Các phương tiện được kết nối hiện đại cung cấp một kho tàng dữ liệu dồi dào, và một số thông tin trong đó đã được sử dụng để xác định phí bảo hiểm của chủ sở hữu phương tiện. Điều đáng báo động là dữ liệu lái xe có thể được sử dụng, cho dù chủ sở hữu xe có biết hay không, thường thông qua các ứng dụng lái xe do nhà sản xuất ô tô tạo ra.
Được quảng cáo tới người tiêu dùng như một công cụ được ứng dụng hóa để nâng cao sự an toàn khi lái xe, các nhà sản xuất ô tô trong toàn ngành đang cung cấp các ứng dụng thưởng cho người dùng điểm khi điểu khiển xe an toàn. Tuy nhiên, các công ty như General Motors (GM) đang bán các dữ liệu được thu thập thông qua các ứng dụng như OnStar Smart Driver cho các công ty môi giới dữ liệu, sau đó các công ty bảo hiểm sẽ sử dụng những dữ liệu này để xác định tỷ lệ bảo hiểm.
Một nguồn tin giấu tên từng làm việc tại nhà sản xuất ô tô Detroit tiết lộ với tờ New York Times rằng, doanh thu hàng năm từ việc mua bán dữ liệu lái xe này có thể lên đến ít nhất hàng triệu đô la.
Công ty bảo hiểm từ chối bảo hiểm cho chủ sở hữu Cadillac
Mặc dù các nhà sản xuất ô tô có thể thu lời từ việc bán dữ liệu lái xe của khách hàng, nhưng doanh thu đó lại gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Một số người nói rằng, họ không biết dữ liệu của mình đang được chia sẻ với các công ty bảo hiểm. Chủ một chiếc Cadillac ở Florida tiết lộ với tờ New York Times rằng, ông đã bị 7 công ty từ chối bảo hiểm và cuối cùng biết được rằng, chiếc xe của ông đã ghi nhận nhiều trường hợp phanh gấp, tăng tốc, cũng như một số trường hợp chạy quá tốc độ.
Điều đáng báo động là người lái xe nói thêm rằng, ông không hề biết rằng ứng dụng OnStar Smart Driver tồn tại, chưa bao giờ nhìn thấy ứng dụng đó trong ứng dụng MyCadillac của mình, cũng như không thể tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc đã đăng ký OnStar Smart Driver tại đại lý. Đối với những người sở hữu một số chiếc xe hiệu suất cao như Corvette, không rõ liệu các ứng dụng có khả năng nhận biết sự khác biệt giữa các thao tác như vậy khi xe vào và ra khỏi đường đua hay không.
GM thú nhận bán dữ liệu nhưng khẳng định khách hàng đã đồng ý
General Motors thừa nhận với New York Times rằng, công ty đã chia sẻ “những hiểu biết sâu sắc có chọn lọc” với các nhà môi giới dữ liệu, nhưng cho biết rằng, khách hàng đã đồng ý chia sẻ dữ liệu của họ khi ký thỏa thuận người dùng.
Không chỉ riêng GM, các nhà sản xuất ô tô khác như Kia, Mitsubishi, Hyundai, Honda và Acura cũng tích hợp ứng dụng phản hồi tài xế chia sẻ dữ liệu với các nhà môi giới. Họ cũng cho biết rằng, thông tin chỉ được chia sẻ nếu người lái xe đồng ý. Tuy nhiên, trong trường hợp của Honda, thông tin về mục đích sử dụng dữ liệu sẽ được ẩn trong tài liệu điều khoản và điều kiện dài đến 2.000 từ.
Một số thương hiệu yêu cầu sự đồng ý rõ ràng
Mặc dù không phải tất cả các nhà sản xuất ô tô đều sử dụng các hành vi lừa đảo - Kia cho biết điều đó cần có sự đồng ý bổ sung và rõ ràng từ chủ sở hữu, Subaru cho biết, họ chỉ chia sẻ dữ liệu đồng hồ đo đường với các nhà môi giới dữ liệu - thực tế là rất nhiều tài xế không biết dữ liệu của họ đang bị khai thác là điều đáng báo động đối với nhiều người.
Gần đây, Thượng nghị sĩ Edward Markey của Massachusetts đã kêu gọi Ủy ban Thương mại Liên bang điều tra việc thu thập dữ liệu từ các tài xế. Ngay cả những người ủng hộ bảo hiểm dựa trên việc sử dụng, như Giáo sư Luật Omri Ben-Sharar của Đại học Chicago, cũng đặt câu hỏi về điều mà ông mô tả là “đăng ký lén lút”. Ông tuyên bố rằng, những người lái xe biết họ đang bị theo dõi sẽ lái xe tốt hơn, nhưng lập luận cho rằng những chương trình này phục vụ lợi ích công cộng sẽ không thuyết phục khi chủ xe không biết họ đang bị theo dõi.
Theo Carscoops
CTV Khánh Linh (Vov.vn)