Nước mắm là gia vị được sử dụng thường xuyên và phổ biến khi chế biến các món ăn. Tuy nhiên, việc nêm nước mắm sao cho đúng không phải ai cũng biết.
Mỗi món ăn sử dụng nước mắm một khác
Với các loại nguyên liệu là thịt, cá thì trước khi nấu, bạn nên ướp với các loại gia vị như đường, muối, hạt nêm, bột ngọt, hành, ớt… Và khi nấu gần chín mềm thì mới cho thêm một ít nước mắm vào rồi tắt bếp, để món ăn thêm đậm đà mà không làm mất dinh dưỡng trong nước mắm.
Cách làm này vừa tạo hương vị đặc trưng, lại không bị mất các chất dinh dưỡng có trong nước mắm.
Đối với các món chiên, gỏi, bún… thì bạn cần chế biến nước mắm thành món nước chấm có vị chua ngọt, để khi ăn không bị ngán. Để có một chén nước chấm chua ngọt ngon thì ngoài nước mắm ra thì bạn cần sử dụng thêm chanh, tỏi băm, ớt băm, đường, bột ngọt, giấm ăn và hòa tan chúng với nhau.
Những lưu ý khi sử dụng nước mắm
- Không đun sôi nước mắm quá lâu sẽ làm phá hủy các chất dinh dưỡng cũng như làm nước mắm bị biến đổi mùi vị.
- Không dùng nước mắm để ướp thịt còn sống vì loại gia vị này sẽ khiến thịt bị cứng và mất đi vị ngọt tự nhiên của thịt.
- Không dùng nước mắm khi chế biến các món ăn từ tôm, tép kho… để tránh làm mất vị ngon, ngọt của các nguyên liệu này.
Cách nhận biết nước mắm ngon và tốt cho sức khỏe
Để lựa chọn được nước mắm ngon và chất lượng, các chị em nên chú ý đến một vài yếu tố sau: màu sắc, mùi vị, độ đạm, độ an toàn.
Về màu sắc, nước mắm ngon thường có màu từ vàng rơm đậm đến vàng cánh gián, thể hiện nguồn nguyên liệu cá tươi ngon và chất lượng. Nước mắm ngon sau thời gian mở nắp và tiếp xúc với không khí sẽ chuyển màu sẫm hơn. Đây chính là hiện tượng tự nhiên của nước mắm truyền thống, khi độ đạm trong nước mắm bị oxy hóa. Thêm vào đó, cũng nên chú ý quan sát kỹ chai nước mắm dưới ánh sáng và dốc ngược chai. Nếu nước mắm trong và không có cặn là tốt, còn nếu có cặn và lắc không tan thì đó là tạp chất, các chị em không nên mua.
Về mùi vị, nước mắm ngon thường có mùi hương cá thơm dịu, đặc trưng. Khi nếm sẽ cảm thấy có vị mặn the nơi đầu lưỡi khi tiếp xúc nhưng sau đó sẽ có vị ngọt hậu và đằm nơi cổ họng. Điều này cho thấy nước mắm có độ đạm tự nhiên cao, do được làm từ nguồn cá cơm tươi ngon từ những vùng biển nổi tiếng.
Ai không nên ăn nước mắm?
Người bị cao huyết áp
Những người bị huyết áp cao không nên ăn mước mắm bởi vì muối có thể làm co thắt động mạch nhỏ, huyết áp, gây xơ cứng động mạch thận, ăn quá nhiều mắm cũng dễ dàng để làm cho natri và giữ nước trong cơ thể và gây phù nề.
Người bị bệnh tiểu đường
Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường rất cảnh giác với đường và những thức ăn ngọt nhưng lại không hề chú ý kiểm soát lượng muối và các gia vị có vị mặn. Đây là sai lầm cần phải tránh trong chế độ dinh dưỡng điều trị bệnh.
Tiểu đường thường đi kèm với tăng cholesterol, rối loạn lipid máu, các bệnh lý tim mạch. Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh có thể đối mặt với những nguy cơ bệnh lý về tim mạch, huyết áp, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...
Người bệnh cần kiểm soát tốt mức năng lượng hấp thụ vào cơ thể: Mức năng lượng chỉ khoảng 1.500 kcal một ngày và phải ăn càng nhạt càng tốt.
Bệnh tim
Ăn quá nhiều mắm sẽ uống nước nhiều làm tăng khối lượng máu tuần hoàn thì tim phải làm việc nhiều hơn, lâu ngày tim thất trái to lên rồi dẫn đến bị suy tim. Nếu bạn phát hiện và giảm ăn muối, ít nước mắm thì tim thất trái sẽ trở lại bình thường.
Bệnh xương khớp
Ăn mước mắm quá mặn sẽ uống nước nhiều, tiểu tiện nhiều sẽ thải ra nhiều canxi qua đường nước tiểu, dẫn đến loãng xương.
NT (SHTT)