Vì sao nên ăn nhiều mướp đắng sau Tết?

21/02/2024 10:51:46

Chế độ ăn giàu năng lượng dịp Tết dễ khiến chúng ta bị thừa cân, béo phì. Để lấy lại vóc dáng "chuẩn chỉnh", cũng như thanh lọc cơ thể sau Tết, theo các chuyên gia, cần phải kết hợp chế độ ăn cân bằng, khoa học và vận động thể chất.

Dân Trí dẫn thông tin theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, mướp đắng là nguồn cung cấp vitamin A, vitamin C, chất xơ, các hợp chất chống oxy hóa dồi dào.

Mướp đắng giàu thành phần chất xơ, ít calo có hiệu quả trong việc điều chỉnh lượng insulin trong cơ thể, kiềm chế cảm giác thèm ăn, ngăn ngừa sự tích tụ mỡ thừa, giảm béo bụng hiệu quả.

Mướp đắng là thực phẩm giúp ổn định đường máu hiệu quả, kiểm soát mỡ máu, phòng chống thoái hóa võng mạc mắt, làm đẹp da, hỗ trợ giảm cân, bổ gan và giúp thanh nhiệt cơ thể.

Vì sao nên ăn nhiều mướp đắng sau Tết?
Ảnh minh họa: Internet

Tương tự, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ (Trưởng Đơn vị điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3), chia sẻ thông tin trên VnExpress: "Không chỉ là món ăn được xem như mang lại may mắn, trái mướp đắng hầm ăn mát và bổ. Vị đắng trong trái mướp đắng là bài thuốc thanh nhiệt, giải độc, trị rôm sảy mụn nhọt hiệu quả", bác sĩ Vũ nói.

Trái mướp đắng có hàm lượng calo và carbs thấp song nhiều chất xơ, vitamin và chất khoáng. Các vi chất dinh dưỡng trong mướp đắng gồm: vitamin A, B, C, canxi, kali, phốt pho, kẽm, đồng, sắt và magie và chất chống oxy hóa hữu ích như lutein và zeaxanthin.

Ăn mướp đắng còn có tác dụng giảm béo bụng, tăng cường miễn dịch, bồi bổ sức khỏe tim mạch, hỗ trợ thị lực, giảm loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori, kháng khuẩn, kháng virus, giảm đau ở bệnh nhân thoái hóa khớp, chữa lành vết thương, vết loét da, giúp hạ đường huyết và và cải thiện dung nạp glucoza...

Đây cũng là loại quả được sử dụng nhiều trong y học dân gian. mướp đắng vị đắng, lạnh, vào tỳ vị tâm can, tác dụng thanh giải thử nhiệt, minh mục giải độc. Trái này dùng cho trường hợp nhiệt bệnh sốt nóng mất nước, hội chứng lỵ, viêm cấp tính đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, mụn nhọt, viêm kết mạc mắt cấp tính (đau mắt đỏ). mướp đắng nấu chín ăn có tác dụng dưỡng huyết, bổ thận.

Cách sử dụng mướp đắng hiệu quả

Bạn đơn giản chỉ cần ăn 1-2 quả mướp đắng sống hoặc chế biến thành các món quen thuộc như canh mướp đắng, mướp đắng xào mỗi ngày đã giúp đem lại những giá trị sức khỏe. Tuy nhiên, sử dụng mướp đắng theo cách dưới đây sẽ giúp tăng cường hiệu quả:

Trà mướp đắng

Vì sao nên ăn nhiều mướp đắng sau Tết? - 1
Ảnh minh họa: Internet

Trà mướp đắng được y học hiện đại chứng minh là đồ uống có lợi nhất cho việc hấp thụ của cơ thể, có thể phát huy được đến 80% thành phần dinh dưỡng, cách làm trà mướp đắng cũng rất đơn giản.

Cắt mướp đắng thành những miếng mỏng 1-2mm, cho lên chảo sấy khô, đảo đi đảo lại cho khô nước.

Mướp khô xong chuyển thành màu nâu, để nguội sau đó cho vào hộp đậy kín, cất trong ngăn mát của tủ lạnh, có thể để được 2 tháng.

Khi uống lấy ra cho nước nóng vào pha như pha trà bình thường, mỗi ngày uống 3-4 ly là được.

Nước ép mướp đắng

Vitamin C trong mướp đắng có thể phòng chống da lão hóa và làm giảm cholesterol trong máu.

Vitamin C không chịu được nhiệt nên sau khi gia nhiệt, giá trị dinh dưỡng cơ bản của mướp đắng dù không bị mất đi nhưng những người muốn thông qua mướp đắng sẽ khó đạt được mục đích phòng chống da lão hóa và làm giảm cholesterol trong máu.

Vì vậy, lấy mướp đắng ép nước uống là lựa chọn tốt.

Mướp đắng rửa sạch, dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn, dùng lưới lọc hoặc vải lọc để trong cốc chắt nước ra từ máy xay.

Thêm vào nửa cốc nước hoặc lượng nước phù hợp với khẩu vị của bạn.

Nếu sợ vị đắng của mướp đắng, có thể thêm nước chanh hoặc táo ép. Mỗi ngày uống nửa ly hoặc một ly.

Vì sao nên ăn nhiều mướp đắng sau Tết? - 2
Ảnh minh họa: Internet

Những người không nên ăn mướp đắng

- Những người bị huyết áp thấp, hạ đường huyết vì mướp đắng không có lợi cho tim mạch.

- Phụ nữ mang thai không nên ăn mướp đắng vì mướp đắng có thể gây co thắt tử cung, xuất huyết và làm hư thai. Ngoài ra mướp đắng còn gây kích thích tử cung và có thể dẫn đến sinh non.

- Phụ nữ đang cho con bú cũng không nên ăn mướp đắng vì trong loại trái này có một số thành phần mang độc tính nhẹ có thể được truyền qua sữa mẹ.

- Người bị bệnh về gan và thận cần tránh ăn mướp đắng vì chúng rất khó tiêu hóa, có thể gây đầy hơi.

- Người vừa phẫu thuật: Nhiều chuyên gia cho rằng mướp đắng có thể cản trở quá trình kiểm soát lượng đường huyết trong và sau khi phẫu thuật. Bởi vậy, tốt nhất là bạn nên ngừng ăn mướp đắng ít nhất 2 tuần trước và sau thời gian phẫu thuật dự kiến.

PN (SHTT)