến những bộ phận này bị hỏng.
Có hiện tượng rồ ga, trôi ga
Đây là một trong những hiện tượng khá thường gặp ở các dòng xe ga sử dụng hệ thống phun xăng điện tử Fi, trong đó Honda Lead cũng không phải ngoại lệ. Nhiều người cho biết có tình trạng xe bị rồ ga và khi trả ga cũng không có sự phản hồi ngay của bộ máy.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do đề máy khi đèn báo FI chưa tắt, không vệ sinh đường xăng gió thường xuyên dẫn đến bẩn và kẹt bướm ga hoặc kẹt mô tơ bơm xăng.
Để xử lý vấn đề này, bạn hãy mang chiếc xe của mình ra một số cửa hàng sửa xe uy tín để yêu cầu thợ sửa thực hiện những việc sau: Vệ sinh bướm ga bằng dung dịch chế hòa khí hoặc xăng, vệ sinh đầu cảm biến và kim phun. Nếu như bộ kim phun hoặc bướm ga đã bị gỉ sét thì nên thực hiện thay thế mới hoàn toàn.
Tốn nhiều xăng và hay ra khói đen
Đây là một căn bệnh rất thường gặp trên các dòng xe tay ga.
Nguyên nhân chính của hiện tượng này nằm ở bầu lọc gió rất dễ bám bụi bẩn ở các dòng xe tay ga vì thường được đặt thấp. Bụi bẩn lâu ngày bám kín vào lọc gió khiến lượng không khí vào trong buồng đốt ngày càng giảm. Vì thế sẽ gây tốn xăng hơn và lượng xăng hút vào sẽ lớn hơn, gây ra hiện tượng "ăn xăng" bất thường của xe và xả khói đen khi thừa xăng.
Để không xảy ra tình trạng này cần vệ sinh lọc gió thường xuyên và thay thế nếu lọc đã quá cũ và bẩn. Nếu là người hay quên, bạn hãy làm một cuốn sổ ghi đầy đủ lịch ngày tháng bảo dưỡng xe. Chỉ bảo dưỡng định kỳ tại những cơ sở có uy tín. Khi bảo dưỡng cần chú ý kỹ các bộ phận như lọc gió, củ đề, bugi, căn chỉnh xupáp, đường dẫn xăng, kim phun, dầu máy,...
Cạn kiệt nước làm mát
Một trong những lỗi thường gặp trên xe Honda Lead nữa là bình phụ chứa nước làm mát bị cạn.
Nguyên nhân là do thiết kế két nước của xe thường bị ẩn sau lớp mặt nạ nhựa nên người dùng thường không để ý và kiểm tra lượng nước làm mát này. Vì thế mà sau thời gian dài sử dụng, người dùng không hề biết xe đã hết nước làm mát dẫn đến tình trạng máy không được làm mát kịp thời dẫn đến việc máy quá nóng và bó pit tông. Việc này nếu để lâu dài không xử lý sẽ dẫn đến hỏng nặng bộ nòng quả đầu bò của xe.
Phương pháp xử lý vấn đề này rất đơn giản là bổ sung nước làm mát, vệ sinh két nước.
Theo Thu Hà (Cartimes.vn)