Mới đây, một cặp vợ chồng ly hôn ở Giang Tây giật con ngay trước cổng trường khiến dân tình chú ý và bàn tán sôi nổi. Được biết, ngày 9/9, tại cổng một trường học ở Giang Tây, một người phụ nữ đã đến đón con tan học. Nhưng không lâu sau khi cô đón con, một người đàn ông đã bước tới giật đứa trẻ khỏi tay người phụ nữ và cãi vã gay gắt, trong khi đứa trẻ ôm mẹ khóc nức nổ. Tình huống lộn xộn trước cổng trường khiến người ta thật khó làm ngơ.
Hóa ra người đàn ông này chính là cha của đứa trẻ. Hai vợ chồng đã ly hôn. Vào thời điểm xảy ra sự việc, quyền nuôi con nằm trong tay cha của đứa trẻ, mẹ của đứa trẻ dường như đã đồng ý với chồng cũ về thời gian đến thăm con. Tuy nhiên, rõ ràng là vào thời điểm xảy ra vụ việc, người mẹ không có mặt theo thời gian quy định của cha đứa trẻ. Chồng cũ tức giận vì họ đã thỏa thuận thời gian cố định phải gặp con.
Người đàn ông hét lên: "Biến đi, đừng làm phiền hai chúng tôi, hãy sống cuộc sống của riêng mình!" Người phụ nữ trả lời: "Anh đang làm gì vậy, nó là con tôi!". Lời quở trách giận dữ của người cha không làm người mẹ buông tay mà càng ôm con chặt hơn, đứa trẻ nhìn thấy ánh mắt nghiêm nghị và lời nói hung dữ của cha, nó rất sợ hãi và bật khóc nhưng vẫn ôm chặt lấy mẹ. Có thể thấy đứa trẻ có tình cảm sâu sắc với mẹ.
Cảnh tượng sau khi được chia sẻ trên mạng cũng thu hút rất nhiều sự chú ý và bình luận. Đa số cho rằng cặp vợ chồng quá ích kỷ khi chỉ quan tâm tới cảm xúc của bản thân mà không để ý tới con cái. Một số người lại nhận định cặp đôi vẫn còn tình cảm với nhau nên mới tranh giành con cái như vậy. Họ dù sao cũng là cha mẹ, đều yêu thương con nhưng cách xử lý không phù hợp.
Cha mẹ ly hôn, con cái chính là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Câu chuyện của cặp đôi khiến nhiều người nhận ra rằng, khi đã có con, mọi chuyện đều phải suy nghĩ kĩ càng. Ly hôn không có nghĩa là từ bỏ trách nhiệm với con cái. Ngược lại, cha mẹ càng cần phải cố gắng bù đắp, tạo môi trường yêu thương cho con nhiều hơn để con tránh bị thiệt thòi.
Nếu cả hai không thể bình thường sau ly hôn thì cũng không nên cãi vã trước mặt con cái. Việc này sẽ khiến chúng bị ám ảnh mãi về sau.
"Tình yêu thương của cha mẹ là tài sản quý giá nhất của con cái nhưng tình yêu thương cũng phải đúng mức và có chừng mực. Đừng để con cái trở thành nạn nhân. Tôi mong mọi đứa trẻ đều có thể có một tuổi thơ hạnh phúc và tuyệt vời", một người bình luận.
Thực tế, ai chẳng mong muốn một gia đình hòa thuận, hạnh phúc nhưng luôn có một số chuyện vụn vặt khiến mối quan hệ rạn nứt, dẫn đến bố mẹ ly hôn.
Ly hôn đồng nghĩa với việc con cái mất đi một gia đình trọn vẹn và không còn được tận hưởng niềm hạnh phúc khi cha mẹ ở bên nhau. Và đứa trẻ đã sớm trở nên nhạy cảm và chấp nhận một số tranh chấp mà trước đây chưa từng tồn tại.
Trong phần cuối của đoạn clip, người cha nắm lấy cậu bé và kéo đi, người mẹ có thể sợ con sẽ bị thương nên buông tay. Sau đó cô bắt đầu khóc: "Khi nào tôi mới gặp được con? Nó là con tôi. Tôi muốn gặp nó, tại sao tôi không thể gặp đứa con do mình sinh ra chứ?"
Trước tiếng khóc của mẹ đứa trẻ, người cha không hề nao núng mà vẫn kiên quyết nói: “Vẫn chưa đến lúc, cô không được đến gặp nó!” rồi tóm lấy con mình kéo đi.
Ai có thể xem cảnh này mà không đau lòng, đứa trẻ đã trải qua cuộc ly hôn của cha mẹ khi còn nhỏ như vậy, ngay cả việc gặp mẹ cũng đã trở thành một điều xa xỉ. Nó chỉ có thể gặp mẹ trong khoảng thời gian nhất định. Nếu người cha thực sự yêu thương đứa trẻ, sao anh có thể làm điều này?
Nhiều cư dân mạng cho rằng: Tại sao chúng ta không thể cho trẻ em quyền lựa chọn? Trẻ em là những cá thể độc lập và có suy nghĩ riêng. Tại sao người lớn lại phải đưa ra quyết định?
Thực ra có lẽ cả hai đều rất yêu thương con, nếu không sẽ không đấu tranh vì con, nhưng sẽ là sai lầm nếu mâu thuẫn giữa hai người ảnh hưởng đến con cái. Vì yêu con thì tại sao không cho nó quyền lựa chọn, hoặc để nó tự do gặp gỡ đối phương, để nó lớn lên khỏe mạnh, không bị tổn thương. Điều quan trọng nhất là con được sống hạnh phúc. Đứa trẻ trong video chắc hẳn rất tổn thương, có nhiều bạn cùng lớp theo dõi như vậy, sau này làm sao có thể đối mặt với bạn bè? Nhân danh thương con mà thực chất lại làm những việc có hại cho chúng.
Nhượng bộ lẫn nhau để con cái vẫn có thể lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ mới là tình yêu đích thực dành cho con cái.
PN (SHTT)