Tỏi ngâm giấm là món ăn quen thuộc với mọi người. Tỏi này có thể được dùng để pha nước chấm, ăn kèm với các món bún, phở...
Theo các chuyên gia, tỏi ngâm trong môi trường axit sẽ kích thích các thành phần dược lý trong loại củ này. Tỏi ngâm giấm có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch, giúp giảm cholesterol, ngăn ngừa xơ cứng động mạch, xuất huyết não...
Một nghiên cứu đã chỉ ra, người thường xuyên ăn tỏi có tỷ lệ bị ung thư da, ung thư dạ dày thấp hơn 60% so với người không ăn. Bên cạnh đó, tỏi còn giúp giảm đau khớp, làm chậm chậm quá trình lão hóa.
Tỏi ngâm giấm chuyển sang màu xanh trên thực tế không phải hiện tượng hiếm gặp. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này thường là do tỏi vẫn còn non. Do đó, bạn có thể ăn tỏi ngâm giấm chuyển xanh mà không lo ngộ độc, tuy nhiên, hương vị cũng như khả năng hỗ trợ chữa bệnh sẽ bị giảm đi so với tỏi già và ngâm đúng cách.
Cách làm tỏi ngâm giấm không bị xanh
- Chọn mua tỏi già, bóc sạch vỏ áo phía ngoài củ tỏi, rửa sạch rồi cho vào âu nước sôi già pha muối loãng ngâm khoảng 10 phút.
- Vớt tỏi ra, để ráo nước. Cho tỏi và ớt vào lọ sạch, tiếp theo cho giấm vào sao cho ngập ớt và tỏi.
- Tỏi ngâm giấm có thể sử dụng sau 1 tuần. Lưu ý, việc ngâm tỏi vào nước muối loãng sẽ giúp tỏi ngâm được giòn, trắng hơn.
Cần lưu ý gì khi ăn tỏi?
- Không ăn tỏi khi đói hoặc chỉ ăn tỏi mà không kèm các loại thực phẩm khác. Chất allicin trong tỏi dễ khiến tính kháng sinh phát tác gây nóng dạ dày, lâu dài có thể dẫn tới loét dạ dày.
- Không nên ăn quá nhiều, mỗi ngày chỉ nên dùng không quá 10g. Tỏi có vị cay, ăn nhiều sẽ làm mất cân bằng môi trường trong dạ dày, dễ dẫn tới chán ăn, mệt mỏi, thậm chí ảnh hưởng đến thận.
- Người mắc bệnh gan không nên ăn nhiều tỏi vì loại củ này có vị cay, tính nóng, gây kích thích mạnh. Người bệnh gan ăn tỏi sẽ càng nóng hơn và gây tổn thương gan nhiều hơn.
- Không ăn tỏi khi bị đi tả vì chất allicin sẽ kích thích thành ruột gây nghẽn mạch máu, phù nề làm bệnh thêm nặng.
PN (SHTT)