Bất chấp 'bão' giảm giá, sức mua ô tô vẫn giảm mạnh

12/07/2018 14:42:08

Cơn bão giảm giá cũng như nỗ lực kích cầu của các nhà cung cấp cũng không nâng nổi sức mua ô tô của tháng 6.

Thị trường ô tô Việt Nam tháng 6 tiếp tục chứng kiến cuộc đua giảm giá ô tô, trong đó có nhiều mẫu xe giảm từ chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng để thu hút khách hàng như mẫu sedan cỡ trung cao cấp Nissan Teana hay dòng xe Chervolet, Ford Focus.

Bất chấp 'bão' giảm giá, sức mua ô tô vẫn giảm mạnh

Tuy nhiên, nỗ lực kích cầu của các hãng xe vẫn không thể cứu vãn được tình trạng suy giảm sức mua ô tô của thị trường trong tháng 6.

Theo Báo cáo của Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn thị trường tháng 6 đạt 21.913 xe, gồm 15.185 xe du lịch, 6.281 xe thương mại và 447 xe chuyên dụng. So với tháng 5, xe du lịch giảm 1%, xe thương mại giảm 8% và cao nhất là xe chuyên dụng với 42%. Toàn thị trường giảm 5% so với tháng trước.

Tính đến hết tháng 6, tổng thị trường bán được 126.086 xe, trong đó xe lắp ráp là 106.638 chiếc và xe nhập khẩu 19.039 xe. Xe lắp ráp tăng 10% trong khi xe nhập khẩu giảm tới 49% so với cùng kỳ 2017. Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 6% so với cùng kì năm ngoái.

Sự hồi phục của xe lắp ráp trong nước được đánh giá đó là sau giai đoạn một số hãng xe hạn chế nhập khẩu linh kiện hồi cuối năm 2017 để chờ hưởng thuế ưu đãi 0%, đến nay đã gần như đảm bảo được nguồn linh kiện để phục vụ hoạt động sản xuất, lắp ráp.

Trong đó những rào cản của Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh ôtô có hiệu lực từ đầu năm 2018 vẫn khiến cho thị trường ô tô nhập khẩu không khởi sắc. 

Đặc biệt, số lượng xe về nhỏ giọt lý giải cho mức sụt giảm doanh số tới gần 50% của dòng xe nhập ngoại.

Bất chấp 'bão' giảm giá, sức mua ô tô vẫn giảm mạnh - 1
Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 6% so với cùng kì năm ngoái.

Tỷ lệ sụt giảm sức mua 6% chưa phải là một con số quá lo ngại, nhưng lại diễn ra trong thời điểm mà các nhà cung cấp nỗ lực kích cầu bằng loạt giảm giá các mẫu xe được ưa chuộng cũng như thuế suất nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước nội khối ASEAN đã giảm xuống còn 0% khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh ô tô vừa và nhỏ quan ngại về bức tranh thị trường ô tô có thể không mấy tươi sáng trong nửa sau năm 2018.

Tuy nhiên, cũng có những nhận định của doanh nghiệp cho rằng sức mua ô tô trong tháng 6 "hạ nhiệt" do rơi vào mùa mua sắm thấp điểm, đà mua của người tiêu dùng và thị trường sẽ khởi sắc vào các tháng cuối năm.

Đặc biệt, bước sang tháng 7, các hãng xe lớn đã cho cập cảng nhiều mẫu xe từ Thái Lan, Indonesia. Một số hãng xe như Toyota hay Honda chuẩn bị ra mắt thị trường những mẫu xe mới, hứa hẹn thị trường sẽ có bước hồi phục đáng kể về sức mua, tương tự như kịch bản của thị trường cuối năm 2017.

"Xe nhập khẩu đã được đưa về nước với số lượng khá lớn và dự kiến giao xe cho khách trong quý 4/2018. 

Điều này sẽ là tiền đề để sức mua tăng mạnh trở lại vào những tháng cuối năm, thường bắt đầu vào tháng 9", anh Ngọc (chủ doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu ở Hà Nội) khẳng định.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô cũng nhận định, những biến động về lượng xe nhập khẩu Thái Lan, Indonesia về nước sẽ tác động nhiều đến thị trường ô tô nửa cuối năm. 

Kịch bản ồ ạt giảm giá ô tô sẽ có thể chững lại nếu "cơn khát" xe nhập được giải quyết, nguồn xe dồi dào hơn. Ngược lại, nếu lượng xe nhập không đáng kể thì giá xe lắp ráp trong nước có thể sẽ vẫn giảm để kích cầu.

Trong bức tranh sức mua giảm của tháng 6, Toyota là thương hiệu nổi lên với lượng tiêu thụ xe nhiều nhất, là 4.268 xe. Vinamazda đã vươn lên vị trí số 2 với 2.681 xe. Thaco Kia bán được 2.354 xe.

Từ đầu năm, những mẫu xe có doanh số tốt, thường xuyên lọt vào danh sách ôtô bán chạy hàng tháng như Hyundai i10( 2.156 xe), Toyota Vios, Huyndai Acent, Mazda3 (1.220 xe), Mazda CX-5 (1.130 xe) vẫn nằm trong top những mẫu ô tô bán chạy nhất tháng 6. Dự kiến, thời gian tới, các mẫu xe này vẫn có sức tăng doanh số ngoạn mục.

Theo Hoàng Linh (Nhịp Sống Kinh Tế)