Không thể phủ nhận những ưu điểm của xe điện mang lại, đó là giảm chi phí nhiên liệu và cải thiện chất lượng không khí. Đây cũng là mục tiêu mà các nhà sản xuất ô tô hiện nay đang theo đuổi để đáp ứng được các tiêu chuẩn khí thải ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn.
Nhưng cùng với việc chuyển đổi sang điện, phương tiện này lại xuất hiện một thách thức mới, đó là việc dập tắt đám cháy do pin lithium-ion của xe điện gây ra rất khó.
Vì sao cháy xe điện khó dập?
Các loại xe máy điện đời cũ trước đây chủ yếu sử dụng ắc quy, tuy nhiên, xe máy điện hiện tại hầu hết đã chuyển sang sử dụng pin lithium-ion. Cả ắc quy lẫn pin lithium-ion đều có nguy cơ gây ra cháy, nổ nếu không đảm bảo chất lượng và không sử dụng đúng cách.
Báo VietNamNet thông tin, khi hỏa hoạn xảy ra, xe điện sử dụng pin lithium-ion sẽ cháy nóng hơn, nhanh hơn và cần nhiều nước hơn để có thể dập tắt. Một chiếc xe chạy bằng xăng thường có thể được dập tắt chỉ trong vài phút với khoảng 2.000-4.000 lít nước, trong khi cháy pin EV có thể mất hàng giờ và hàng chục nghìn lít nước.
Điều đáng nói là pin có thể bốc cháy lại sau hàng giờ hoặc thậm chí vài ngày khi vụ cháy ban đầu đã được kiểm soát, khiến các bãi cứu hộ, cửa hàng sửa chữa và những nơi khác có thể gặp nguy hiểm.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của pin lithium-ion bốc cháy là do hiện tượng thoát nhiệt. Vậy hiện tượng thoát nhiệt là gì?
Pin điện áp cao được tạo thành từ nhiều cell được xếp chặt chẽ với nhau bên trong hộp kín nước, chống cháy. Khi pin lithium-ion quá nóng, nó sẽ giải phóng khí oxy tạo ra một phản ứng hóa học tỏa nhiệt rất lớn, lên tới 650 độ C.
Nhiệt lượng tỏa ra từ mỗi tế bào riêng lẻ khiến dải phân cách sẽ tan chảy và cực âm và cực dương kết nối với nhau. Điều này được gọi là ngắn mạch bên trong. Khi có hiện tượng ngắn mạch bên trong một số hoặc toàn bộ bộ pin, nó sẽ dễ tạo tia lửa, gây cháy nổ.
Pin lithium-ion có thể cháy nóng hơn và lâu hơn nhiều so với xăng. Chính điều này đã gây ra những thách thức không nhỏ đối với lính cứu hỏa. Hiện tại, chưa có bất kỳ giải pháp hay công cụ nào để ngăn chặn sự thoát nhiệt trong pin điện áp cao của xe điện.
Các lính cứu hỏa đã sử dụng bọt chữa cháy để dập lửa cho xe điện nhưng không có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự thoát nhiệt. Lý do là việc đưa bọt chữa cháy đến các tế bào bị hỏng là rất khó nếu không muốn nói là không thể bởi vì hiện tượng thoát nhiệt khi đó đang diễn ra bên trong hộp kín nước, chống cháy.
Ngay cả khi có thể cho bọt vào bên trong hộp và làm ngập bọt khắp khu vực, mục đích chính của bọt thường là làm thiếu nguồn cung cấp oxy cho đám cháy, nhưng pin lithium-ion không cần oxy bên ngoài để đốt cháy.
Ngoài ra, các biện pháp dập lửa khác như dùng bình chữa cháy loại D, vòi tỏa, chăn dập lửa, vòi đục cũng không thể ngăn chặn sự thoát nhiệt trong pin điện áp cao của xe điện.
Theo Hiệp hội phòng cháy chữa cháy quốc gia Mỹ, nếu dùng nước để dập tắt đám cháy do xe điện gây ra cần tới hơn 110.000 lít nước, gấp khoảng 20-25 lần so với xe xăng và mất nhiều thời gian.
Để giảm thiểu nguy cơ cháy cháy xe ô tô điện, các nhà sản xuất xe điện đang chuyển dần từ pin lithium-ion sang pin lithium sắt phốt phát (LFP). Một số hãng như Ford và Volkswagen cũng đang thay thế pin LFP nhờ đó giảm thiểu được sự phụ thuộc vào các kim loại quý hiếm như Coban, Niken để sản xuất ra xe điện.
Làm gì trong trường hợp pin xe máy điện phát nổ?
Xe máy điện được trang bị pin dung lượng lớn để đi quãng đường xa, do vậy, trong trường hợp pin xe máy điện bị cháy, nổ thường rất khó dập tắt và gây hậu quả nghiêm trọng.
Để dập tắt đám cháy gây ra bởi pin lithium-ion nói chung và pin xe máy điện nói riêng, bạn không thể sử dụng các loại bình chữa cháy thông thường, mà cần sử dụng các loại bình chữa cháy chuyên dụng, như bình chữa cháy gốc nước dùng công nghệ bọc phân tử, thì mới có thể làm giảm thật nhanh nhiệt độ để dập tắt đám cháy của pin xe máy điện.
Tuy nhiên, các loại bình chữa cháy gốc nước này chưa phổ biến do có giá thành cao gấp nhiều lần các loại bình chữa cháy thông thường.
Đáng chú ý, tuyệt đối không được sử dụng nước để dập tắt đám cháy pin lithium-ion vì nước gặp nhiệt độ cao biến thành Hydro, gây ra phản ứng nổ rất nguy hiểm.
Trong trường hợp xảy ra cháy xe máy điện, bạn hãy lập tức gọi cho lực lượng cứu hỏa, nói rõ vụ cháy do pin xe điện gây ra để có phương án chữa cháy phù hợp. Nếu có thể, hãy di chuyển xe điện đang cháy đến nơi thông thoáng, tránh xa các vật dụng dễ cháy để tránh làm hỏa hoạn bùng lên.
Làm thế nào để phòng tránh cháy, nổ khi sử dụng xe điện?
Chia sẻ trên Dân Trí, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, người dân nên sạc khi pin/ắc-quy gần hết, sử dụng nguồn điện phù hợp (theo mức điện áp khuyến cáo của nhà sản xuất) và ổn định để sạc. Không sạc ngay sau khi vừa chạy xe, nên chờ bình điện nguội trong khoảng 20 phút rồi mới sạc.
Không sạc pin qua đêm, không sạc quá 8 giờ liên tục. Nếu xe để lâu không sử dụng, nên sạc pin đầy rồi tháo rời khỏi xe để tăng độ bền.
Bảo quản pin/ắc-quy đúng cách bằng cách đặt xe tại vị trí bảo đảm cao ráo và thông thoáng. Không để pin/ắc-quy (xe) tại các khu vực nóng, ẩm. Không tác động lực mạnh vào bộ phận pin/ắc-quy.
Không tự ý thay đổi kết cấu của xe, không lắp thêm các phụ kiện, thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện có thể làm pin/ắc-quy phát nổ).
Bảo trì, bảo dưỡng pin/ắc-quy cũng như hệ thống dẫn điện của xe thường xuyên. Định kỳ khoảng 3 tháng/lần nên đưa xe đi kiểm tra pin/ắc-quy, hệ thống sạc cũng như toàn bộ chiếc xe để kịp thời phát hiện và xử lý hư hỏng.
"Rửa xe đúng cách. Không dùng tia nước áp lực cao hoặc phun trực tiếp vào các vị trí dưới yên xe. Sau khi rửa xe, cần lau khô khu vực pin/ắc-quy, phanh của xe rồi mới khởi động lại. Khi đi mưa về cần để xe ở vị trí khô ráo, thoáng gió để hong khô và kiểm tra xác định có nước vào trong vị trí pin/ắc-quy không", Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo người dân.
HL (SHTT)