Sáng 26/2, đoàn tàu bọc thép nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến ga Đồng Đăng, Lạng Sơn để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội. Đoàn tàu bọc thép màu xanh của ông Kim Jong Un đã quá quen thuộc với truyền thông thế giới do được sử dụng từ đời cha ông - cố lãnh đạo Kim Jong Il. Điều đặc biệt là ở lần sang Việt Nam đầu tiên, đoàn tàu này được kéo bởi một đầu máy được sơn màu đỏ - vàng và có biểu tượng của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc. Đây không phải là đầu máy duy nhất làm nhiệm vụ đưa đoàn tàu bọc thép của ông Kim Jong Un sang Việt Nam lần này. Trước đó, ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất diễn ra tại Singapore vào năm 2018, ông Kim Jong Un cũng di chuyển bằng phương tiện của Trung Quốc - chiếc máy bay Boeing 747-4J6 của hãng Air China. Ảnh: Jayakarta News Những ai đã theo dõi các kỳ hội nghị thượng đỉnh có sự góp mặt của ông Kim Jong Un đều sẽ nhận ra: chỉ hai lần hội nghị Liên Triều với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Bàn Môn Điếm, ông Kim Jong Un không nhờ đến các phương tiện của Trung Quốc. Tất cả các lần hội nghị còn lại, bao gồm 4 lần hội nghị với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hai lần hội nghị với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Kim đều nhờ đến các phương tiện của Trung Quốc để di chuyển đường dài. Ảnh: Reuters Trong cả 4 lần hội nghị với ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Triều Tiên đều di chuyển bởi đoàn tàu màu xanh được kéo bởi đầu máy DF11Z thuộc Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc. Có đến 3 đầu máy DF11Z được trang bị cho đội tàu của ông Kim Jong Un. Theo truyền thông Hàn Quốc, trong lần hội nghị hồi tháng 3/2018, đoàn tàu của ông Kim Jong Un được kéo bởi đầu máy của Triều Tiên. Đến thành phố Đan Đông, đầu máy DF11Z được thay thế và làm nhiệm vụ kéo tàu bọc thép của ông Kim Jong Un trên quãng đường đến Bắc Kinh. Ảnh: KCNA DF11Z là biến thể của đầu máy DF11, tên đầy đủ là Dongfeng 11 (Đông Phong 11). Đầu máy này là loại diesel truyền động điện tốc độ cao được sản xuất bởi Công ty sản xuất đầu máy xe lửa Qishuyan Trung Quốc và được sử dụng bởi Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc. DF11Z được cung cấp sức mạnh bởi động cơ diesel 16V280ZJA và động cơ điện 3 pha, cho tổng công suất hơn 4.000 mã lực và vận tốc tối đa 160 km/h. Ảnh: Wikimedia Commons Trong chuyến đi đến Việt Nam lần này, đoàn tàu bọc thép của ông Kim Jong Un cũng được kéo bởi đầu máy DF11Z từ nhà ga Pyongyang của Triều Tiên đến Nam Ninh, Trung Quốc, khởi hành lúc 16h30 ngày 23/2. Ảnh: Reuters Đầu máy DF11Z sau đó được rồi đổi qua đầu máy DF4D sơn màu đỏ - vàng. Đầu tàu DF4D này đã đưa đoàn tàu bọc thép của ông Kim Jong Un tới ga Lạng Sơn của Việt Nam vào sáng ngày 26/2. DF4D là biến thể của DF4 - loại đầu máy thế hệ cũ hơn so với DF11Z. Ảnh: EPA-EFE Đầu máy DF4 (Đông Phong 4) là mẫu tiền bối của DF11Z và cũng được sản xuất bởi Công ty sản xuất đầu máy xe lửa Qishuyan Trung Quốc. Ra mắt lần đầu tiên vào năm 1969, đầu máy DF4 vẫn được sản xuất cho đến năm 2007 với nhiều biến thể như DF4A, DF4B, DF4C, DF4D, DF4DJ, DF4DD và DF4E. Tại Trung Quốc, đầu máy DF4 được sử dụng cho cả vận chuyển hành khách và hàng hóa. Ảnh: Wikipedia Sử dụng động cơ diesel 16V240ZJ, DF4 có công suất 3.940 mã lực (các biến thể khác có thể cho ra mức công suất khác nhau). Các biến thể của DF4 có vận tốc tối đa dao động từ 100 km/h đến 170 km/h. Đầu kéo có biệt danh ''dưa hấu'' còn được sử dụng ở Triều Tiên với 2 biến thể là DF4A và DF4B. Ảnh: Wikipedia Trưa 3/2, đoàn tàu bọc thép cùng đầu kéo DF4D mang số hiệu 3058 đã chờ sẵn tại ga Đồng Đăng và chuẩn bị đưa ông Kim Jong Un về Triều Tiên. Đây chính là đầu kéo đã đưa đoàn tàu của ông Kim sang Việt Nam ngày 26/2. Ảnh: Reuters Theo Thượng Tâm (Tri Thức Trực Tuyến)