Vì sao phụ nữ khó ngủ khi mãn kinh?

22/01/2024 09:39:34

Các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, đau khớp, có thể ảnh hưởng hoặc làm gián đoạn giấc ngủ của phụ nữ.

Mãn kinh gây ra những cơn bốc hỏa và thay đổi tâm trạng. Các triệu chứng khác có thể bao gồm đổ mồ hôi, tăng cân, khô âm đạo. Rối loạn giấc ngủ khá phổ biến ở thời kỳ mãn kinh và tăng theo tuổi tác. Tình trạng này dao động 16-42% thời kỳ tiền mãn kinh, 39-47% khi mãn kinh và 35-60% hậu mãn kinh.

Dưới đây là những nguyên nhân thường gây mất ngủ khi mãn kinh.

Hormone suy giảm

Mãn kinh xảy ra do hàm lượng hormone suy giảm, chủ yếu là estrogen, progesterone và testosterone. Những hormone này điều chỉnh chức năng sinh sản, chu kỳ kinh nguyệt, tâm trạng, năng lượng, ham muốn tình dục, nhận thức và giấc ngủ. Vì ba loại hormone chính này dao động trong giai đoạn mãn kinh nên ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Nguyên nhân khác gây khó ngủ ở phụ nữ trung niên là do nồng độ melatonin suy giảm. Melatonin là hormone duy trì giấc ngủ tự nhiên của cơ thể, thường suy giảm theo tuổi tác. Khi ở mức thấp, hormone này làm giảm nhịp sinh học, khó kiểm soát và duy trì giấc ngủ.

Mức độ melatonin giảm không nhất thiết liên quan đến thời kỳ mãn kinh. Chúng thường giảm trước giai đoạn này và ảnh hưởng đến cả nam giới.

Vì sao phụ nữ khó ngủ khi mãn kinh?
Suy giảm hormone khiến phụ nữ khó ngủ. Ảnh minh họa: Internet

Bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm

Bốc hỏa là cảm giác nóng đột ngột và bất ngờ trên cơ thể, xảy ra vào ban đêm. Những cơn bốc hỏa thường đi kèm với đổ mồ hôi, bắt đầu ở mặt, lan xuống ngực và bên dưới. Chúng có thể kéo dài trong thời gian ngắn, dưới một phút hoặc lâu nhất là 5 phút. Cảm giác ớn lạnh có thể xảy ra sau một cơn nóng bừng. Các triệu chứng này đều gián đoạn giấc ngủ.

Triệu chứng bàng quang và âm đạo

Trong thời kỳ mãn kinh, nữ giới cũng gặp các triệu chứng của bệnh bàng quang và âm đạo vào ban đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các triệu chứng bao gồm đi tiểu thường xuyên, đau nhức và kích ứng, nhiễm trùng tiết niệu do các mô âm đạo bị mỏng đi, gây khô và viêm.

Thay đổi tâm trạng

Thay đổi tâm trạng thường gặp ở thời kỳ mãn kinh là lo lắng, trầm cảm và khó chịu. Khó ngủ có thể dẫn đến những triệu chứng này và kéo dài càng gây mất ngủ, tăng nguy cơ trầm cảm.

Đau khớp và cơ

Đau khớp và cơ là tình trạng phổ biến ở thời kỳ mãn kinh và có thể khiến phụ nữ thức giấc vào ban đêm. Đau cơ xương khớp thường liên quan đến mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, rối loạn giấc ngủ, béo phì, lo lắng hoặc căng thẳng. Bên cạnh đó, thiếu hoạt động thể chất hay các tình trạng thoái hóa như viêm khớp, loãng xương cũng làm cho phái đẹp đau khớp hàng đêm.

Tác hại của mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh

- Luôn có cảm giác buồn ngủ vào ban ngày, thiếu năng lượng, cơ thể mệt mỏi, lừ đừ.

- Nhận thức kém, rối loạn chức năng tâm thần vận động, giảm sự tỉnh táo, tự tin.

- Sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng và rối loạn nghiêm trọng.

- Mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh gây căng thẳng tâm lý, chán nản, trầm cảm, suy nhược thần kinh, giảm trí nhớ và khả năng giải quyết vấn đề, tâm trạng bất ổn, thường xuyên nóng giận.

- Về mặt sinh lý, mất ngủ khiến phụ nữ giảm ham muốn, khó thăng hoa trong chuyện tình dục do âm đạo khô rát.

- Phụ nữ bị mất ngủ thì da nhanh lão hóa, thần sắc kém tươi tỉnh, và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, béo phì và ung thư...

Vì sao phụ nữ khó ngủ khi mãn kinh? - 1
Ảnh minh họa: Internet

Khắc phục chứng mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh

Để có giấc ngủ ngon ở giai đoạn này thì phụ nữ có thể thực hiện theo những hướng dẫn sau:

- Xây dựng và tuân theo thời khóa biểu làm việc nghỉ ngơi một cách khoa học.

- Chăm chỉ rèn luyện và tăng cường sức khỏe bằng cách duy trì chế độ tập luyện điều độ những môn thể thao vừa sức như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, aerobic, yoga... Thời gian tập luyện nên ít nhất 30 phút mỗi ngày.

- Hạn chế và tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê... vào buổi tối.

- Để giảm triệu chứng mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh, cần hạn chế ăn no và xem phim ảnh gây xúc động mạnh, phấn khích thái quá trước khi đi ngủ.

- Phòng ngủ, nơi để ngủ cần sạch sẽ và thoáng mát.

- Cân bằng nội tiết progesterone và estrogen bằng cách bổ sung estrogen.

- Trong trường hợp vẫn bị mất ngủ, có thể dùng thuốc. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, nếu dùng lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Khi sử dụng thuốc điều trị mất ngủ cần phải được bác sĩ tư vấn, chỉ định và hướng dẫn, tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

PN (SHTT)

Nổi bật