Vừa qua đã xảy ra vụ việc một nam sinh lớp 8 tại Hà Nội, vì mâu thuẫn với bạn trong lúc chơi bóng rổ đã bị đánh gây chấn thương sọ não nặng, dẫn tới chết não. Sự việc đau lòng này cảnh báo hậu quả của vấn nạn bạo lực ở tuổi thanh thiếu niên đang diễn ra hiện nay.
Bên cạnh đó, việc chấn thương sọ não nặng khiến nam sinh bị chết não. Vậy trong y văn chết não là gì và có khả năng hồi phục hay không?
Chết não là tình trạng mất hoàn toàn chức năng của não và thân não. Thân não là một phần của hệ thần kinh trung ương, nối giữa 2 bán cầu não bộ và tủy sống, có chức năng dẫn truyền các tín hiệu thần kinh từ não ra ngoại vi thông qua tủy sống.
Bên cạnh đó, thân não chịu trách nhiệm điều chỉnh hầu hết các chức năng tự động của cơ thể cần thiết cho sự sống bao gồm: hô hấp, tuần hoàn (nhịp tim và huyết áp) và điều hòa thân nhiệt. Do vậy, thân não đóng vai trò quan trọng trong các chức năng cốt lõi của não như ý thức, nhận thức và chuyển động.
Sau khi chết não, não bị tổn thương hoàn toàn, vĩnh viễn và không có khả năng hồi phục. Người bệnh còn nhịp tim là nhờ có thuốc hỗ trợ và còn thở được theo máy thở nhân tạo. Khi không có phương tiện hỗ trợ, các cơ quan tim, phổi, gan thận… sẽ ngừng hoạt động.
Nguyên nhân gây chết não
Có thể do một hoặc phối hợp nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng lượng máu hoặc oxy cung cấp cho não bị ngừng lại:
Ngừng tim: khi tim ngừng đập kéo dài khiến cho não bị thiếu oxy và máu.
Tắc mạch máu não lớn: Cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu cung cấp cho não, khiến não bị tổn thương, phù nề, tăng áp lực nội sọ dẫn đến vòng xoáy bệnh lý.
Xuất huyết não, làm tăng áp lực nội sọ hoặc lượng máu lớn gây chèn ép thân não.
Chấn thượng sọ não nghiêm trọng do tai nạn giao thông, bị đánh hoặc bị ngã.
Nhiễm trùng não như viêm não…
Chết não được chẩn đoán như thế nào?
Kết luận một bệnh nhân chết não là việc làm mang tính pháp lý và đòi hỏi sự chính xác cao. Chết não được xác định thông qua việc sử dụng phối hợp nhiều thông tin khác nhau bao gồm các triệu chứng lâm sàng, các thử nghiệm lâm sàng, phương pháp cận lâm sàng và thời gian chết não, được Bộ Y tế quy định.
Chết não không phải hôn mê hay trạng thái thực vật
Thật khó để người thân chấp nhận việc người bệnh vẫn có nhịp tim, có mạch đập, thậm chí da vẫn hồng, tay còn ấm, có vẻ như đang ngủ mà tuyên bố là đã chết. Tuy nhiên, khi người bệnh chết não, điều đó có nghĩa là não không còn hoạt động với bất kỳ khả năng nào và sẽ không bao giờ hoạt động trở lại. Sự khác biệt với trạng thái thực vật và hôn mê là thân não vẫn còn hoạt động trong trường hợp này, nghĩa là: một số dạng ý thức có thể còn tồn tại, người bệnh có thể thở mà không cần trợ giúp và họ vẫn có cơ hội hồi phục dù rất mong manh. Trong một số trường hợp, người ở trạng thái thực vật có thể vẫn bộc lộ một số cảm giác phản ứng, được phát hiện bằng cách quét não mặc dù không thể tương tác với môi trường xung quanh.
Trong chết não, tổn thương là vĩnh viễn và không thể hồi phục. Hiện nay, chưa có bất kỳ trường hợp nào trong y văn đã được chẩn đoán chết não mà có thể hồi phục.
Trong chết não, tim người bệnh vẫn đập là do đâu?
Tim là một phần của hệ thống thần kinh tự chủ và do đó có khả năng đập độc lập với não miễn là được cung cấp đủ oxy. Tim sẽ ngừng đập khi tất cả các hệ thống cơ thể bắt đầu ngừng hoạt động ngay sau khi não chết. Một khi quá trình này đã bắt đầu thì không thể đảo ngược được.
Hỗ trợ cơ học (máy thở) cùng với thuốc hỗ trợ giúp oxy đi đến các cơ quan, trong đó có tim, gan, thận… Do tim còn đập nên máu vẫn lưu thông. Tuy nhiên, máy thở không giữ cho bệnh nhân sống sót (chết não là không thể đảo ngược và được công nhận về mặt pháp lý và y tế là cái chết), nó chỉ đơn thuần giữ cho các cơ quan có thể tồn tại cho đến khi chúng có thể được cấy ghép vào cơ thể khác, nhưng cũng chỉ duy trì được trong thời gian ngắn. Sau đó, các cơ quan sẽ ngừng hoạt động, lúc này người bệnh sẽ chết về mặt sinh học: ngừng tim, ngừng thở.
Một người chết não được pháp luật xác nhận là đã chết. Họ không có cơ hội phục hồi vì cơ thể không thể tồn tại nếu không có sự hỗ trợ của máy móc. Sự việc đau lòng trên cho thấy chỉ một vài hành động trong lúc hiếu thắng, trẻ thanh thiếu niên có thể gây ra hành vi nguy hiểm, thậm chí là đoạt mạng sống của chính bạn bè mình. Đối với trẻ gây ra hành vi phạm tội, ngoài bản án pháp luật thì cũng sẽ chịu ám ảnh tâm lý và sự dằn vặt suốt quãng đời về sau. Do vậy, cần có các biện pháp giáo dục hành vi cũng như kỹ năng sống cho trẻ thanh thiếu niên, đặc biệt trong giai đoạn trẻ có biến đổi về tâm sinh lý khi vào tuổi dậy thì.
Theo BS Phạm Thị Hằng (Phụ Nữ Việt Nam)