Mới đây, cộng đồng mạng đang xôn xao trước thông tin một tài khoản Facebook tên H.N đã có một bài đăng bày tỏ quan điểm về phần thi tranh biện bằng tiếng Anh từ 4 năm trước trong chương trình The Debaters (hay Trường Teen) của nữ sinh M.A - cựu học sinh trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội). Được biết, M.A hiện đã đi du học.
Trong bài đăng của mình, H.N đã dùng khá nhiều từ ngữ gay gắt, thậm chí có phần tiêu cực, phản cảm để đánh giá về tiếng Anh của M.A cũng như phần thể hiện của nữ sinh. H.N nhận xét M.A nói tiếng Anh có vẻ rất mượt (như được chuẩn bị sẵn) nhưng cách M.A nói - theo quan điểm của H.N không phải là... tiếng Anh mà là "một mớ ngôn ngữ, từ vựng, ngữ pháp hổ lốn được chắp ghép vào với nhau để tạo ra một câu mà người ta gọi là 'Tranh biện IELTS'".
Để tạo thế vững chắc cho luận điểm của mình, H.N nêu ví dụ về các bài diễn văn của Tổng thống Mỹ. Theo đó, "tiếng Anh đích thực" để tranh luận, hùng biện không phải cứ ngôn từ hoa mỹ, cao cấp, khó hiểu là hay. Ngược lại kể cả những bài tranh biện đẳng cấp cao họ cũng dùng từ vựng, câu cú theo nguyên tắc Concise and Clear - Rõ ràng và ngắn gọn.
Vị này cho rằng nữ sinh “đã bị hỏng tư duy ngôn ngữ (nên tiếng Việt, tiếng Anh đều hỏng)". Thậm chí, H.N còn nhận định đây là thứ tiếng Anh "quái đản" để loè nhau lùa gà, để "khoe 8, 9 chấm IELTS", đồng thời đưa lời khuyên: "Các cháu có học thì học thi cho nó vui thôi; chứ mang cái thứ tiếng Anh quái thai này sang Mỹ, sang Anh mà sử dụng thì người ta cười cho vào mặt".
Màn phản biện sắc sảo của người "hứng mũi chịu sào"
Sau khi "vô tình" trở thành trung tâm của tranh cãi, nữ sinh M.A cũng đã có bài đăng phản biện trên trang cá nhân. Hiện tại, bài viết của M.A đã nhận về hơn 8,8 nghìn lượt tương tác và hàng nghìn lượt chia sẻ.
Đầu tiên, M.A không phủ nhận những bất cập từ thực trạng "trọng" IELTS như tác giả có nêu. Nữ sinh cũng không phủ nhận về tiếng Anh và khả năng sử dụng ngôn ngữ của mình 4 năm trước - đặc biệt trong khuôn khổ cuộc thi, còn hạn chế.
Tuy nhiên, M.A cho rằng việc tác giả lấy 2 chủ đề trên để làm "chứng cớ" phản biện mình là hoàn toàn... không có sự liên quan. Bởi M.A chưa từng thi IELTS và IELTS chưa bao giờ là mục tiêu của bản thân cô bạn. Từ cuối cấp 2, M.A tập trung vào một ngoại ngữ khác nhằm phục vụ mục đích du học hiện tại. Ngoài ra, nữ sinh học tiếng Anh qua việc tham gia những giải đấu tranh biện nên khó tránh khỏi việc tiếng Anh có phần "non", và vốn từ vựng có phần "hợp" hơn trong bối cảnh tranh biện.
"Lấy dẫn chứng một học sinh không lấy IELTS làm mục tiêu, tác giả đang sử dụng hình ảnh của mình để ngụy biện. Dẫn chứng của tác giả không hề liên quan tới luận điểm mà tác giả đang hướng tới. Thay vào đó, tác giả hoàn toàn có thể lấy dẫn chứng một người đã thi IELTS, có điểm IELTS 8.0-9.0, và quan trọng hơn cả, với ví dụ ấy, tác giả cần chứng minh được, họ không thể có một cuộc hội thoại với người bản xứ. Cá nhân mình chưa gặp trường hợp nào như vậy", M.A bày tỏ.
Quay trở lại phần phản biện của mình, M.A cho rằng từ vựng của bản thân chủ yếu ở mức B2 nên việc tài khoản H.N nhận xét "dùng từ hoa mỹ" cũng không đúng. Nữ sinh tiếp thu và ghi nhận ý kiến dùng từ "satisfaction" là chưa chuẩn nhưng cho rằng tác giả đang phóng đại, cực đoan hoá mọi thứ.
Để chứng minh, M.A đã gửi clip gốc cho những người bạn sinh ra và lớn lên tại Anh thì họ đều khẳng định, không có vấn đề trong việc nghe hiểu, bên cạnh những góp ý về lỗi phát âm. Bên cạnh đó, M.A cũng cho biết, mình không có bất kì mối liên hệ nào với trung tâm dạy IELTS - nơi đã đăng tải phần tranh biện, và không chịu trách nhiệm cho transcript cũng như bản dịch của trung tâm này.
Nữ sinh thắc mắc: Phải chăng, tác giả bài viết cố tình giấu nguồn vì muốn điều hướng dư luận rằng em là người viết/dịch lại, để tiện trách luôn tư duy tiếng Việt "hỏng".
M.A thừa nhận chất lượng bài nói của mình có thể chưa tốt nhưng đứng dưới góc độ là một thí sinh tham gia chương trình, nữ sinh tin bản thân có "quyền được sai". Những cái sai này nếu được đưa ra góp ý, thảo luận văn minh và mang tính xây dựng, cũng là một hướng học tiếng Anh rất tốt giúp các bạn học sinh tránh mắc lỗi như mình.
"Thay vì trách mình, người H. cần trách, là phía X (trung tâm đăng tải lại phần thi của M.A, tên trung tâm đã được thay đổi - PV) trước tiên, vì đã làm việc tắc trách. Người H. cần trách không kém ở đây là chính bạn, vì bạn nhìn ra được vấn đề, nhưng vẫn cố tình cắt ghép và đăng tải. Để người bị chỉ trích, tới cuối cùng, lại là mình", nữ sinh chốt lại.
Dân tình bày tỏ quan điểm thế nào?
Dưới phần bình luận bài viết của M.A và nhiều bài repost được đăng tải trên các hội nhóm khác, rất nhiều người bày tỏ sự đồng tình với M.A. Họ cho rằng, sai lầm nói chung và sai lầm trong việc nói tiếng Anh là một điều khó lòng tránh khỏi. Điều quan trọng là chúng ta học được gì từ những lỗi sai đấy bởi "đặc quyền" của tuổi trẻ là được sai và dám sai.
Thời điểm tham gia chương trình, M.A mới chỉ là học sinh cấp 3, để tham gia một cuộc thi tranh biện đã khó, đằng này là cuộc thi tranh biện bằng tiếng Anh - ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ, nên việc H.N dùng những lời lẽ phản cảm như: "quái đản", "quái thai"... nhằm "bắt bẻ" tiếng Anh của M.A là không thể chấp nhận.
"Chẳng biết đúng sai thế nào, nhưng nhận xét cái sai về kiến thức của người khác (đặc biệt là học sinh) là 'quái thai' là nhận xét nặng nề, thiếu thiện chí, kém văn minh. Bảo cái sai của người khác là 'người ta cười vào mặt' là kiểu trịch thượng, vô duyên, thiếu văn hoá. Người sai kiến thức không đáng cười (sai thì sửa, chưa giỏi mới cần học tiếp, học từ cái sai cũng là cần thiết); chỉ có kẻ chê người sai một cách thiếu văn hoá là đáng cười mà thôi!", tài khoản H.N bình luận.
Nhiều người cho rằng cách phản biện thẳng thắn có phần tiêu cực hóa của H.N cần được xem xét lại. Đặc biệt là khi chúng ta đang ở vai vế ở người lớn, nếu muốn góp ý thì phải góp ý có thiện chí, mang tính xây dựng. Chỉ vì một vài dòng trạng thái được coi là "góp ý" của người lớn mà hoàn toàn có thể "giết chết" sự tự tin của một đứa trẻ.
Netizen cũng tỏ ra ấn tượng với cách phản biện chỉn chu, gãy gọn, xác đáng của M.A. Dù còn rất trẻ nhưng nữ sinh đã có những lập luận vô cùng sắc sảo, đi trực diện vào vấn đề nhằm giải quyết vấn đề mà "người phản biện" đang đặt ra. Ở cương vị "người bị phốt", M.A vẫn bình tĩnh, lịch sự, không phản biện lại "đối phương" với lời lẽ "ngông cuồng", nặng nề như xát muối vào lòng, thay vào mọi người có thể nhìn thấy được sự điềm tĩnh, chín chắn trong cách lập luận và đưa ra quan điểm của nữ sinh.
Ở một diễn biến khác, không ít netizen cho rằng cách sử dụng tiếng Anh của M.A trong phần thi 4 năm về trước chẳng có gì đáng nói bởi hiếm người bản xứ nào đi "chấp vặt" khả năng tiếng Anh của một người không phải là một người bản xứ cả. Ngoài ra, đặt trong tình huống của M.A là đang tham gia cuộc thi tranh biện không có sự chuẩn bị trước, nên đầu "nảy số" được từ nào, cụm nào thì sử dụng thôi.
Facebook N.M.V chia sẻ: "Mình đi du học từ 2010 rồi ở lại nước ngoài làm việc đến bây giờ và không thấy bạn này nói sai gì hết. Người nước ngoài chẳng ai chấp vặt bạn nói từ hoa mỹ hay không mà cái mà họ quan tâm là bạn nói mà người ta có hiểu không".
"Việc người ta sử dụng từ ngữ 'kém dân dã' không có nghĩa là người đó đang cố khoa khoang hay phông bạt. Chính H.N cũng cho rằng tiếng Anh chỉ là phương tiện để giao tiếp, vậy thì trong hoàn cảnh cụ thể của bạn nữ, bạn ấy liên tục phải suy nghĩ và đưa ra những lập luận theo phản xạ thông thường, tức là trong đầu bạn ấy nghĩ ra như thế nào thì sẽ nói ra như thế đấy, đó là điều hoàn toàn bình thường vì tranh biện viên khi trình bày bài nói sẽ không có quá nhiều thời gian để trau chuốt ngôn từ, do đó họ càng không có nhiều động cơ để lựa chọn sử dụng những từ hoa mỹ hay cao cấp, nó chỉ đơn giản là những từ ngữ đó đang xuất hiện một cách ngẫu nhiên trong tâm thức bạn ấy mà thôi", một tài khoản khác tên V.T.Đ.L nêu quan điểm.
Ranh giới giữa chê bai và phản biện?
Phản biện là sự tranh luận, đưa ra lập luận khác nhau để làm rõ đúng - sai, trắng - đen, trái - phải về một vấn đề cụ thể. Đây là một hoạt động phân tích độc lập, là một yếu tố rất quan trọng bảo đảm tính khách quan của người phản biện.
Những người có tư duy phản biện thường có tính công bằng và độc lập trong góc nhìn. Họ phân biệt rõ cảm xúc và lý trí, giữa đúng và sai, giữa niềm tin và kiến thức. Biết đánh giá góc nhìn của mình và cả góc nhìn đối lập một cách khách quan, công bằng. Những người này luôn chủ động nhìn nhận cái hay, cái mạnh của tư duy, quan điểm đối lập với mình mới là người có tư duy phản biện tốt.
Trong khi đó, "chê bai" thường mang tính tiêu cực, là việc chỉ trích hay nói xấu điều gì đó mà không đưa ra giải pháp hoặc lời khuyên cụ thể. Những người thích chê bai thường có mục tiêu thắng thua về mặt cá nhân, hướng đến chỉ trích cá nhân và xoá bỏ mọi thứ. Chê bai mang tính cảm xúc, đôi khi có lập luận nhưng thường chứa nhiều nguỵ biện. Đưa ra một quan điểm và cứ khăng khăng rằng mình đúng chỉ là chê bai mà thôi.
Quay trở lại với vụ việc ồn ào, việc người dùng H.N đăng đàn chê bai một cô nữ sinh cấp 3 nói tiếng Anh trong một chương trình truyền hình thực tế là "quái thai", "quái đản"... quả thực khó lòng chấp nhận. Không ai cấm H.N hay bất kì ai lên tiếng nhận xét về chủ đề mình quan tâm. Tuy nhiên, cách thức lên tiếng, ngôn từ góp ý cần có chừng mực và hợp lý. Cách bày tỏ quan điểm của H.N trong trường hợp này được nhiều người nhận xét chỉ là "bới lông tìm vết", không mang tính đóng góp mà nghiêng về "ném đá" cực đoan, thậm chí có tính chất bôi nhọ, công kích người khác.
Ngược lại, không chỉ M.A mà rất nhiều bạn trẻ khác lên tiếng bảo vệ M.A được nhận xét có cách phản biện khoa học. Không chăm chăm bảo vệ M.A bất chấp đúng - sai, trái - phải, hay bênh vực một cách mù quáng mà mỗi lời các bạn nói ra đều có dẫn chứng xác đáng, có luận điểm rõ ràng. Một vấn đề khi được đặt lên bàn cân tranh biện chỉ "ra ngô ra khoai" khi các bên thẳng thắn với nhau theo hướng tích cực. Chứ không phải khăng khăng giữ vững lập trường hay nêu quan điểm dựa vào cảm xúc rồi đánh giá một sự vật, sự việc đầy chủ quan, thiên kiến: "quái đản", "quái thai", "bị hỏng tư duy ngôn ngữ"...
Ai cũng có lúc "sảy miệng, lỡ lời" hay gặp những sai lầm nhưng suy cho cùng, nó không phải là bản chất và họ cũng không đáng phải nhận những lời công kích gay gắt. "Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe" là điều cần nhớ trước khi mở miệng ra có ý định chê bài, chỉ trích ai đó. Để tôn trọng bản thân, trước hết hãy tôn trọng người khác.
Theo Đông - Hoàng Sơn (Phụ nữ mới)