Với hơn 40% diện tích lãnh thổ là đồi núi, Việt Nam có sự đa dạng về sinh thái cũng như nhiều cảnh đẹp. Bên cạnh đó, đồi núi cũng mang đến những cung đường đèo đầy nguy hiểm.
Để tránh những tai nạn đáng tiếc, tài xế cần tuân thủ luật giao thông cũng như tự trang bị các kỹ năng lái xe an toàn ở các đoạn đường đèo, vùng đồi núi. 10 lưu ý sau đây được đưa ra bởi Driving Tests có thể giúp bạn an toàn vượt qua những cung đường đèo hiểm trở.
1. Kiểm tra phanh, lốp trước mỗi chuyến đi
Đối với xe khách nói riêng và các phương tiện giao thông nói chung, phanh là một trong những bộ phận quan trọng nhất của xe, ảnh hưởng đến sự an toàn của xe. Cần kiểm tra dầu phanh và các dây dẫn dầu để bộ phận này luôn ở trong tình trạng tốt nhất.
Đối với dầu phanh, cần thay mới sau một thời gian sử dụng để cho hiệu suất phanh tốt nhất. Bạn cũng nên kiểm tra tương tự với lốp xe. Bề mặt và áp suất lốp cũng ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất vận hành của xe. Luôn trang bị sẵn lốp dự phòng.
2. Nắm rõ nguyên lý chuyển động của xe trên đường cong nói chung
Để giữ an toàn trên đường đèo hay đường cong nói chung, tài xế cần nắm rõ nguyên lý chuyển động của xe trên loại đường này. Khi vào đường cong, trên xe sẽ tồn tại 2 loại chuyển động: chuyển động của bánh xe và chuyển động của thân xe theo quán tính.
Nếu 2 chuyển động này bị lệch hướng, xe sẽ bị trượt đi một cách mất kiểm soát. Vì vậy, hãy di chuyển với tốc độ đều, tăng tốc hoặc giảm tốc đột ngột trên đèo có thể khiến xe bạn rơi xuống vực.
3. Giảm tốc độ trước khi vào khúc cua
Các ngọn đèo trên khắp thế giới sẽ có những đoạn đường thẳng đan xen với những đoạn đường cong (khúc cua). Do ức chế vì chạy quá chậm trong đường cong nên khi ra đoạn đường thẳng, một số tài xế ra sức đạp ga. Thói quen này vô cùng nguy hiểm.
Nếu bạn tăng tốc quá nhanh trên đường thẳng, đến đoạn đường cong tài xế bất ngờ, đánh lái gấp thì xe sẽ bị trượt. Nên nhớ, đoạn đường thẳng thường là cạm bẫy và hãy giảm tốc khi thấy biển báo hiệu đường cong ở phía trước.
4. Tạo góc lái rộng nhất có thể khi vào cua
Bên cạnh việc giảm tốc, tài xế cần tạo góc lái đủ rộng để không phải đánh lái quá gắt, có thể va quẹt vào núi hay ta-luy. Ví dụ, nếu gặp cua bên phải thì hãy di chuyển sang trái đôi chút rồi mới đánh lái sang phải, giữ đều vận tốc và vô-lăng để tránh tình trạng xe bị trượt mất kiểm soát. Sau đó, bạn có thể thoát ra đoạn cua một cách dễ dàng.
5. Hạn chế lấn sang làn đường ngược lại khi vào cua
Đa số các đoạn đường đèo thường chỉ có 2 làn cho cả 2 chiều đi. Vì vậy, khi vào cua, các tài xế thường lấn sang làn đường đối diện để mở rộng góc lái. Nếu thiếu quan sát, tài xế có thể gây ra vụ đâm xe trực diện ngay tại khúc cua.
Tài xế cần bấm còi và quan sát các gương cầu lồi đặt ngay góc cua để quyết định góc lái như thế nào. Hiện nay, các đoạn cua thường được làm rộng để hạn chế việc lấn làn mở rộng góc lái.
6. Hạn chế tăng tốc đột ngột khi ra khỏi khúc cua
Tài xế nên hạn chế tăng tốc đột ngột khi chuẩn bị ra khỏi khúc cua vì có thể khiến xe bị trượt và mất lái. Tuy nhiên, tài xế có thể tăng tốc nhanh dần đều khi đã đảm bảo an toàn.
7. Xử lý khi xe bị trượt ở khúc cua
Khi chân ga, phanh và vô-lăng không hoạt động theo ý bạn, đó là lúc xe bạn đã bị trượt. Ngay lúc này, cần bỏ chân ra khỏi phanh và ga để xe tự giảm tốc độ nhờ lực phanh của động cơ. Những hành động lúc hoảng loạn như đạp phanh gấp hay đạp ga sẽ khiến xe bạn nhanh lao xuống vực hơn.
Tay vẫn giữ nhẹ vô-lăng nhưng lưu ý đừng bẻ lái đột ngột, tình trạng sẽ thêm tệ hại. Khi bạn cảm nhận xe đã chậm dần, hãy đạp nhẹ chân phanh và đảo nhẹ vô-lăng theo hướng bạn muốn. Một chút bình tĩnh và khôn khéo sẽ giúp bạn thoát nạn trong tình huống này.
8. Dùng vách núi để phanh
Nếu đã sử dụng kỹ năng thứ 7 mà xe vẫn không thể dừng lại, tài xế nên lựa chọn một vách núi bằng phẳng để dừng xe bất đắc dĩ. Lực ma sát cực lớn giữa xe với vách núi sẽ giúp xe giảm tốc độ nhanh chóng. Xe sẽ hư hỏng đôi chút nhưng đó là cách sau cùng để xe không rơi xuống vực.
9. Gặp sương mù, mưa trên đèo
Địa hình đồi núi thường nằm trên cao và rất dễ có sương mù. Sương mù làm giảm tầm nhìn rất nhiều khi ở trên đường đèo. Hãy chạy chậm và bật cả đèn chiếu gần, đèn sương mù và đèn định vị (nếu có) để thông báo cho các phương tiện còn lại. Hãy làm điều tương tự khi gặp trời mưa.
10. Luôn tập trung, bình tĩnh và quan sát tốt khi vào đường đèo
Một trong những yếu tố chủ quan quan trọng nhất khi đi đèo là người tài xế phải luôn trong tình trạng tỉnh táo nhất. Nếu có dấu hiệu buồn ngủ hoặc sức khỏe không đảm bảo, tài xế cần dừng xe lại và nghỉ ngơi trong khoảng 30 phút. Thời gian này không quá dài những cũng đủ giúp tài xế trở nên tỉnh táo và có hành trình an toàn.
Theo Thượng Tâm (Tri Thức Trực Tuyến)