Giá xe giảm mạnh
Theo cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thuế suất dành cho phụ tùng xe hơi sẽ được giảm về 0% sau 7 năm (thuế hiện hành lên đến 32%). Với ô tô nhập khẩu (trừ loại có dung tích xi-lanh lớn) giảm thuế về 0% trong vòng 10 năm. Ô tô có dung tích xi-lanh lớn (trên 3.000 cm3 sử dụng xăng hoặc trên 2.500 cm3 sử dụng diesel) giảm thuế về 0% trong vòng 9 năm.
Ngoài ra, Hiệp định còn có một Phụ lục riêng quy định về các hàng rào phi thuế đối với lĩnh vực ô tô, trong đó, Việt Nam cam kết công nhận toàn bộ Chứng chỉ hợp chuẩn đối với ô tô của EU (COC) sau 5 năm, kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
Hiện nay, ô tô châu Âu nhập khẩu về Việt Nam hầu hết là xe hạng sang như Mercedes, Audi, BMW, Land Rover; siêu sang như Rolls Royce, Bentley,... cùng một số dòng bình dân như Volkswagen, Volvo, Peugeot,... đang phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu từ 70-78% tùy loại.
Khi EVFTA có hiệu lực, việc giảm thuế cũng có hiệu lực ngay. Với 10 năm thuế về mức 0% thì bình quân một năm sẽ phải giảm thuế 7%, như vậy giá xe có điều kiện giảm. Chẳng hạn, một chiếc xe nhập nguyên chiếc từ châu Âu, động cơ 2.0L, có giá khai báo 30.000 USD đang phải chịu thuế nhập khẩu 78%. Nếu năm đầu tiên giảm thuế 7%, giá sẽ giảm 2.100 USD. Tuy nhiên, do thuế chồng thuế, nên giảm thuế nhập khẩu còn giúp giảm số tiền nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Tính ra, số tiền giảm được tới hơn 3.000 USD, tương đương với khoảng 70 triệu đồng.
Điều đáng nói, chỉ sau 3 năm giảm liên tiếp, mỗi năm giảm 7%, thì giá xe nhập khẩu từ châu Âu sẽ giảm tương đối. Cũng chiếc xe nói trên, sau 3 năm, sẽ giảm tới 10.000 USD, tương đương hơn 200 triệu đồng. Hiện một chiếc BMW 320i nhập nguyên chiếc từ Đức có giá bán khoảng 1,65 tỷ đồng, sau 3 năm khi EVFTA có hiệu lực, có thể giảm xuống chỉ còn 1,45 tỷ đồng. Còn khi mức thuế nhập khẩu giảm về 0%, thì giá chiếc xe này sau thuế chỉ còn vào khoảng 46.000-50.000 USD, tức là giảm gần một nửa so với hiện nay.
Đặc biệt, các loại xe siêu sang, siêu xe được hưởng lợi lớn. Cụ thể, một chiếc xe siêu sang có giá khai báo 300.000 USD, dung tích xi lanh 6.0L, hiện nhập về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu 70%, thuế tiêu thụ đặc biệt 150% và thuế giá trị gia tăng 10%. Tính ra, giá sau thuế vào khoảng 1,4 triệu USD. Nhưng sau 3 năm, nếu mỗi năm thuế nhập khẩu giảm 7%, thì giá sau thuế chỉ còn vào khoảng 1,23 triệu USD, giảm hơn 160.000 USD. Khi thuế giảm về 0%, chiếc xe này có giá khoảng 830.000 USD, giảm gần 600.000 USD.
Với xe lắp ráp trong nước, hiện có thuế nhập khẩu linh kiện từ 20-32%; khi thuế giảm về 0% thì giá xe cũng sẽ giảm khoảng 8-12%. Một chiếc Mercedes C 200 hiện có giá bán khoảng 1,49 tỷ đồng sẽ còn khoảng 1,35 tỷ đồng.
Bỏ xe bình dân sắm xe sang?
Tại Việt Nam đang có sự chuyển dịch từ xe bình dân lên xe sang hạng trung. Trong mấy năm gần đây, phân khúc xe sang hạng trung có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Những mẫu xe có giá bán từ 1,5 tỷ đồng - dưới 3 tỷ đồng được người tiêu dùng mua ngày càng nhiều. Cụ thể như các mẫu xe GLC, C-Class, E-Class của Mercedes Benz Việt Nam, A4, Q5 của Audi hay ES 250, NX 200T của Lexus,... thu hút rất nhiều khách hàng chuyển từ các phân khúc phổ thông lên. Điều này khẳng định, thu nhập của người Việt ngày càng cao và nhiều người đang giàu lên.
Theo tính toán của các DN, chỉ sau 3 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, những chiếc xe có giá bán từ 1,5 tỷ đồng - 3 tỷ đồng sẽ giảm từ hơn 200-400 triệu đồng do thuế giảm, thì càng có nhiều người sắm được xe sang.
Không những thế, khi thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện giảm, cũng làm cho chi phí thay thế phụ tùng với những chiếc xe đang lưu hành giảm theo.
Với cam kết trên, người tiêu dùng đang rất kỳ vọng, thời gian tới giá xe hơi nhập khẩu từ khu vực châu Âu sẽ giảm nhanh.
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn, cho rằng đó chỉ là những tính toán trên lý thuyết. Thực tế chưa chắc giá xe đã giảm như vậy. Từ đầu năm 2018, theo cam kết AFTA (Khu vực mậu dịch tự do ASEAN), thuế nhập khẩu ô tô giảm về mức 0%, nhưng giá xe không giảm như mong muốn. Nghị định 116 đã ngăn cản ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Đông Nam Á tràn về. Nhiều mẫu xe thiếu hàng, giá tăng hoặc phải mua ô tô kèm bộ phụ kiện “giá chat”.
Tuy nhiên, một số DN cho rằng, với EVFTA thì hoàn toàn khác. Hiệp định này có Phụ lục riêng, quy định về các hàng rào phi thuế đối với lĩnh vực ô tô, trong đó Việt Nam cam kết công nhận toàn bộ Chứng chỉ hợp chuẩn đối với ô tô (COC) của EU sau 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Với Phụ lục này thì các rào cản ngăn xe nhập khẩu từ châu Âu về, nhất là những rào cản nặng tính hành chính, sẽ bị loại bỏ tối đa. Còn những rào cản về kỹ thuật sẽ không làm khó được xe châu Âu. Vì vậy, xe châu Âu sẽ dễ dàng vào Việt Nam.
Tất cả các dòng xe từ châu Âu được nhập về Việt Nam từ trước đến nay luôn có giá cao ngất ngưởng do thuế phí cao. Người tiêu dùng đang mong muốn mua được một chiếc xe, với mức giá thấp hơn đi cùng chất lượng tốt hơn.
Theo Trần Thủy (VietNamNet)