Xử trí với chứng lo âu, căng thẳng tâm lý khi trẻ bắt đầu đi học

29/07/2023 22:53:47

Khi bắt đầu đi học mầm non hoặc tiểu học, nhiều bé rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng tâm lý và rất sợ đi học. Sự chia sẻ và đồng hành của cha mẹ sẽ giúp con vượt qua khó khăn này.

Khi bé Bo được 3 tuổi, vợ chồng anh Hoàng Nam ở Hà Nội quyết định cho con đi học mầm non. Mặc dù trước đó, đã có một vài lần anh đưa con đến trường để làm quen nhưng khi thực sự phải đi học, mỗi buổi sáng, bé Bo thường xuyên khóc lóc, không muốn đi. Tình trạng này kéo dài gần nửa năm, nhưng anh Nam không để ý mà coi đó như chuyện bình thường.

Từ khi bắt đầu vào lớp 1, bé Thanh Tùng – con chị Lê Hiên ở Hà Nội – hình thành một thói quen khó bỏ. Đó là mỗi buổi sáng, trước khi đi học, bé thường xuyên kêu đau bụng và chạy vào nhà vệ sinh ngồi rất lâu. Do con không chia sẻ và quá bận rộn nên chị Hiên chỉ giục con làm mọi việc cho nhanh để đi học mà không mấy quan tâm đến trạng thái tâm lý của con.

Xử trí với chứng lo âu, căng thẳng tâm lý khi trẻ bắt đầu đi học
Cha mẹ nên chia sẻ với những cảm xúc lo âu, hay căng thẳng của con khi bắt đầu đi học

Câu chuyện của các bé con anh Nam và chị Hiên không phải là chuyện hiếm gặp ở các gia đình. Tuy nhiên, cho rằng con trẻ chỉ làm nũng, ham chơi hơn đi học mà nhiều bậc cha mẹ không biết rằng trẻ cũng có những lo âu, căng thẳng khi bắt đầu làm quen với một môi trường mới.

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam cho biết, khi bắt đầu đi học mầm non hoặc lớp một là trẻ bắt đầu rời xa vòng tay của cha mẹ, người thân và chuyển sang một môi trường mới mẻ, lạ lẫm. Những trẻ có tính cách mạnh bạo thì thường thích nghi nhanh nhưng với những trẻ nhút nhát thì đó là điều rất khó khăn. Bố mẹ cần nhận ra sự khác nhau của mỗi đứa trẻ. Khi trẻ khóc lóc, sợ hãi hoặc có những biểu hiện về thực thể như đau bụng, đau đầu... thì đây là cách phản ứng của trẻ, cha mẹ nên tìm hiểu nguyên do chứ không nên vội vàng tức giận hay mắng mỏ trẻ. Bởi vì điều đó chỉ làm cho con trẻ sợ hãi hơn và việc thích nghi trở nên khó khăn hơn mà thôi.

“Tôi muốn nhấn mạnh, các bậc cha mẹ nên có sự trao đổi và chia sẻ với con về mặt cảm xúc và giúp cho con bình tĩnh khi bắt đầu đến một ngôi trường mới. Hãy giải thích cho con, đó là môi trường hoàn toàn an toàn và bố mẹ đang đồng hành cùng con. Các bạn nhỏ sẽ yên tâm và nếu chúng ta hỗ trợ, động viên thì có thể giúp trẻ thích nghi dần dần. Chúng ta không quá lo lắng bởi sự căng thẳng, lo âu của trẻ chỉ diễn ra trong khoảng thời gian đầu”, Ths Vũ Thu Hà chia sẻ.

Trường hợp trẻ lo âu, căng thẳng một cách thái quá và trong một thời gian dài không thích nghi được với môi trường mới, thạc sĩ Vũ Thu Hà khuyên các bậc cha mẹ nên đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn: “Khi mức độ lo lắng, sợ hãi của trẻ quá lớn thì phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý cho các con và bố mẹ. Bố mẹ cũng học các kỹ năng trong cuộc sống gia đình để còn giúp đỡ con. Bởi vì nếu chúng ta không hỗ trợ con đúng phương pháp để giải quyết thì những vấn đề về tinh thần của con mãi mãi không bao giờ thay đổi được”.

Năm học mới đang đến gần,để giúp trẻ làm quen với môi trường mới trước khi bước vào bậc học mầm non và lớp 1, thạc sĩ Vũ Thu Hà khuyên các bậc cha mẹ nên dành thời gian đưa con đến trường, giới thiệu cho con về cô giáo, các bạn, bác bảo vệ, cái cây, sân chơi trong trường. Đồng thời có thể giúp con kết thân với 1-2 bạn trong lớp, trẻ sẽ thích đi học khi được tương tác với các bạn.

Khi con đi học, các bố mẹ cũng nên quan sát, để ý đến những biểu hiện của trẻ để biết con buồn hay vui, con có những cảm xúc tiêu cực hay áp lực học hành không? Hoặc hỏi han con ăn ngủ, học hành ở trường ra sao, chơi với ai, có chuyện gì ở lớp hay không…. Từ đó, bố mẹ chia sẻ những cảm xúc sợ hãi của con, trấn an tâm lý và hướng dẫn bé những kỹ năng giải quyết. “Tôi tin rằng khi bố mẹ đồng hành cùng con thì hoàn toàn có thể giúp trẻ đến trường một cách tự tin”, Ths Vũ Thu Hà bày tỏ.

Theo Ánh Tuyết (Vov.vn)

Nổi bật