Kính chắn gió ảo : Công nghệ của Jaguar Land Rover giúp biến kính chắn gió của xe thành một màn hình thông minh. Với việc hiển thị đầy đủ các thông số như tốc độ, số đang cài, đường đua ảo hoặc thậm chí cả việc giả lập “xe ma”, công nghệ này mang lại cảm giác lái vô cùng thú vị, giống như trên các tựa game đua xe. Đèn pha chỉnh hướng theo mắt : Được phát triển bởi Opel, công nghệ đèn pha có khả năng điều chỉnh hướng chiếu sáng theo hướng nhìn của tài xế. Hệ thống này hoạt động nhờ vào một camera tích hợp cảm biến, có nhiệm vụ “quét” mắt người lái và ước tính tầm quan sát, sau đó đèn pha sẽ tự điều chỉnh theo hướng phù hợp. Kính chắn gió rung : Mô phỏng kính chắn gió của máy bay chiến đấu, phát minh của McLaren ra đời đồng nghĩa với việc loại bỏ toàn bộ cần gạt nước trên kính trước của xe. Công nghệ này sử dụng sóng âm với tần số cao, tạo độ rung nhất định khiến nước mưa cũng như bụi bẩn không thể bám dính trên bề mặt kính chắn gió. Hệ thống treo điện từ : Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, công ty chuyên về thiết bị âm thanh Bose bất ngờ lấn sân sang mảng ôtô với dự án hệ thống treo điện từ Bose. Bản chất của công nghệ này dựa vào kết cấu nam châm - cuộn điện từ vốn có trong loa phóng thanh. Nhờ vậy, hệ thống này kiểm soát độc lập từng bánh xe, từ đó thích ứng với bề mặt đường, tăng khả năng giảm chấn của xe. Vỏ xe sợi carbon tích hợp pin : Phần nặng nhất của mỗi chiếc xe điện là ắc quy. Vì thế, việc năng lượng được tích hợp và lưu trữ trực tiếp trên tấm thân của xe sẽ giúp giảm trọng lượng, đồng thời tối ưu hóa không gian. Công nghệ này từng được Volvo thử nghiệm vào năm 2013, với chiếc S80 sở hữu phần nắp ca-pô, cốp, cửa và tấm trần làm bằng vật liệu mới. Lốp xe tạo điện : Ứng dụng tính vật lý của hiệu ứng áp điện, Goodyear từng đưa ra ý tưởng về loại lốp làm bằng vật liệu áp điện có khả năng tự tạo ra điện năng khi ôtô đang di chuyển. Khi xe vận hành càng nhiều, tính ma sát của mặt đường càng lớn, thì pin xe càng được sạc đầy. Thậm chí, loại lốp này cũng có khả năng "quang hợp" khi có thể tự sản sinh năng lượng điện thông qua việc hấp thụ ánh sáng mặt trời Hộp khóa sóng điện thoại : Lấy cảm hứng từ chiếc lồng Faraday, công nghệ Signal Shield của Nissan giúp tài xế tập trung hơn trong quá trình điều khiển xe. Chiếc hộp có thiết kế khá đặc biệt với một lớp lưới dây kim loại lót đáy, có khả năng chặn mọi tín hiệu sóng của smartphone được đặt bên trong, từ đó ngăn các tài xế khỏi sự cám dỗ của việc sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Xe biến hình : Ý tưởng công nghệ xe biến hình được BMW giới thiệu thông qua concept Vision Next 100 năm 2016. Được xây dựng trên nền tàng khung gầm cấu trúc không gian, đi kèm tấm thân làm bằng chất liệu đặc biệt, chiếc xe này có khả năng thay đổi hình dạng của mình một cách linh hoạt. Đột phá hơn, đèn pha của xe còn hoạt động với cơ chế đóng, mở như mắt con người. Theo Hà Phong (Tri Thức Trực Tuyến)