Đối với nhiều người, cà phê vốn là món đồ uống không thể thiếu vào mỗi buổi sáng để có thể bắt đầu một ngày mới học tập, làm việc tỉnh táo và tràn đầy năng lượng, nhất là đối với nhân viên văn phòng hay lứa tuổi học sinh, sinh viên.
Bên cạnh những tác dụng tích cực đối với sức khỏe như ngăn ngừa bệnh tiểu đường, bệnh tim và chống trầm cảm, nếu uống quá nhiều trong ngày có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Báo VnExpress dẫn lời BS.CKI Vũ Trần Minh Nguyên, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, ở dạng tự nhiên, cà phê chứa một số thành phần hóa học như caffeine, acrylamide, các chất chống oxy hóa như polyphenol, catechin, flavonoid, có thể vừa mang lại tác dụng có lợi, vừa bất lợi cho sức khỏe.
Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) phân loại acrylamide là chất có thể gây ung thư, có trong cà phê và các loại thực phẩm khác như khoai tây chiên, bánh mì, đồ ăn nhẹ (bánh quy, một số loại ngũ cốc), thuốc lá. Tuy nhiên, sau khi xem xét hơn 1.000 nghiên cứu trên người và động vật, cơ quan này kết luận không tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào cho thấy uống cà phê gây ung thư.
Trong khi đó, các hợp chất có hoạt tính sinh học như caffeine, flavonoid, lignan, polyphenol trong cà phê được chứng minh làm tăng tiêu hao năng lượng, ức chế tổn thương tế bào, điều chỉnh các gene liên quan đến sửa chữa DNA, có đặc tính chống viêm, khả năng ức chế di căn... Cà phê còn hỗ trợ giảm nguy cơ kháng insulin và đái tháo đường type 2.
Chất chống oxy hóa trong cà phê góp phần giảm nguy cơ ung thư, tuy nhiên các kết quả nghiên cứu chưa có sự đồng nhất. Một số nghiên cứu cho thấy tiêu thụ thức uống này có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú, miệng, gan, đại trực tràng, tuyến tiền liệt và ung thư nội mạc tử cung. Đối với ung thư phổi và ung thư bàng quang, chưa có bằng chứng rõ ràng cà phê làm tăng nguy cơ mắc ung thư, do người sử dụng thức uống này cũng thường hút thuốc lá.
Hiện, không đủ bằng chứng kết luận uống nhiều cà phê làm tăng nguy cơ ung thư, tuy nhiên uống cà phê nóng ở nhiệt độ cao trên 70 độ C có thể làm tổn thương thực quản, tăng khả năng mắc ung thư thực quản. Do đó, bạn cần chú ý nhiệt độ phù hợp.
Uống bao nhiêu cà phê là đủ?
Cà phê có nhiều tác động đến các hệ cơ quan bao gồm thần kinh, tim mạch, nội tiết và tiêu hóa, sử dụng quá mức vẫn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Người trưởng thành không nên dùng hơn 400 mg caffeine mỗi ngày (hàm lượng caffeine khác nhau giữa các loại). Trẻ em và thanh thiếu niên chỉ nên dùng 2,5 mg caffeine trên một kg trọng lượng cơ thể, mỗi ngày. Một ly cà phê với thể tích không quá 500 ml thường có hàm lượng caffeine thấp hơn 400 mg. Nếu bạn chỉ uống một ly cà phê mỗi ngày thì lượng caffeine tiêu thụ vẫn ở trong mức khuyến nghị.
Tuyệt đối không được thêm sữa và đường vào cà phê
Đối với nhiều người thích mùi thơm của cà phê nhưng lại ngại uống vị đắng nên thường thêm nhiều đường, sữa đặc,... để có vị ngọt hơn. Hoặc nhiều người nghĩ rằng chọn uống cà phê sữa hoặc latte sẽ không gây kích ứng dạ dày, đặc biệt là phụ nữ. Nhưng thực tế đây là một sai lầm.
Chuyên gia giải thích rằng 2 muỗng đường tương ứng với 48g, nhiều hơn đường trong 1 lon Coca; chưa kể sữa có chất béo sẽ làm chậm nhu động đường tiêu hóa, dễ tạo cảm giác khó chịu, đầy bụng. Do đó nếu uống nhiều hoặc thêm các chất gây ngọt trên sẽ càng gây khó chịu cho dạ dày hơn.
"Khi thêm quá nhiều đường, bạn sẽ “vô hiệu hóa” tác dụng giảm lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 của cà phê. Để thay thế đường, bạn có thể dùng chút ít quế. Quế có thể giúp giảm tăng đường huyết, kiểm soát cơn đói của bạn", bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa gan mật Zhan Yixue của Bệnh viện trực thuộc Đại học Y khoa Đài Bắc chia sẻ.
PN (SHTT)