Viêm họng, cảm cúm khi thời tiết giao mùa: Làm gì để phòng bệnh?

01/11/2023 08:58:54

Khi thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp. Đây chính là môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp hoạt động mạnh, do đó đây là thời điểm bùng phát rất nhiều bệnh đường hô hấp...

Những bệnh hô hấp thường gặp lúc giao mùa như: cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi và những bệnh mạn tính dễ tái phát như: hen phế quản, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... sẽ có những đợt cấp rồi trở nặng khi gặp điều kiện thuận lợi.

Tại sao các bệnh đường hô hấp thường gặp vào lúc giao mùa?

- Thay đổi khí hậu vào thời điểm giao mùa khiến nhiệt độ thay đổi thất thường, từ nóng chuyển sang lạnh và từ nắng chuyển sang mưa trong một ngày. Khi sự biến động nhiệt độ diễn ra nhanh sẽ làm hệ miễn dịch của bạn bị suy yếu. Bên cạnh đó các virus gây bệnh cảm lạnh dễ dàng phát triển và lan truyền hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm. Đường hô hấp là nơi mà nhiều mầm bệnh dễ dàng xâm nhập khi chúng ta hít thở. Do đó, các triệu chứng như ho và ngứa họng rất phổ biến khi thời tiết thay đổi.

- Siêu vi gây bệnh đường hô hấp ví dụ như virus cúm phát triển dễ dàng hơn vào thời tiết lạnh so với mùa nóng.

Viêm họng, cảm cúm khi thời tiết giao mùa: Làm gì để phòng bệnh?

- Không khí dễ bị tù túng, kém lưu thông do vào mùa lạnh mọi người có khuynh hướng ít di chuyển ra ngoài đường mà ở trong nhà nhiều hơn, đóng các cửa để tránh không khí lạnh xâm nhập. Đây là yếu tố thuận lợi làm các tác nhân vi sinh vật nếu tồn tại trong không khí có khả năng sinh sôi nảy nở nhiều hơn.

- Vào mùa lạnh, ngày ngắn đêm dài, số giờ có ánh sáng mặt trời trong ngày cũng giảm đi. Đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc có nhiều ngày không nhìn thấy mặt trời. Ánh mặt trời có tia cực tím là một tác nhân rất quan trọng để tiêu diệt các tác nhân vi sinh vật. Vào mùa đông ánh sáng mặt trời ít đi cũng là một lý do nữa làm cho vi sinh vật dễ sinh sôi nảy nở hơn nữa.

Những đối tượng dễ mắc bệnh thời kỳ giao mùa

Trẻ nhỏ: Đối với trẻ nhỏ đa số hệ miễn dịch chưa hoàn thiện sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Trẻ khi mắc bệnh dễ diễn biến nặng hơn người lớn.

Viêm họng, cảm cúm khi thời tiết giao mùa: Làm gì để phòng bệnh? - 1

Người cao tuổi: Người cao tuổi thường có sẵn các bệnh lý mạn tính như bệnh lý hô hấp, đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận làm hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, bệnh gặp ở người cao tuổi thường nặng hơn người trẻ rất nhiều. Thay đổi thời tiết dễ làm khởi phát bệnh lý có sẵn ở người cao tuổi.

Phụ nữ mang thai: Khi mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai nghén rất dễ bị dị tật cho thai nhi. Ngay cả khi mắc bệnh, thai phụ cũng thường ngại dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi, khiến bệnh kéo dài và cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, việc phòng bệnh là ưu tiên với thai phụ.

Phòng bệnh hô hấp khi thay đổi thời tiết

Để phòng tránh cảm lạnh, cảm cúm..., bạn cần thực hiện các biện pháp dưới đây, nhất là trong thời điểm giao mùa, nguy cơ dịch bệnh tăng cao.

Cân bằng dinh dưỡng

Bổ sung nhiều loại rau, củ, quả, ăn các thực phẩm làm từ lúa mì, quả óc chó… và những thực phẩm giàu khoáng chất Selenium, vitamin C từ các loại quả có múi như cam, chanh.

Viêm họng, cảm cúm khi thời tiết giao mùa: Làm gì để phòng bệnh? - 2

Không để cơ thể nhiễm lạnh

Khi trời lạnh nên trang bị đầy đủ áo khoác, mũ nón, khẩu trang khi đi ra đường. Mặc quần áo bằng vải len mỏng hoặc chất liệu cotton vì thấm hút mồ hôi tốt, vừa có thể giữ ấm cho cơ thể. Chú ý giữ ấm chân trong mùa lạnh.

Uống đủ nước

Nếu bị cúm hay cảm lạnh, gặp hiện tượng sốt ho, để hạ nhiệt nhanh, bạn cần uống nhiều nước (có thể là nước lọc, nước hoa quả, cháo, súp…), nhất là nước ấm.

Rửa tay

Cho dù đang khỏe mạnh hay bị cảm cúm, cảm lạnh, bạn nên thường xuyên giữ vệ sinh bằng cách rửa tay thường xuyên. Điều này hạn chế các virus mới xâm nhập vào cơ thể.

Súc miệng bằng nước muối

Thói quen này cần được thực hiện vài lần mỗi ngày giúp làm giảm triệu chứng viêm họng cũng như ngăn nhiễm trùng không phát sinh. Bạn có thể sử dụng nước ấm để không tổn thương niêm mạc họng và có thể cho thêm một chút tinh chất từ củ nghệ tăng cường kháng viêm.

Viêm họng, cảm cúm khi thời tiết giao mùa: Làm gì để phòng bệnh? - 3

Giữ không gian nhà ở luôn thông thoáng

Khi sống trong không gian kín, không khí lưu thông kém tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi và phát triển mạnh, từ đó nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Giải pháp là bạn nên mở cửa sổ từ 10 – 15 phút mỗi ngày, để phòng thông thoáng hơn.

Thường xuyên tập thể dục

Vận động làm nóng cơ thể và lưu thông máu nhanh hơn, làm giảm triệu chứng mệt mỏi và nhiễm trùng năng lượng với người đang bị bệnh cảm. Hơn nữa, tập luyện thể thao sẽ khiến bạn uống nhiều nước hơn, giúp thanh lọc cơ thể, loại bỏ độc tố. Từ đó hệ miễn dịch sẽ hoạt động tích cực, phòng tránh bệnh tật nhất là cảm lạnh và cảm cúm.

Trên đây là một số biện pháp giúp bạn đề phòng ho sốt do cảm lạnh và cảm cúm gây ra. Thời tiết thay đổi là lúc nhiều dịch bệnh có xu hướng tăng mạnh, do đó mỗi người nên có biện pháp bảo vệ bản thân để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.

PN (SHTT)