Tuần trước, Tesla đã quay trở lại việc giảm giá xe tại Trung Quốc nhằm tăng doanh số bán xe tại thị trường xe điện đã quá bão hòa này. Bất chấp vào tháng 7 trước đó, Tesla và các nhà sản xuất ô tô khác ở Trung Quốc đã đồng ý dừng cuộc chiến giá xe điện do lo ngại về điều luật chống độc quyền của chính phủ nước này.
Mặc dù đã giảm giá xe để thu hút người tiêu dùng, thế nhưng, các nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc vẫn đang gặp khủng hoảng và có thêm nhiều thương hiệu nguy cơ phá sản.
Nhờ có sự hỗ trợ của chính phủ, bao gồm các ưu đãi dành cho người mua xe và tài trợ trực tiếp, rất nhiều công ty khởi nghiệp xe điện của Trung Quốc đã ra mắt trong thập kỷ qua. Các nhà sản xuất ô tô cũng nhanh chóng tung ra xe điện để tranh thủ trợ cấp từ chính phủ.
Điển hình như nhà phát triển bất động sản khổng lồ Evergrande Group cũng mở thêm mảng sản xuất xe điện khi đế chế bất động sản của họ bắt đầu sụp đổ. Thế nhưng, giờ đây, đơn vị xe điện của họ cũng đang rơi vào trạng thái phá sản.
Trong vài năm qua, khoảng 400 nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc đã thất bại khi Bắc Kinh giảm trợ cấp cho ngành nhưng lại chỉ đạo tăng cường sản xuất. Các bãi phế liệu khắp Trung Quốc tràn ngập những chiếc xe điện lỗi thời, cùng với sự trống vắng người ở của các dự án phát triển nhà ở bỏ hoang, khiến thị trường xe dần bão hòa.
Gần đây, Bắc Kinh đã gia hạn miễn thuế bán xe điện để kích thích ngành công nghiệp sản xuất xe. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô vẫn đang phải giảm giá để bán những chiếc xe tồn kho, khiến cho lợi nhuận bị sụt giảm. Họ đứng trước con đường chỉ có tiến mà không thể lùi do quy định sẽ trừng phạt các nhà sản xuất có tỷ lệ xe điện/động cơ đốt trong ít.
Trong tháng 8, liên doanh của Volkswagen tại Trung Quốc đã công bố khoản ưu đãi lên tới 8.200 USD cho mẫu xe điện ID.6 X của mình. Các đại lý GM Chevrolet tại Trung Quốc đang giảm giá xe điện hơn 25%. Mặc dù xe điện hiện chiếm 1/3 doanh số bán ô tô ở Trung Quốc nhưng nguồn cung vẫn vượt xa nhu cầu. Khoảng cách này có thể sẽ tăng lên khi mức tiêu dùng của Trung Quốc suy yếu.
Cũng như bất động sản, chính phủ Trung Quốc gia tăng hỗ trợ đầu tư vào xe điện, nhưng lại phân bổ vốn không hợp lý, dẫn đến việc tiền hỗ trợ không được sử dụng hiệu quả.
Khó khăn từ thị trường xe điện Trung Quốc cũng đang nhìn thấy tương tự tại Mỹ.
Trong tháng 8, theo báo cáo của Cox Automotive, thời gian xe điện tồn kho đã tăng lên 103 ngày kể từ ngày xuất xưởng ở Mỹ, gấp đôi so với ô tô chạy bằng xăng.
Các nhà sản xuất và đại lý ô tô đang giảm giá xe điện để xử lý nguồn cung ngày càng tăng của họ. Giá xe điện trung bình đã giảm 20% so với năm 2022, xuống còn 53.438 USD, do hoạt động giảm giá của Tesla và các ưu đãi của đại lý.
Gần đây, Ford đã giảm mục tiêu sản xuất xe điện khi ngày càng thua lỗ và lượng hàng tồn kho tăng. Vào cuối tháng 6, hãng ghi nhận mẫu Mustang Mach-E đã tồn kho 116 ngày và mẫu Hummer chạy điện của GM cũng tồn kho trong 100 ngày.
Trước tình trạng trên, các nhà sản xuất ô tô truyền thống sẽ phải tăng giá ô tô chạy bằng xăng để bù đắp tổn thất về xe điện. Vào ngày 19/8, một giám đốc điều hành của United Auto Workers cho biết Stellantis đang dự kiến chuyển hoạt động sản xuất xe tải Ram 1500 từ ngoại ô Detroit sang Mexico để giảm chi phí. Để khắc phục tình trạng quá tải sản xuất xe điện do chỉ thị của Tổng thống Biden, việc quay trở lại bán xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là vô cùng cần thiết.
Hiện nay, các công ty khởi nghiệp về xe điện đang gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất, đặc biệt khi lãi suất tăng cao. Đơn cử như Lordstown Motors đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 6. Nikola Corp cũng đã đưa ra cảnh báo về hoạt động kinh doanh bất ổn trong năm 2023.
Thất bại trong kinh doanh là điều không thể tránh khỏi trong một nền kinh tế năng động, nhưng các chính phủ sẽ phải chịu trách nhiệm chính về những hậu quả do quá trình chuyển đổi sang xe điện nhanh chóng và thiệt hại có thể chỉ mới bắt đầu.
Theo Nhật Minh (VietNamNet)