Liên quan đến vụ nổ trên đường Yên Phụ (Hà Nội) vào sáng 15/8, đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an quận Ba Đình cho biết nhiều khả năng nguyên nhân do nổ khí gas trong môi trường kín, khi nhân viên của đơn vị cung cấp gas sửa chữa, thay bình.
Cụ thể, vào khoảng 10h sáng ngày 15/8, tại số nhà 42 đường Yên Phụ xảy ra vụ nổ khí gas, nhiều đồ vật bị sức ép đã văng xa ra phía ngoài của ngôi nhà.
Tại hiện trường có 4 người bị thương, trong đó 1 người là nhân viên của quán ăn đang thay gas, 1 người giao hàng và 2 người khác.
VnExpress dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết "cả 4 bệnh nhân đều tiên lượng rất nặng do bỏng khí gas". Khi nhập viện, các nạn nhân đã được sơ cứu, xử lý nhanh vết thương ngoài da tránh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng.
Hiện, một bệnh nhân nam thở máy tại bệnh viện, chưa xác định chính xác mức độ tổn thương. Ba người khác được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, trong đó một người bỏng 90%, một người bỏng 40%.
Các bác sĩ Viện Bỏng xác định ba bệnh nhân này đều bị bỏng hô hấp, phải thở máy và điều trị tích cực, chưa thể tiên lượng.
Nạn nhân bỏng khí gas nếu không được can thiệp kịp thời có nguy cơ ngộ độc khí, bỏng đường hô hấp như mắt, mũi, miệng, nguy hiểm đến tính mạng. Bỏng diện rộng sẽ để lại sẹo dính, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khả năng vận động của người bệnh.
Thực tế, mỗi năm trên cả nước có hàng chục vụ nổ khí gas, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Cần biết những nguyên tắc an toàn để tránh rò rỉ và nổ khí gas.
Làm thế nào đảm bảo an toàn khi sử dụng bình gas?
Chỉ cần “search” (tìm kiếm) cụm từ “rò rỉ gas” hoặc “nổ bình gas”, có thể ra hàng chục kết quả về những sự cố khi sử dụng bình gas trên cả nước. Các vụ nổ liên quan đến rò rỉ bình gas đã xảy ra rất nhiều, gây thiệt hại cả về người và tài sản. Thế nhưng, nguyên tắc về an toàn với bình gas còn chưa được chú ý nhiều.
Báo Công Thương dẫn lời Tiến sĩ Đỗ Thanh Bái - Chủ tịch Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện của các doanh nghiệp Hóa chất Việt Nam (VRCC) đưa ra một số cảnh báo an toàn khi sử dụng gas, kể cả bình gas công nghiệp sử dụng trong nhà hàng, quán ăn và các bình gas gia đình thông thường.
Theo Tiến sĩ Đỗ Thanh Bái, những nguyên nhân gây rò rỉ gas có thể kể đến như:
- Người sử dụng lơ là không khóa van gas.
- Dây dẫn gas bị chuột cắn hoặc quá cũ nên bị rò rỉ gas.
- Bếp gas cũ nên họng bếp có hiện tượng oxy hóa gây rò rỉ gas.
- Sử dụng bình gas trôi nổi không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
- Do người sử dụng bật bếp không cháy nhưng quên không khóa van gas.
- Do van điều áp gas đã cũ hoặc không đạt tiêu chuẩn.
- Điểm nối giữa dây dẫn gas với van điều áp và bếp gas bị hở…
Để phòng ngừa tình trạng rò rỉ gas, người tiêu dùng nên tuân thủ những nguyên tắc an toàn dưới đây:
- Khi ngừng đun nấu nhớ đóng van gas, sau đó là tắt công tắc bếp và khóa van bình gas (nếu là loại bình gas 12kg). Khi bật bếp thì nên thao tác ngược trở lại, đầu tiên là mở van bình gas, sau đó mở điều áp rồi mới bật bếp.
- Sử dụng các loại bếp gas có bộ phận cảm ứng tự động ngắt gas khi nước tràn hoặc gió lùa làm tắt lửa bếp gas. Trường hợp bếp gas không có bộ phận cảm ứng nhiệt thì khi đun nấu phải thường xuyên chú ý để kịp thời tắt bếp nếu bị nước tràn hoặc gió lùa làm tắt lửa. Chỉ bật lại bếp khi đã hết mùi gas trong bếp.
- Thường xuyên kiểm tra ống dẫn gas, nếu thấy rạn nứt cần thay dây, dây dẫn gas cần đặt ở nơi khô thoáng, không có chuột, sử dụng bếp gas của những thương hiệu uy tín, sử dụng bình gas đảm bảo chất lượng, lắp đặt hệ thống báo rò rỉ gas, khi lắp bếp gas phải kiểm tra dây nối với van điều áp và bếp cẩn thận.
- Tuyệt đối không sử dụng bình gas cũ, bình gas trôi nổi. Hầu hết trên thị trường, những bình gas cũ, trôi nổi đều không được kiểm định, không có khóa van gas an toàn, gây rò rỉ gas rất cao.
Cách xử lý khi rò rỉ gas
Khi bị rò rỉ khí gas, cần bình tĩnh và tuân thủ đúng những lời khuyên sau:
- Khi phát hiện có mùi gas thì cần lập tức tắt các nguồn lửa, khóa van bình gas, đóng điều áp, không bật bất cứ thiết bị điện nào, kể cả điện thoại di động.
Sau đó, nên mở hết các cửa sổ cửa chính và dùng quạt nan để đẩy khí gas ra bên ngoài, tránh gây ngạt và ngộ độc gas.
- Tuyệt đối không được đóng ngắt công tắc điện hay quạt điện để tránh phát sinh tia lửa gây cháy nổ.
- Khi phát hiện ngọn lửa cháy trên bình gas thì không được chạy vì nếu chạy sẽ khiến ngọn lửa bình gas tạo nhiệt và cháy lan đến những vật xung quanh, gây ảnh hưởng càng nghiêm trọng hơn. Cần tuyệt đối bình tĩnh, sử dụng bình cứu hỏa phun trực tiếp vào ngọn lửa hoặc dùng chăn ướt phủ lên ngọn lửa, sau đó tiếp tục dội nước để làm nguội van bình gas. Lúc này, van gas rất nóng và khó có thể khóa lại được nên cần tìm cách di chuyển bình gas ra nơi thoáng gió, tiếp tục dội nước cho đến khi van nguội và khóa lại được. Cuối cùng, liên hệ nhà cung cấp gas để xử lý nốt phần còn lại.
- Nếu có bất kỳ nghi ngờ gì về rò rỉ gas, nên quét nước xà phòng để tìm chỗ rò rỉ gas, không được dùng bật lửa để dò tìm sẽ phát sinh nguồn nhiệt và gây nổ. Cũng có thể sử dụng xà phòng bánh để bịt chỗ rò rỉ khí gas, rồi dùng băn keo hay dây cao su để hạn chế rò rỉ đến mức thấp nhất. Trong trường hợp bình gas rò rỉ không khắc phục được, nên đưa nó đến nơi thoáng gió, xa cống rãnh, xa nguồn lửa và báo ngay cho các đại lý cung cấp gas để có lực lượng chuyên nghiệp xử lý.
PN (SHTT)