Mới đây, trên nhiều trang mạng xã hội chia sẻ thông tin một cháu bé 2 tuổi ở Hà Nội đang phải điều trị HIV sau khi sử dụng sữa được mẹ xin về. Ngay sau khi thông tin trên xuất hiện, rất nhiều người hoang mang và lo lắng vì hiện có nhiều ngân hàng sữa được lập ra, và không ít mẹ đến xin sữa trữ đông về cho con ăn.
PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường - GĐ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), chuyên gia đầu ngành về phòng và điều trị HIV cho biết, thông tin chia sẻ trên mạng rất mập mờ, không có tính xác thực, vì vậy mọi người không nên hoang mang. “Đây có lẽ là 'tin vịt' bởi không ai có thể khẳng định cháu bé bị nhiễm HIV là do xin sữa ở ngoài hay vì nguyên nhân nào khác. Trường hợp xin sữa ngoài thì xin của ai, bú trực tiếp hay uống sữa cũng không rõ. Vì thế mọi người khi đọc thông tin trên mạng cần biết chọn lọc và cân nhắc”, PGS Đỗ Duy Cường cho hay.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung - nguyên Trưởng khoa Sản (Trung tâm y tế Lao động Thái Hà, BV Nông nghiệp) cho rằng, về lý thuyết, HIV có thể lây qua sữa hoặc đường bú nhưng không dễ dàng. Đặc biệt, trong xã hội hiện đại con cái luôn được coi là “báu vật” thì việc để lây bệnh truyền nhiễm như HIV qua đường sữa dường như là điều không thể.
Cả hai chuyên gia đều nhận định, khả năng lây nhiễm cao nhất là khi người mẹ nhiễm HIV cho con bú, virus từ sữa mẹ có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi bị tổn thương của trẻ. Hoặc trong trường hợp vú mẹ có viêm nhiễm, có vết nứt hay khi trẻ mọc răng cắn gây chảy máu thì HIV có thể theo máu vào miệng trẻ, xâm nhập qua niêm mạc bị tổn tương trong khoang miệng trẻ.
Như vậy có thể thấy, nếu đứa trẻ được dùng sữa xin bên ngoài theo kiểu bú trực tiếp từ người cho bị HIV thì có nguy cơ lây nhiễm cao hơn là xin sữa đã được trữ đông. Tuy nhiên, bác sĩ Kim Dung cho rằng, câu chuyện này chỉ có ở thời xưa hoặc vùng quá khó khăn. Ngày nay khi có nhiều loại sữa dành cho trẻ sơ sinh, vì một lý do nào đó mẹ mất sữa thì các gia đình sẵn sàng nuôi con bằng sữa công thức, chứ thường không cho trẻ đi bú nhờ kiểu như vậy.
Đặc biệt, các ngân hàng sữa mẹ hiện nay (ở các bệnh viện, cơ sở y tế) đều có quy trình tiếp nhận sữa mẹ rất bài bản, người cho sữa phải khỏe mạnh, được xét nghiệm loại trừ các bệnh truyền nhiễm, chứ không phải ai cho sữa cũng được nhận để sau đó cho những trẻ khác dùng.
Đối với việc xin sữa đã trữ đông, khả năng lây nhiễm HIV lại càng thấp hơn. Bởi virus HIV không bền vững ở môi trường bên ngoài cơ thể, trong khi sữa trữ đông có thể trữ từ vài tuần, thậm chí là 6 tháng mới sử dụng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở nhiệt độ 4 độ C virus HIV có thể tồn tại ít nhất 1 tuần trong máu khô.
Tuy nhiên, HIV lại rất kỵ với nhiệt độ cao, chúng có thể bị tiêu diệt với nhiệt độ chỉ 60 độ C. Do vậy, với trường hợp người mẹ nhiễm HIV, hoặc những người đi xin sữa về cho con uống hoàn toàn có thể đun sôi sữa để diệt virus HIV, sau đó làm lạnh ngay (ngâm vào nước lạnh) rồi mới cho trẻ ăn. Đây là cách Viện Dinh dưỡng tư vấn và khuyến khích sử dụng đối với những người mẹ bị nhiễm HIV sinh con và nuôi con bằng sữa mẹ.
Theo Lê Phương (Tri thức & Cuộc sống)